Xứ sở hoa anh đào vượt qua quốc nạn tự tử như thế nào?

(PLVN) - Truyền thống võ sĩ đạo Samurai bị “biến tướng”, nền văn hóa được thừa nhận trong văn học, chế độ bảo hiểm “ưu ái” sau khi chết hay một xã hội không lên án tự sát là tất cả những yếu tố khiến tự tử trở thành quốc nạn. Bên cạnh mức sống cao, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao thứ 3 thế giới, theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Xứ sở mặt trời mọc lại là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới
Xứ sở mặt trời mọc lại là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới

Tương truyền, truyền thống “võ sĩ đạo” đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước. Đối với người Nhật, trong những trường hợp nhất định, tự tử thường được xem là hành động cao cả và đầy trách nhiệm. Ví dụ trong chiến tranh, võ sĩ Nhật coi việc chết dưới tay của kẻ thù là một sự sỉ nhục. Vì vậy, khi bị dồn tới đường cùng, họ chọn mổ bụng tự sát để giữ gìn thanh danh cho đất nước, cho chủ nhân và cho bản thân mình. Điều đó cho thấy người Nhật có lòng tự tôn rất lớn. Song, ngày nay, chính lối suy nghĩ này đã khiến nhiều công dân của xứ sở hoa anh đào ngộ nhận việc tự tử để phản đối một điều gì đó là một hành vi dũng cảm và cao thượng.

Những con số biết nói...

Những con số thống kê được chỉ ra chính là minh chứng rõ nét nhất cho vấn nạn tự tử gây nhức nhối ở nước này trong những năm vừa qua.  Theo thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản năm 2016, mỗi năm nước này có khoảng trên dưới 30.000 người tự tử. Mỗi tuần khoảng 660 người tự tử và 94 người tự kết thúc cuộc sống của mình mỗi ngày, kết quả này cao gấp 3 lần tai nạn giao thông. Đáng lo ngại hơn, số người tự tử lại rơi vào các đối tượng học sinh, sinh viên là chủ yếu. 

Cũng theo cơ quan cảnh sát quốc gia này, trong khi tổng số vụ tự tử trên toàn quốc  giảm xuống 21,321 vụ vào năm 2017 từ mức đỉnh 34,427 vào năm 2003 thì số vụ tự tử ở giới trẻ lại tăng cao. Ông Noriaki Kitazaki – một quan chức của Bộ Giáo dục Nhật Bản cảnh báo về vấn đề này: “Số lượng học sinh tự tử đang ở mức cao. Nó đang trở thành một vấn đề đáng báo động và cần phải được giải quyết kịp thời. Tự tử ở Nhật Bản đã biến thành quốc nạn”. Trong cuốn sách “Sổ tay tự tử toàn tập”, do tác giả Wataru Tsurumi - một nhà văn người Nhật, đã thừa nhận  nội dung: “Tự tử là một phần văn hóa Nhật Bản”. 

Có nhiều lý do khiến người Nhật tự tìm đến cái chết trong đó có việc phải đối mặt với quá nhiều áp lực cuộc sống. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như cô lập với xã hội và thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Ông Tadaichi Nemoto, Phó Viện trưởng Viện Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho biết: “Người Nhật thường không muốn đi điều trị. Ngay cả sau khi Chính phủ yêu cầu tất cả công ty có hơn 50 người lao động phải cho nhân viên kiểm tra sức khoẻ đều đặn, hầu hết những người được khuyên đi gặp bác sĩ tâm lý thường không làm vậy. Họ không muốn đi gặp bác sĩ. Người Nhật có khuynh hướng tự trách mình”.

Số vụ tự tử ở Nhật đạt thấp nhất vào năm 2018
Số vụ tự tử ở Nhật đạt thấp nhất vào năm 2018

Theo số liệu của Bộ Y tế nước này cung cấp: 50% số vụ tự tử nước này là do áp lực quá lớn, tự tử là nguyên nhân thứ 6 gây chết người ở nước này sau căn bệnh ung thư, tim và một số bệnh hiểm nghèo khác. Không chỉ dừng lại ở các em học sinh muốn kết thúc cuộc đời khi còn khá trẻ, mà tự tử còn là ý định trong “tiềm thức” của mọi lứa tuổi: công nhân, người già, thậm chí ngay cả các quan chức Nhật Bản. Câu hỏi được đặt ra là liệu rằng xã hội Nhật Bản có quá hà khắc?

Anh Tetsuya Yoruda - một công dân Nhật Bản đã không ngại ngần chia sẻ: “Tôi tìm đến việc tự tử vì tôi đã tốt nghiệp rồi nhưng không thể tìm được việc làm. Thời điểm tôi tốt nghiệp đúng lúc thị trường lao động đang ở trong thời kỳ đen tối,  tôi đã từng làm bán thời gian nhưng sau đó họ không thuê nữa, không có nơi nào có thể sống được, tôi nghĩ rằng mình phải kết thúc cuộc sống thôi”.

