Xuất khẩu lao động… “chui”, từ mất tiền tới...mất mạng!

Trong nhiều hình thức lừa đảo, nổi lên là tình trạng đưa người đi XKLĐ ở nước ngoài, các chủ lao động thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục về cư trú, họ làm việc khổ sai và trả lương thấp thậm chí có người còn không được trả lương, bị ép buộc làm việc, bị đánh đập và lạm dụng tình dục...

Phía sau giấc mộng đổi đời, phía sau ánh hào quang xuất cảnh với chi phí rẻ bằng nhiều con đường như du lịch, thăm thân, kết hôn… với những cam kết… bằng miệng “có cánh” công việc nhẹ nhàng, lương cao- là hàng ngàn lao động với những giọt nước mắt cay đắng, cơ cực nơi xứ người…

Anh Nguyễn Văn Thi (Kim Bảng, Hà Nam)
Ký ức kinh hoàng
Chị Nguyễn Thị L được đưa đi làm giúp việc tại Ả Rập Xêút. Tuy nhiên, khi sang tới nơi chị bị bán vào một nhà chứa. Do đã già và không biết “chiều” khách nên chị thường xuyên bị đánh đập dã man. Rất may, chị tình cờ gặp một cán bộ ngoại giao và được vị này cứu khỏi nơi giam cầm.
Anh Hoàng Văn Kỳ (Phù Cừ, Hưng Yên) cho biết, năm 2009, Cty CP Quan hệ hợp tác quốc tế Từ Liêm Hà Nội về địa phương tuyển dụng lao động đi Hàn Quốc. Anh đã vay mượn, đặt cọc 30 triệu cho Cty này mong sớm có cơ hội đổi đời.
Tuy nhiên, chờ đợi mòn mỏi suốt 2 năm mà không thấy. Địa phương lại có đơn vị tuyển dụng đi Li- bi. Nợ cũ để đó, anh và gia đình tiếp tục giật gấu vá vai may mượn tiếp để đi. Tưởng phen này có thể ung dung xuất khẩu lo cho gia đình con cái có chút của ăn của để. Nào ngờ, sang Li- bi chưa được ba ngày thì chiến sự xảy ra, anh theo đoàn tị nạn chạy sang Ả rập  Xê  út chịu cảnh loạn lạc, đói khổ và may mắn được giải cứu trở về. Tuy nhiên, tới nay món nợ 120 triệu lại chồng chất lên gia đình thuần nông bữa nay lo bữa mai. Và số tiền đặt cọc 30 triệu đi Hàn Quốc cũng theo tên giám đốc vỗ cánh vào… tù.
Sau hơn 4 tháng sống khổ cực nơi xứ người và gần 1 tháng chờ đợi giải cứu, nhờ sự can thiệp kịp thời và tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, 31 lao động ở các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang bị mắc kẹt tại một xưởng giày da- may mặc ở thành phố Ekaterinburg (thủ phủ tỉnh Sverlov, Liên bang Nga) đã trở về với ký ức kinh hoàng và nợ nần chồng chất.
Anh Nguyễn Văn Thi (Kim Bảng, Hà Nam) rùng mình nhắc lại chuỗi ngày cơ cực trên đất Nga, nơi mà trước khi xuất cảnh anh được hứa hẹn có việc làm tốt, có tiền gửi về trả nợ, nuôi bố mẹ già và có đồng vốn lập gia đình với cô người yêu mà nếu không đi anh đã định ngày cưới… 
Vào tháng 7/2011, anh Nguyễn Văn Nam là người cùng xã thông tin có người nhà bên Nga đang cần tuyển lao động, 3 tháng đầu thử việc lương trả 250-300 USD/ tháng; từ tháng thứ tư trở đi, 500USD/tháng trở lên. Nhẩm tính chẳng mấy mà trả được nợ, gia đình anh Thi chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay đủ 20 triệu đồng đặt cọc cho anh Nam.
