Cùng nhau “giết” môi trường
Những dòng sông “chết”, lượng khói bụi vượt quá mức độ cho phép hàng trăm lần, rác thải “bủa vây” khu dân cư... đã trở thành những hình ảnh, thông tin quen thuộc về môi trường sống không chỉ ở các đô thị đông đúc mà cả ở vùng nông thôn “đất rộng người thưa”. Nguyên nhân của ô nhiễm đã được nêu nhiều lần, trong đó hàng đầu là ý thức của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sinh hoạt, sản xuất. Đa số không coi bảo vệ môi trường là trách nhiệm của bản thân mà phó mặc cho Nhà nước.
Không ít người thờ ơ với việc bảo vệ môi trường vì không nhận thức được tác hại của sự ô nhiễm đối với sức khỏe, sự phát triển chung. Do vậy, tư duy và ý thức “bảo vệ môi trường” chưa được hình thành trong nhiều cá nhân, cộng đồng nên những mẩu rác nhỏ đã từng ngày chất thành những đống rác lớn, chặn dòng chảy của hệ thống thoát nước, hình thành nên những ao tù, nước đọng...
Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, sản xuất, xả thải dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng về môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dọc bờ biển các tỉnh miền Trung do hoạt động xả thải không đúng quy định của Nhà máy Formosa là minh chứng rất điển hình về sự thiếu trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Đến nay, các cơ quan chức năng và toàn xã hội vẫn đang phải giải quyết hậu quả và cũng chưa biết đến bao giờ mới được khắc phục hoàn toàn, hoàn trả môi trường về nguyên trạng.
Mặt khác, hệ thống xử lý nước thải tại một số khu công nghiệp chưa hoạt động hiệu quả, nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm được thải liên tục ra sông, hồ gây nhiễm độc nguồn nước tự nhiên. Lượng xe cộ lưu thông ngày càng nhiều, hoạt động sản xuất bằng các công nghệ lạc hậu đã góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí. Trong khi đó, công tác quản lý bảo vệ môi trường của Nhà nước còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có nơi có sự buông lỏng đang tiếp tay cho hành vi phá hoại môi trường.
Ngoài ra, không thể không nói tới những lỗ hổng trong hệ thống văn bản pháp luật về môi trường. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế, các quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất,... Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường.
Hạn chế từ các cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường còn chưa đủ mạnh cũng đã tạo điều kiện cho các hành vi phá hoại môi trường, nhất là các doanh nghiệp vì trước đây chưa có quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Việc xử lý vi phạm hành chính còn quá nhẹ so với mức độ nguy hại của hành vi gây ô nhiễm môi trường. Có rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự, còn các biện pháp xử lý khác như: buộc phải di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết nên doanh nghiệp “nhờn”, không có hiệu quả.
Phạt cao, xử nặng để bảo vệ môi trường
Điều 235 của BLHS năm 2015 quy định về tội gây ô nhiễm môi trường với mức phạt tùy mức độ và hình thức phạm tội từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 7 năm đối với cá nhân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 10 tỷ đồng tùy mức độ và hình thức phạm tội, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Quy định này được đánh giá là nghiêm khắc, có tính răn đe dù không thể đủ để khắc phục triệt để những ảnh hưởng nặng nề do các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Quá trình thảo luận về Dự án Luật, nhiều ý kiến đề nghị, do tình hình vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đang diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều vùng dân cư thì cần phải hạ các mức lưu lượng xả thải cũng như số lần vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa. Có ý kiến đề nghị sửa đổi các quy định có liên quan đến thông số chất phóng xạ cho phù hợp với thuật ngữ khoa học và quy định về mức độ an toàn chất phóng xạ.
Trong báo cáo các vấn đề lớn của Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, quan điểm nhất quán của Nhà nước ta là không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 95/BCA-V19 ngày 18/01/2017 của Bộ Công an thì tình trạng “gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trên diện rộng, trong hầu hết các loại hình sản xuất”. Nếu quy định như Điều 235 của BLHS năm 2015 về mức độ xả thải ra môi trường (các điểm b, đ khoản 1, các điểm b, đ khoản 2 và các điểm c, đ khoản 3) thì nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua cũng không thể xử lý hình sự được.
Vì vậy, để bảo đảm nghiêm trị các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Bộ Công an và một số bộ, ngành, Dự thảo Luật mới dự kiến chỉnh lý một bước theo hướng hạ thấp một số mức định lượng về môi trường được quy định tại Điều 235 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, do đây là nội dung chuyên ngành sâu nhưng hiện nay chưa có sự thống nhất của một số bộ, ngành chuyên môn nên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan; đồng thời đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung này. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cơ bản giữ nhiều mức định lượng xả thải như BLHS năm 2015; Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị nâng mức định lượng về phát tán phóng xạ từ 2 đến 4 lần trong BLHS năm 2015 lên 1.000 đến 10.000 lần.
Quy định về tội gây ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề lớn của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội càng khẳng định, tuy tội phạm môi trường rất khó xử lý nhưng cần xử nghiêm, kịp thời vì sự tồn vong của giống nòi và sự phát triển bền vững cho tương lai.