Tuy nhiên, tự tử không chỉ là vấn nạn làm giảm dân số, gây ảnh hưởng đến vị thế của một quốc gia có tầm ảnh hưởng trên thế giới mà còn để lại hệ lụy cho nền kinh tế. Chính phủ  Nhật  Bản  ước tính trong năm 2015, các vụ tự tử và các bệnh nhân trầm cảm đã khiến nước này mất 32 tỷ USD.

Theo báo chí nước này phản ánh, hai địa điểm được mệnh danh là nổi tiếng cho việc diễn ra các vụ tử của Nhật Bản là vách đá Tojinbo và khu rừng Aokigahara. Đây là hai cảnh quan du lịch tuyệt đẹp của xứ sở hoa anh đào.

Vách đá Tojinbo cao 50m, độ sâu dưới nước lên đến 17m nổi tiếng với vẻ đẹp gồ ghề và những cơn sóng dữ dội - là một trong những di tích thiên nhiên quý giá của nước này, ước tính có khoảng 600 người đã quyên sinh ở đây trong 30 năm qua, biến nơi này trở thành nơi tự sát.

Vách đá Tojinbo - niềm tự hào của Nhật Bản cũng là nơi có số người đến tự tử cao
Vách đá Tojinbo - niềm tự hào của Nhật Bản cũng là nơi có số người đến tự tử cao

Bên cạnh đó, khu rừng  Aokigahara nằm ở phía Tây Tokyo, núi Phú Sĩ không chỉ được biết đến với những luồng cây rậm rạp, vẻ âm u, cô tịch mà còn được mệnh danh là khu rừng tự sát tai tiếng bậc nhất đất Nhật Bản thời bấy giờ. Đây là  điểm đến tấp nập cho những người tự tử, được biết mỗi năm khoảng 100 người tự tử thành công ở khu rừng rộng 3.500m2 này. Hiện nay số vụ tự tử đã lên đến con số 500 người, đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Cầu Cổng vàng ở Mỹ. 

Vượt lên quốc nạn

Đứng trước những thách thức của vấn nạn tự tử, các nhà lãnh đạo nước này từ lâu đã phải tích cực chống lại tỷ lệ tự tử ngày càng gia tăng. Mục tiêu của Chính phủ Nhật Bản trong chương trình chống nạn tự tử là giảm tỷ lệ tự tử xuống dưới 20% từ năm 2016. Lần đầu tiên, Nội các Nhật Bản thông qua bản dự thảo những biện pháp ngăn ngừa tự tử, trong đó kêu gọi thực hiện những chính sách riêng biệt dành cho các nhóm tuổi khác nhau, Chính phủ Nhật Bản cũng dự định sẽ lập nhiều website và các đường dây nóng dành cho giới trẻ để họ có thể tâm tình, thổ lộ những bức xúc trong lòng.

Các nhà chức trách Nhật Bản luôn chú trọng xây dựng các tổ chức nhân quyền, tổ chức phi chính phủ nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng bắt nạt học đường, người già cô đơn được chăm sóc tận tình tại các viện dưỡng lão. Bên cạnh các chính sách an ninh xã hội được đẩy mạnh thì chế độ làm việc hợp lý tại các công ty cho người lao động cũng được sát sao quan tâm hơn. 

Rừng Aokigahara còn gọi là “rừng tự tử”, ở đây có đặt nhiều biển báo khuyên bảo người đến đây cân nhắc lại quyết định tự tử
Rừng Aokigahara còn gọi là “rừng tự tử”, ở đây có đặt nhiều biển báo khuyên bảo người đến đây cân nhắc lại quyết định tự tử

Ngoài ra, để đối phó với hiện tượng khu rừng bậc nhất của Nhật Bản đang bị mất danh tiếng nghiêm trọng bởi nạn tự tử, giới chức nước này đã tiến hành treo những tấm biển rất to nhằm khuyên nhủ những con người u uất đến nơi này hãy suy nghĩ lại về quyết định bồng bột của mình: “Thân thể, tóc, da là của mẹ cha. Hãy nghĩ đến bố mẹ, anh chị em và con cái của bạn. Đừng giữ mãi trong lòng, hãy tìm người chia sẻ trước đã”.

Susumu Maejma - Phó phòng Cảnh sát tại Fujiyoshida, bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ những người tự tử có nỗi đau khủng khiếp. Đó là lý do chúng tôi đang thực hiện các nỗ lực để ngăn chặn các vụ tự sát”.  Không chỉ vậy, người dân địa phương thường đi tuần tra trong rừng, nói chuyện với những người đi một mình, có dấu hiệu trầm cảm hoặc có ý định tự tử. 

Những động thái tích cực này của quan chức Nhật Bản cũng như người dân địa phương sẽ phần nào giảm  bớt tỷ lệ tự tử đầy nhức nhối diễn ra tại đất nước này. Và như vậy, hy vọng trong tương lai không xa, vùng đất xứ sở hoa anh đào này sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn khiến du khách nhớ tới thay vì nỗi ám ảnh về một quốc gia với quốc nạn tự tử. 

Đọc thêm