Xuân phương Nam - xưa và nay vẫn tròn thương nhớ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người ta thường nói, Tết miền Nam ít đặt nặng truyền thống, xuề xòa, thoải mái hơn Tết miền Trung, miền Bắc. Nhưng thực ra, Tết phương Nam có những nét rất riêng, không lẫn vào đâu được.
Mâm ngũ quả của người Nam bộ.
Mâm ngũ quả của người Nam bộ.

Tấm lòng thành với người đã khuất

Người miền Nam được coi là vùng đất phóng khoáng, hào sảng, đồng thời tập hợp người dân tứ xứ. Thế nên, Tết phương Nam cũng mang đặc trưng văn hóa - vùng đất - con người phương Nam, ít câu nệ lễ nghĩa như Tết của người dân miền Bắc, miền Trung. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phong tục tập quán của cái Tết cổ truyền được gìn giữ từ trăm năm.

Đó là những tục dọn mả, tục cúng ông Công, ông Táo, dạo chợ hoa Xuân hay lặt lá mai giáp Tết.

Tục dọn mả ông bà tổ tiên trước Tết Nguyên đán phổ biến ở miền Tây và nhiều tỉnh miền Đông Nam bộ. Với người Nam bộ, Tết trước hết là cho tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp con cháu trong gian đình sẽ đi thăm, quét dọn mồ mả ông bà tổ tiên. Họ thường mang theo trái cây, nhang đèn để cúng và mời ông bà về nhà mình ăn tết. Phong tục này thể hiện lòng thành kính, hiếu đạo với ông bà, tổ tiên, những người đã mất.

Từ sáng sớm ngày 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung sắm sửa, chuẩn bị cho ngày Tết. Đàn bà, con gái lo chuẩn bị các món ăn cho mâm cơm ngày Tết. Đàn ông, con trai thì chuẩn bị đồ thờ cúng.

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nam bộ Trương Ngọc Tường cho biết: “Tết ở trong này gọi là ăn Tết, bởi người sống nghỉ Tết, ăn Tết, chơi Tết, chúc Tết, nhưng cúng trong 3 ngày Tết là cúng cho tổ tiên, ông bà. Mình no đủ, vui vẻ trong mấy ngày Tết thì tổ tiên, những người đã khuất cũng phải no đủ trong ngày Tết”.

Người dân cũng coi trọng lễ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp với những nghi lễ không cầu kỳ, chỉ cốt chứng minh lòng thành tiễn ông Táo về trời. Nhà nghiên cứu văn hoá Đoàn Trọng Huy từng viết: “Đối với người phương Nam, ngày đưa ông Táo về trời cũng là ngày cúng các món ăn, trong đó không thể thiếu được món chè đặc trưng nhất là món chè trôi nước. Từ cái tên món chè đã thể hiện mong muốn mọi việc sẽ trôi chảy, thuận lợi. Ông Táo lên trình bày với Ngọc Hoàng phải nói ngon, nói ngọt, thể hiện mong ước của người dân để mọi việc trong năm mới tốt hơn, thuận lợi và suôn sẻ hơn”.

Trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, ngoài cành mai còn có mâm ngũ quả. Thông thường ở phương Nam, người ta bày mâm ngũ quả với những trái cây chính là: Mãng cầu, dưa, đu đủ, xoài, mà theo cách phát âm miền Nam hiểu là “cầu vừa đủ xài” thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. Mâm cơm cúng ngày Tết là tấm lòng tri ân với tổ tiên và thể hiện đầy đủ nét tài khéo của phụ nữ Nam trong chế biến các món: thịt kho, dưa giá, cá chiên, bánh phồng, các món xào, canh khổ qua... theo đúng phong vị truyền thống phương Nam.

Ở miền Bắc, mâm ngũ quả trong ngày tết nhất định phải có nải chuối thật to, đẹp bày xen kẽ lên những loại hoa quả khác. Nải chuối mang ý nghĩa bàn tay đỡ nâng.

Thế nhưng người miền Nam không ưa chuộng việc thắp hương chuối trong ngày đầu năm. Từ chuối họ thường đọc thành “chúi”, hay còn gọi “chúi nhủi”, ý chỉ sự khó khăn, gian khổ. Ngoài ra người miền Nam cũng kiêng việc bày những loại quả như lê, sầu riêng, táo…và những trái cây có vị đắng. Người miền Nam quan niệm rằng, những loại quả ấy nếu bày trên mâm ngũ quả sẽ không may mắn.

Mâm ngũ quả của người miền Nam không nhất thiết phải có 4 loại quả trên. Họ có thể cho thêm nhiều loại quả khác. Ví dụ như trái sung tượng trưng cho “sung sướng, đầy đủ”. Dưa hấu vỏ xanh ruột đỏ tượng trưng cho sự lạc quan, yêu đời, chùm quả mây tượng trưng cho may mắn...

Miền Nam “ăn” Tết, “chơi” Tết

Nếu như miền Bắc, ngày Tết hầu như nhà ai cũng phải có một cây đào, thì Tết phương Nam nhất định không thể thiếu cành mai vàng chưng Tết trong nhà.

