[links()]Năm học sắp kết thúc nhưng không khí luyện thi, học thêm lại “ nóng” hơn bao giờ hết với những “sĩ tử” "tiền" lớp 1 ngày ngày vật vã tại các lớp luyện chữ và các lò luyện thi ngột ngạt tới… 700 học sinh/ lớp, bất chấp quy định cấm dạy thêm, học thêm.
Mập mờ nhu cầu, tiêu cực
Mặc dù Thông tư 17 về dạy thêm, học thêm (DTHT) của Bộ GD-ĐT đã có hiệu lực 8 tháng nay nhưng chỉ có một số địa phương “mạnh tay” kiểm tra và xử phạt những giáo viên .... Và số vụ bị “bắt quả tang” cũng chỉ dừng ở con số rất khiêm tốn: Hải Phòng xử lý 4 giáo viên, Phú Yên: 20 , Cà Mau: 16… Còn lại nhiều thành phố lớn - nơi DTHT tràn lan thì dường như còn lúng túng, bị động và chưa biết cách nào quản lý dạy thêm, học thêm cho phù hợp.
|
Xã hội ứng thí, thi cử như hiện nay gắn với học thêm tràn lan. Ảnh minh họa. |
Thực tế hoạt động DT, HT diễn ra ở khắp nơi và tập trung nhiều nhất ở các đô thị lớn, trong đó riêng TP HCM và Hà Nội có đến 80% học sinh có nhu cầu học thêm.
Một giáo viên Quận Ba Đình cho hay: “Cần có cái nhìn đúng và quản lý đúng việc dạy thêm, học thêm. DTHT thực sự là nhu cầu chính đáng và bản chất của việc DHHT không hề xấu mà những tiêu cực nảy sinh từ việc DTHT mới cần triệt tiêu.
Từ khi có “bắt quả tang” là chúng tôi cũng không dạy nữa dù phụ huynh có yêu cầu vì thấy thiếu sự tôn trọng GV. Dù càng tới thời điểm chuẩn bị diễn ra các kỳ thi quan trọng thì hoạt động dạy thêm học thêm ngày càng rầm rộ.”
Theo em Nguyễn Lê Tú Uyên, HS Trường THPT Bùi Thị Xuân: “Học thêm là có tác động từ giáo viên tới HS. Trong lớp không phải ai cũng có điều kiện tiền bạc để đi học thêm, nếu không đi thì quá trình học sẽ bị trì trệ ngay. Có những giáo viên dạy ở lớp lại khó hiểu hơn dạy thêm nên phải đi học thêm mới hiểu bài”.
Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Cần phải nói thêm rằng một phần do nhu cầu của phụ huynh nhưng phần nào cũng là do thầy cô, nhà trường tạo ra. Thầy cô ra đề kiểm tra với yêu cầu quá cao hoặc có những tình tiết lắt léo, đánh đố học sinh thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo cái gọi là “nhu cầu” cho trẻ đi học thêm. Thực tế chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông đã được thiết kế phù hợp với năng lực nhận thức của tuyệt đại đa số học sinh”.
Ai xử phạt- xử phạt ai?
Trước những lúng túng trong xử phạt hiện nay, ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng Giáo dục quận 1 TPHCM, việc cần quản và giám sát chặt là những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp như ép học sinh học thêm hoặc cắt xén chương trình học chính khóa để đưa ra lớp dạy thêm.
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm tràn lan. Đó là chương trình học quá nặng, áp lực thi cử, thi đua, phụ huynh nặng tâm lý muốn con thành tài, đời sống giáo viên khó khăn…
Nếu không xử lý tận gốc của vấn nạn học thêm, dạy thêm đang ngày càng tràn lan thì giải pháp siết chặt kiểm tra, xử phạt nặng vẫn chỉ là giải pháp ngăn chặn phần ngọn. Liệu nó có thể trị dứt căn bệnh thâm căn cố đế từ nhiều năm nay hay chỉ lại rơi vào hình thức?.
Các nhà quản lý giáo dục tại Hà Nội khẳng định biện pháp này không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh nội dung chương trình SGK theo hướng giảm tải để học sinh tiếp thu tốt kiến thức trên lớp, tránh phát sinh nhu cầu DTHT.
Ông Tiến Đạt cho rằng: “Trước khi muốn dẹp nạn dạy thêm, học thêm thì Bộ phải hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến căn bệnh lưu cữu này và đưa ra giải pháp trị liệu đúng, thay vì tống liều thuốc mạnh là cấm đoán và xử phạt.
Để giải quyết tận gốc vấn nạn trên thì ngoài tiếp tục giảm tải nội dung, chương trình học ở các cấp, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập, không tạo áp lực thi cử, việc đảm bảo thu nhập đủ sống hoặc trả lương đúng giá trị lao động của giáo viên là điều cần làm gấp”.
Cùng chung quan điểm trên, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: Xử phạt là đúng nhưng vấn đề ai xử phạt, phải có liên ngành chứ ngành giáo dục không thể đi từng ngóc ngách ngõ phố để kiểm tra được. Nếu cứ xuân thu nhị kỳ mới kiểm tra một lần thì không bao giờ có hiệu quả.
Thứ 2, xử lý là phải tận gốc vấn đề từ cách thi cử, phụ huynh nào cũng muốn con vào đại học, vào trường chuyên nên nhu cầu học thêm ngày càng nhiều. Nhu cầu là có thực nên GV phải tìm cách luồn lách để dạy. Vậy xử lý như thế nào để răn đe việc dạỵ thêm học thêm, nhất là đối với cấp 1.
Nếu thi cử như hiện nay thì sẽ vẫn có DTHT tràn lan. Bộ lúng túng giữa mong muốn giữa cấm DTHT và nhu cầu thực tế. Bộ phải giải quyết đồng bộ CT, SGK, đặc biệt là thi cử phải đúng với đánh giá HS chứ không phải chạy theo gà nòi để phụ huynh và học sinh phải lo học thêm tràn lan như hiện nay…
Uyên Na