Xử lý nghiêm minh nhất mọi hành vi xâm phạm quyền trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau vụ cháu bé ở TP Hồ Chí Minh bị chính bố đẻ và bạn gái của bố hành hung dẫn đến tử vong, dư luận lại bức xúc trước việc bé gái 3 tuổi bị ghim nhiều đinh vào đầu. Sau những sự việc đau lòng, nhiều ý kiến cho rằng cần xử lý thật nghiêm mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống.
Nhiều bậc cha mẹ coi thường pháp luật ngang nhiên tước đoạt các quyền cơ bản của con em mình. (Ảnh minh họa)
Nhiều bậc cha mẹ coi thường pháp luật ngang nhiên tước đoạt các quyền cơ bản của con em mình. (Ảnh minh họa)

Quyền sống là quyền đứng đầu trong nhóm quyền của trẻ em

Việt Nam đã tham gia Công ước về quyền trẻ em từ rất sớm và vấn đề bảo vệ quyền trẻ em được đặc biệt nhấn mạnh trong Công ước để các quốc gia thành viên chuyển hóa vào nội luật. Trong nhóm 25 quyền của trẻ em được quy định trong Luật Trẻ em năm 2016 thì quyền sống là quyền được đề cập đến đầu tiên ở Điều 12.

Lý giải một cách cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, quyền trẻ em được phân chia thành 4 nhóm, bao gồm: Quyền được sống còn; Quyền được phát triển; Quyền được bảo vệ; Quyền được tham gia. Tất cả các nhóm quyền này của trẻ em đều được pháp luật bảo vệ trước mọi hành vi xâm hại, tước đoạt, ngăn cấm…

Trong các hoạt động bảo vệ trẻ em những năm gần đây, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tập trung vào hỗ trợ nhóm quyền được sống còn (là quyền của trẻ em được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe.

Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi ra đời) và quyền phát triển (là những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, bao gồm việc học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Trẻ em cần có sự yêu thương và cảm thông của cha mẹ để có thể phát triển hài hòa.

Sở dĩ hai nhóm quyền này được tập trung hỗ trợ vì do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như thiên tai, bão lũ tại miền Trung, trẻ em tại nhiều địa phương trong cả nước trở thành một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Mặt khác, tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Trẻ em thường bị xâm hại trong chính những môi trường quen thuộc như: gia đình, trường học… Thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em như gửi đơn tố giác, yêu cầu khởi tố những trường hợp xâm hại trẻ em, theo bà Thanh Hòa.

Đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ phát triển hài hòa

Tháng 11/2015 khi thảo luận tại hội trường Quốc hội về Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo lắng về việc thời gian qua nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành, người thân lạm dụng, tước đoạt quyền sống rất đau lòng, gây bức xúc lớn trong xã hội, nên cần bảo đảm môi trường gia đình an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển hài hòa.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nhấn mạnh: “Thực tế xã hội hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều trường hợp cha mẹ, người thân trong gia đình, người khác đem quyền sống của trẻ em làm công cụ phục vụ lợi ích, mục đích riêng của mình nên nhiều trường hợp trẻ em bị tước đoạt quyền sống rất đau lòng và gây bức xúc lớn cho xã hội”.

Nhận định này của Đại biểu Điểu Huỳnh Sang là hoàn toàn chính xác bởi thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc cha mẹ xâm hại cuộc sống của con. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 58% phụ nữ bị bạo hành trong gia đình, 68,4% trẻ em (11 - 14 tuổi) bị ít nhất 1 hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong gia đình. Còn 14,6% cha mẹ cho rằng trẻ em cần bị xử phạt về thể xác. Vấn nạn này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

“Cần quy định nghiêm cấm cha mẹ, người thân, người khác tước đoạt quyền được sống của trẻ em; đồng thời bổ sung trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh, đảm bảo sự phát triển hài hòa của trẻ em” - Đại biểu Điểu Huỳnh Sang góp ý ban soạn thảo.

Từ những góp ý thiết thực như vậy, Luật Trẻ em năm 2017 có hiệu lực từ 1/6/2017 đã đưa quyền sống của trẻ em là quyền đứng đầu trong nhóm quyền của trẻ em. Với hàng loạt vụ việc xâm hại tước đoạt mạng sống trẻ em diễn ra gần đây, quan điểm của nhiều luật sư cho rằng mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống cần phải bị xử lý nghiêm minh nhất.

“Vì trẻ em là người yếu thế, đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Sát hại trẻ em là tội ác lớn nhất và không có điều gì có thể để bao biện cho hành vi không còn tính người như vậy”, như ý kiến của Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Đừng ngại lên tiếng để bảo vệ trẻ em

Được biết, trong vụ bé gái bị nhiều đinh ghim vào sọ, ngày 18/1, đường dây nóng của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhận cuộc điện thoại của ông Đỗ Hữu Chức (ông nội bé A) về trường hợp của cháu. Lúc đó, ông nội bé gái không nắm được thông tin gì của bé nên gọi cho tổng đài để báo về tình trạng của cháu, nhờ trợ giúp.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH Đặng Hoa Nam cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, Tổng đài 111 đã kết nối với Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội TP Hà Nội đề nghị phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xác minh thông tin, can thiệp, hỗ trợ cho trẻ kịp thời.

Hiện Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, tại TP HCM có hơn 3.000 điểm trường tiểu học, THCS và hơn 2.000 điểm trường tại Hà Nội có dán pano về Đường dây 111 tại cổng trường. Người dân chỉ cần thấy nghi ngờ có vụ việc xâm hại trẻ em đang diễn ra xung quanh mình đều có thể gọi điện cho Tổng đài 111.

Từ ngày 1/1/2022, Nghị định 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Nghị định có một nội dung quan trọng mà các quốc gia đều thực hiện là tố cáo bắt buộc liên quan đến hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.

Giải thích về hai chữ “tố cáo” được quy định trong Nghị định, theo ông Đặng Hoa Nam, với các vụ việc liên quan đến trẻ em thì chỉ cần nghi ngờ là phải tố cáo, còn có đúng xâm hại, bạo hành trẻ em hay không, phân định mức độ nguy hiểm là thuộc về cơ quan chức năng. Sau khi xem xét, nếu có kết luận không phải bạo hành thì người thông báo, tố cáo cũng không phạm lỗi vì đã cung cấp thông tin sai sự thật.

Hiện Cục Trẻ em đã có công văn gửi Công an TP Hà Nội giải quyết vụ bé N.A. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ khẩn cấp 20 triệu đồng để điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bé.

Đọc thêm