Xử lý nghiêm chủ tàu thuyền không chấp hành quy định phòng tránh bão

(PLVN) - Đó là thông tin được nhấn mạnh tại cuộc họp bàn về ứng phó với bão số 10 và khắc phục hậu quả của cơn bão số 9 diễn ra hôm qua (5/11) do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai chủ trì.
Chủ tàu thuyền không chấp hành quy định phòng tránh bão sẽ bị xử lý nghiêm.

Thông tin về diễn biến của cơn bão số 10,  ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngày 5/11, cường độ bão có sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khi vào gần bờ, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão số 10, cao điểm mưa sẽ rơi ngày 5-6/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt; ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt. 

Từ ngày 5-7/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt. “Ngoài biển Đông đã xuất hiện cơn bão mới. Và nhiều khả năng cơn bão này sẽ suy yếu khi đi vào Biển Đông cuối tuần này…”, ông Hoàng Phúc Lâm cảnh báo.

Về tình hình sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay các tỉnh Nam Trung bộ còn khoảng 40.000 ha lúa đã chín và đến kỳ thu hoạch, Cục đã đốc thúc các địa phương khẩn trương thu hoạch để tránh bão.

Đối với hoạt động tàu, thuyền trên biển, ông Lê Trần Nguyên Hùng,Vụ trưởng Vụ Bảo tồn (Tổng cục Thủy sản) chia sẻ, tính đến ngày 5/11 vẫn còn một số tàu cá tại tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão.

“Đây là các tàu khai thác thủy sản gần bờ (cách đất liền từ 10 - 28 hải lý), nhưng do công suất tàu nhỏ, nếu xảy ra sóng lớn, gió mạnh thì rất dễ xảy ra sự cố tàu chìm. Vì vậy, trong ngày 5/11, chúng tôi kiên quyết yêu cầu các tàu trên phải vào bờ”, ông Hùng nói.

Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Phòng Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, tính đến 6h ngày 5/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.884 phương tiện/232.118 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Các tỉnh, thành phố đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ 4.050 lao động trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ. Các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cũng đã rà soát, chuẩn bị công tác sẵn sàng sơ tán 7.688 hộ dân với 28.285 người đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.

Hiện, các tỉnh đã sơ tán 2.178 hộ dân với 8.125 người thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất… Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa đã có lệnh cấm biển.

Sau khi nghe các báo cáo, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương  về PCTT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, nêu rõ, thời gian qua mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng các chủ tàu chấp hành chưa nghiêm. Bởi vậy, đối với các tàu chưa chấp hành nghiêm quy định, cảnh báo cơ quan chức năng, cần có xử phạt hoặc giáo dục, cảnh báo trước cộng đồng. 

Ông Tiến nhấn mạnh, để ứng phó với bão số 10, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu liên tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ, ban hành kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo sát với diễn biến thực tế, nhất là những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Kiểm tra, hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, các khu nuôi trồng thủy sản, khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. Tiếp tục công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão; giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất ổn định cuộc sống, sẵn sàng ứng phó với bão và mưa lũ sau bão; khôi phục hệ thống điện, lưu ý trước khi đóng điện trở lại cần thông báo cho các cơ quan và người dân để tránh xảy ra tai nạn.

Cuối cùng là vận hành, bảo đảm an toàn công trình và hạ du các hồ đập thủy lợi, thủy điện; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển, các công trình phòng chống thiên tai, sạt lở, nhất là các trọng điểm xung yếu và các sự cố xảy ra trong bão số 9 và các đợt mưa lũ vừa qua… 

Đọc thêm