Với nhiều người dân miền Đông, miền Tây Nam bộ, ngày trước, các gia đình thường trồng trước nhà một, vài cây mai, chăm bón, ngóng chờ cả năm chỉ để ngày Tết có mai vàng tung cánh trong sân.

Để mai nở rộ đón Tết, từ trước đó ít lâu, người trồng mai đã bắt đầu lặt lá mai. Từ đó, lặt lá mai vào tháng Chạp rở thành một tục lệ phổ biến với người dân nhiều tỉnh thành miền Nam. Kể cả TP HCM, miền đất đô thị phồn hoa đô hội, tục lặt lá mai vẫn diễn ra tại nhiều vùng chuyên trồng mai như Thủ Đức, Bình Chánh...

Người dân sẽ rủ nhau lặt lá mai vào ngày 15,16 tháng 11 âm lịch, lặt lá vào khoảng thời gian này sẽ giúp mai nở bông vào đúng ngày Tết. Còn có quan niệm, mai nhà ai nhiều nụ, nhiều hoa, nở bung, nở rực ngày Tết, thì cả năm sẽ rực rỡ, may mắn.

Ngoài mai vàng, người dân miền Nam còn trồng xung quanh nhà những chậu bông cúc đồng tiền, cúc mâm xôi, hoa mào gà rực rỡ sắc màu, vừa tạo sinh khí vừa làm chỗ cho con cháu chụp hình tết.

Người dân phương Nam chia Tết làm hai yếu tố: “ăn” Tết” và “chơi” Tết.

Đi chợ hoa giáp Tết là một trong những cái thú “chơi” không thể thiếu của người dân miền Nam. Người miền Nam rất yêu hoa. Họ xem hoa là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn và phúc lộc. Tại các tỉnh phía Nam, chợ hoa xuân được tổ chức đông vui, tấp nập. Các tỉnh miền Đông Nam bộ, chợ hoa thường được tổ chức tại các trung tâm, đô thị lớn. Tại các tỉnh miền Tây, chợ hoa thường diễn ra trên sông. Cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập là một trong những nét đẹp xuân miền Tây làm say lòng người. Người dân xúng xính quần áo đẹp, không chỉ đi chợ hoa để mua hoa về trưng mà còn chụp hình, ngắm nghía.

Chợ hoa bến Bình Đông TP Hồ Chí Minh ngày giáp Tết.

Chợ hoa bến Bình Đông TP Hồ Chí Minh ngày giáp Tết.

Ở miền Bắc, miền Trung, việc sửa soạn thức ăn ngày Tết cầu kì và nhiều món. Ở miền Nam, thường chỉ có vài món rất cơ bản. Miền Bắc có bánh chưng, thì miền Nam không thể thiếu bánh tét ngày xuân.

Bên cạnh bánh tét, thịt kho hột vịt cũng là món đặc trưng của ngày tết miền Tây. Vừa để cúng ông bà, vừa để gia đình ăn và vừa để đãi khách. Chọn món thịt kho hột vịt ngoài vì có thể để lâu, không hư hỏng trong những ngày tết, mà đây còn là món ăn với ý nghĩa vuông tròn vẹn toàn, mang lại nhiều may mắn, sung túc cho gia chủ trong năm mới.

Ăn kèm với bánh tét, thịt kho hột vịt còn có nồi canh khổ qua với ý nghĩa mong muốn mọi điều khó khăn trong năm cũ đều qua đi, năm mới sẽ có thêm nhiều điều tốt lành. Củ kiệu tôm khô giúp mâm cơm có thêm nhiều màu sắc và bớt ngán khi có quá nhiều món dầu mỡ.

Những ngày cận Tết, các gia đình miền Nam cũng có thói quen tự tay làm mứt. Các loại mứt dừa, mứt mãng cầu, mứt me, bánh thuẫn... tự làm được bày đầy màu sắc trên bàn tiếp khách. Điều quan trọng không phải là làm ra bánh mứt có ngon hay không, mà là không gian vui vẻ, đấm ấm lúc cả nhà hay nhiều gia đình xúm vào làm bánh mứt.

Ngoài “ăn” Tết tại gia, người miền Nam không quá chú trọng việc cả nhà phải luôn quây quần cùng nhau ba ngày Tết. Cạnh những món ăn cơ bản cho ngày Tết, người miền Nam thích dạo phố, ăn ngoài để hòa cùng niềm vui phố phường ngày Tết.

Ngày nay, nhiều người dân phương Nam còn “thoáng” hơn khi hầu như không sắm sanh, chuẩn bị nhiều cho Tết. Tết, với họ đơn giản là thời nghỉ ngơi sau một năm vất vả, là nuông chiều bản thân, vui vẻ ấm áp. Nhiều gia đình không chọn ăn Tết tại nhà, mà cùng nhau đến những vùng đất khác để chơi Tết cùng nhau.

Xuân phương Nam, dẫu xưa hay nay, cũng mang phong vị rất riêng, cùng đầy thương nhớ. Dẫu cho là giản lược, phóng khoáng đến thế nào, thì vẫn nguyên vẹn tập tục cúng tế ông bà tổ tiên, vẫn là những ngày mà các gia đình lớn - nhỏ sum vầy.

Đọc thêm