Xử phạt hành chính về phòng cháy chữa cháy:

(PLO) - Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy, nổ làm thiệt hại không nhỏ về người cũng như tài sản. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn tại các chợ, cơ sở sản xuất, quán bar, karaoke... gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân chính là do các chủ cơ sở và người dân còn thiếu ý thức về phòng cháy chữa cháy còn có nguyên nhân là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.
Ý thức người dân kém?
Tại Hà Nội, dư luận và các tiểu thương chợ Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm chưa hết hàng hoàng về vụ cháy đêm 3/12 gây thiệt hại lớn về tài sản thì trưa 11/12/2014, một vụ cháy lớn lại xảy ra tại chợ Nhật Tân, quận Tây Hồ đã thiêu rụi nhiều gian hàng gây thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng, khiến người dân phần nào bừng tỉnh về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). 
Lý giải nguyên nhân các vụ hỏa hoạn, theo Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, về mặt khách quan là do thời tiết hanh khô, nhưng nhiều vụ cháy xảy ra chủ yếu là do ý thức chủ quan của con người. Nhiều người dân còn có ý thức chưa cao về công tác PCCC, hơn nữa khi có cháy xảy ra, người dân báo cho lực lượng cảnh sát PCCC quá chậm nên để lại hậu quả khó lường… 
Đại tá Thiều cảnh báo, vào thời điểm cuối năm, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân sử dụng điện nhiều dẫn đến quá tải điện cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ hỏa hoạn từ điện. Hiện tượng tích trữ, tập kết hàng hóa bán dịp cuối năm cũng dễ dẫn đến cháy nổ. Qua kiểm tra một số chợ trên địa bàn, Ban quản lý chợ có thực hiện việc tập huấn cho lực lượng chữa cháy cơ sở, nhưng nhiều người vẫn có suy nghĩ chủ quan, chiếu lệ, chính vì vậy khi xảy ra sự cố kỹ năng xử lý không kịp thời, lúng túng không thể ngăn chặn hay hạn chế được hỏa hoạn.
Cuối năm, các quán bar, nhà hàng, quán karaoke... cũng luôn trong tình trạng “quá tải” vì lượng khách đến vui chơi, giải trí. Ngoài việc thiếu ý thức của một số khách hàng thì vấn đề an toàn cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện cũng chưa được giới chủ đề cao chính là cơ hội để “bà hỏa” ghé thăm. Điển hình là vụ cháy tại quán Karaoke Sao Xanh trên đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy; đám cháy lớn xảy ra tại quán karaoke 4 tầng trên phố Giảng Võ (Hà Nội); 130 tỷ đồng là con số ước tính thiệt hại trong vụ cháy ở khu công nghiệp Quang Minh và khu tổ hợp nhà hàng, gara ôtô tại Nam Trung Yên…
Điểm chung ở các quán bar, karaoke là chủ cơ sở thường xuyên thay đổi kết cấu, cải tạo, trang trí nội thất bằng các vật liệu dễ cháy, khi thợ hàn cắt kim loại và hút thuốc rất dễ gây ra hỏa hoạn. Bên cạnh đó, thiết bị điện, dây điện tại nhiều cơ sở vốn chỉ được thiết kế phục vụ sinh hoạt cho hộ gia đình, không phù hợp khi chuyển sang việc kinh doanh nên sự cố chập, cháy điện cũng luôn tiềm ẩn rủi ro - Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC Cầu Giấy nhận định.
“Trốn” bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, Công an Hà Nội, các vụ cháy xảy ra thời gian qua nguyên nhân là do lỗi chủ quan của các chủ cơ sở kinh doanh và người dân. Mặc dù công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đã được tăng cường nhưng chế tài còn thấp, chưa có tác dụng răn đe. Ngoài ra, một số cơ sở, đơn vị vi phạm chưa quan tâm đến việc khắc phục những tồn tại, thiếu sót do lực lượng cảnh sát PCCC chỉ ra, thậm chí còn có hiện tượng chây ỳ, không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, không ký vào biên bản vi phạm…Những hành vi này lại chưa có chế tài để xử lý nên bất cập nếu chủ cơ sở không tự nguyện khắc phục. Mặt khác, công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC chưa đủ mạnh. Hầu hết người dân không quan tâm đến an toàn cháy nổ nên chưa thường trực ý thức phòng cháy, phát hiện, cảnh báo và khắc phục nguy cơ cháy. Đây được xem là nguyên nhân đáng báo động.
Luật sư Nguyễn Trung Thành, – Cty Luật TNHH Hòa Lợi cho rằng, để hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra, pháp luật đã quy định bảo hiểm cháy, nổ là loại hình bảo hiểm bắt buộc áp dụng đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ như: Trung tâm thương mại, rạp hát, khách sạn, xí nghiệp... Dù là bảo hiểm bắt buộc nhưng một số tổ chức chỉ mua bảo hiểm cho phần tài sản cố định (khung) thuộc diện quản lý của cơ sở, còn phần chi tiết (tài sản bên trong) thì không tham gia. Từ đó, dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng khi xảy ra cháy, nổ.  Đánh giá của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), qua 6 năm thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, hành lang pháp lý đã được thiết lập. Nhưng quá trình triển khai lại gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như quy định khách hàng chỉ được giao kết hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc khi đã được cơ quan cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC hoặc có biên bản kết luận cơ sở đủ điều kiện về PCCC là một vướng mắc. 
Tại hầu hết các địa phương, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn PCCC (một trong những điều kiện tiên quyết để bán bảo hiểm bắt buộc) chưa được thực hiện triệt để, công khai danh sách các cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Nhiều địa phương, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể bán bảo hiểm tự nguyện theo quy tắc, biểu phí do doanh nghiệp tự xây dựng. Trong khi số lượng đối tượng phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc còn rất hạn chế, né tránh hoặc tham gia một cách đối phó... 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm