Xu hướng xuất ngoại trong dịp lễ, tết của gia đình Việt

(PLO) - Những năm đây, xu hướng du lịch nước ngoài trong các dịp nghỉ lễ ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, trong dịp nghỉ dài ngày như Tết Dương lịch, âm lịch, xu hướng “đổi gió” đón tết ở những nơi xa quê để thưởng thức không khí đón năm mới ở những miền đất khác đang trở thành một trào lưu trong các gia đình trẻ, hiện đại.
Du lịch nước ngoài trong các dịp lễ, tết đang trở thành một xu hướng thời thượng ở các thành phố lớn.

Đi vì chán Tết cổ truyền

Đã thành thông lệ, những năm gần đây, cứ đến dịp Tết Nguyên đán thì gia đình chị Vũ Thu Trang ở Kim Giang, Hoàng Mai lại thu dọn hành lý cho chuyến đi du lịch dài ngày ở nước ngoài. Khi thì đi Thái Lan, lúc thì đi Nhật Bản nhưng năm nay, kinh tế khấm khá hơn chút nên chồng chị muốn đưa vợ con đi du lịch ở châu Âu để thay đổi không khí.

Chị Trang cho biết: “Cả một năm cứ vùi đầu trong công việc, tiếp khách cả gia đình không có thời gian đi chơi cùng nhau nên tranh thủ dịp tết này cả nhà cùng đi du lịch nước ngoài để thay đổi không khí để lấy tinh thần làm việc trong năm tới. Hơn nữa, tết cổ truyền bây giờ không còn vui như xưa nữa. Về quê thì các cụ không còn, họ hàng cũng xa vắng, ở lại Hà Nội thì chỉ được mỗi đêm giao thừa có chút không khí hồ hởi ngắm pháo hoa còn đâu chỉ ngồi nhà ăn với uống”.

Chị Đinh Thu Phương ở Thái Hà, Đông Đa, Hà Nội nguyên quán Quảng Ngãi theo chồng ra Hà Nội lập nghiệp đã hơn 20 năm. Tuy nhiên năm nay, chị không về quê ăn Tết với bố mẹ đẻ mà cùng chồng con đi du lịch nước ngoài.

Theo chị Phương thì: “Những ngày Tết rét mướt không tốt cho sức khỏe của các con. Việc đi lại trong dịp Tết cũng khó khăn, người chen chúc nhau về quê, đặt vé tàu, xe cũng khó. Hơn nữa, bố mẹ tôi thường xuyên bay ra chơi. Năm vừa rồi mẹ tôi cũng ra ở mấy tháng liền nên dịp tết gia đình tôi muốn đi đâu đó xa xôi một tí. Vả lại, ngày tết, cô giúp việc cũng xin nghỉ về quê ăn tết nên đi du lịch là cách tốt nhất để tôi không phải “đầu bù tóc rối” với việc nhà và hầu hạ 3 ông tướng (chồng và hai con trai) ăn nhậu liên miên mấy ngày tết”…

Cần giữ lại một số nét truyền thống 

Không chỉ riêng chị Phương, chị Trang hay anh Minh dự định đi du lịch trong dịp nghỉ tết mà có khá nhiều gia đình cũng muốn “đổi gió”, tranh thủ thời gian trong các dịp lễ, tết để đi du lịch nước ngoài. Bởi, theo thống kê chưa đầy đủ từ các công ty du lịch, hàng năm có khoảng gần 5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, trong đó 50% số khách đi vào dịp lễ, tết như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Âm lịch. 

Bà Trần Thị Bảo Thu – Giám đốc Truyền thông Công ty Fiditour cho biết, những năm gần đây, kỳ nghỉ Tết thường kéo dài, chính vì vậy, đi du lịch nước ngoài trong các dịp lễ tết đã trở thành xu hướng, đặc biệt là các gia đình trẻ, có điều kiện đang sinh sống tại các thành phố lớn. 

Bà Thu cũng bật mí, tính đến thời điểm này, lượng khách đăng ký tour Giáng sinh và Tết Dương lịch tại Fiditour chiếm khoảng 80% kế hoạch. Các hành trình xa đi nước ngoài như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Dubai, Úc… đã gần đạt kế hoạch đề ra. Các tour gần và không yêu cầu các thủ tục visa hay những hành trình trong nước, theo kinh nghiệm của Fiditour, du khách sẽ tập trung đăng ký nhiều khi qua dịp lễ Giáng sinh. Năm nay, bên cạnh đối tượng nhóm gia đình, bạn bè, lượng khách cao tuổi đăng ký tại các điểm du lịch tâm linh vào dịp cuối năm và Tết âm lịch với mong muốn cầu an lành cho gia đình trong năm mới cũng có sự gia tăng.

Còn bà Lê Thu Hương - Công ty TNHH TM và Dịch vụ du lịch Mercare biết, số khách đặt tour du lịch ở nước ngoài  đã bắt đầu xuất hiện và tăng dần trong khoảng 6 năm trở lại đây vào dịp Tết Nguyên đán. Lượng khách đăng ký tour du lịch đón Tết Nguyên đán ở nước ngoài năm nay cao hơn so với những năm trước, tăng khoảng 25% so với năm ngoái.

Mặc dù xu hướng đi du lịch nước ngoài ngày càng rầm rộ, thu hút nhiều người tham gia, tuy nhiên, trào lưu đi du lịch trong dịp tết không thật sự là lựa chọn của đa số người Việt. Bởi, đa phần mọi người vẫn dành quãng thời gian quý giá ấy để về quê sum họp với gia đình, họ hàng.  

Anh Nguyễn Xuân Sơn, quê Thanh Hóa cho rằng, việc trở về quê hương trong dịp Tết Nguyên đán là truyền thống của người Việt: “Từ trước đến nay, mỗi khi tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cũng chỉ mong được “về quê ăn Tết”. Tôi có nhiều người bạn vì muốn cuộc sống tốt hơn mà phải xa xứ, họ thường tâm sự với tôi rằng chỉ ước về quê ăn tết dù chỉ một ngày”. 

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: “Cuộc sống càng hiện đại thì mọi thứ cũng thay đổi, Tết giờ đã khác xưa, nhiều phong tục cũ không còn, có thêm nhiều phong tục mới.

Đừng quá câu nệ khi nhiều gia đình muốn đi du lịch vào những ngày Tết vì ngày Tết cũng là những ngày nghỉ dài, đi du lịch cùng gia đình, bạn bè cũng là cách để thư giãn, giảm áp lực stress tốt nhất. Nhưng theo tôi, vẫn cần phải giữ lại một số nét truyền thống như: tục lệ thờ cúng tổ tiên.

Mỗi dịp Tết đến, con cháu phải về nhà lễ bái ông bà, cũng là lúc kiểm điểm lại những việc được và chưa được của mỗi người, của dòng họ, tất nhiên không nhất thiết phải nệ cổ như trước. Mỗi người làm mới mình, làm mới xã hội mỗi khi năm mới đến, những chuyện cũ, những chuyện không tốt đẹp, mọi thù oán bỏ đi, đón nhận những cái mới...”.

Đọc thêm