Đầu tháng 1/2012, anh Thi cùng 31 người được đưa sang Nga theo đường dây lao động bất hợp pháp. Nhưng niềm vui trước lúc ra đi khi chia tay người thân “ không có 5 tỷ không về” ngắn chẳng tày gang. “ Sang đến nơi, em vào làm bốc vác. Cuộc sống cơ cực. Ngày làm 13-15 tiếng không có ngày nghỉ, làm việc như khổ sai. Chưa hôm nào được ăn trọn vẹn một bữa cơm ngon, hầu hết đang ăn dở mà có hàng về thì cũng phải bỏ đĩa cơm đó xuống, bốc hàng xong về mới được ăn tiếp. Mà bốc hết một xe container hàng (mũ, giày, đế giày) nhanh nhất cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ. Bữa sáng ăn cháo loãng, còn 2 bữa chính thì triền miên khoai tây nấu thành canh, họa hoằn lắm mới có một quả trứng nấu cà chua.
Để khỏi bị đói, em nghĩ cách lúc nào cũng mang trong người một cái thìa để bốc hết xe hàng là vào ăn ngay không xe khác đến là không được ăn nữa. Thế mà có khi một đĩa cơm ăn làm mấy lần mới xong”- Thi chua xót. Hơn nữa, thời tiết có khi âm 14°C nhưng không có hệ thống nước nóng và nguồn nước trong ống rất lạnh do vậy không thể tắm rửa được. Ốm không được nghỉ, không được khám chữa bệnh. Ai tự ý nghỉ bị phạt 800 rúp. Thậm chí đi vệ sinh cũng bị phạt tiền.
Nhờ người thân ở Việt Nam cầu cứu Bộ Ngoại giao, các lao động mới có ngày đoàn tụ với gia đình. Những người này trở về đều tay trắng 4 tháng làm việc cực nhọc không được trả một đồng tiền lương. Mỗi tháng chỉ được tạm ứng 1.000 rúp (tương đương 630.000 đồng). 
Và mất mạng
Chiều 30 Tết Nhâm Thìn, những cuộc điện thoại từ Nga gọi về cho gia đình báo về cái chết của 3 thanh niên trong đoàn vì tai nạn lao động ngạt khí gas. Đó là các nạn nhân Lê Công Khoa (SN 1992, Quỳnh Lưu), Nguyễn Văn Tuấn ( Diễn Châu), Nguyễn Văn Dũng (Diễn Châu). Xót lòng hơn khi trong số 3 người chết ấy, không ai được chôn cất đàng hoàng. Gia đình nạn nhân không biết kêu ai, vì kẻ đưa lao động đi chỉ có trách nhiệm cho đến khi họ sang được xứ người và tìm được việc. Ngay cả cái tâm nguyện cuối cùng là được đưa xác người thân về cũng không thể vì nó cần một chi phí quá lớn, ngoài khả năng chi trả của họ.
Năm ngoái, vụ cháy xưởng may “đen” tại Nga cũng làm chết 5 người, trong đó có 4 người Việt Nam. Chủ xưởng may ngay sau đó đã bỏ trốn và thiệt hại lớn nhất cuối cùng vẫn thuộc về những người lao động. Và mới đây nhất, chiều ngày 11/9, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại xưởng may ở một thị trấn nằm cách thủ đô Matxcova của Nga khoảng 100km về phía đông nam làm 14 người Việt thiệt mạng và làm 4 người khác bị thương nặng...
Ông Nguyễn Danh Tuệ, Chủ tịch UBND xã Bảo Thành (Yên Thành, tỉnh Nghệ An) - nơi có 3 lao động vừa bỏ mạng ở Nga: 
Họ tuyển lao động không qua xã
- Xã Bảo Thanh có người đi làm ở Nga từ đầu năm 1990 nhưng nhiều nhất là từ năm 2004. Thực tế, xã có 600 lao động ở nước ngoài thì ở Nga có đến gần 400 người, phần lớn những lao động sang Nga lao động trong tình trạng hoạt động chui. Họ tuyển lao động không qua xã. Người lao động chỉ cần gửi hộ chiếu qua xe ô tô ra Hà Nội theo số điện thoại người ngoài đó. Ngoài Hà Nội mua vé máy bay điện về thông báo là lao động đi thôi. Tiền khi đưa trước, có lúc sang đến nơi mới đưa. Nói chung là tuyển dụng không ký hợp đồng gì cả, thậm chí cũng không cho biết mặt người đưa mình đi.

Hiện tại có hàng trăm đường dây XKLĐ  lừa đảo như trên với chi phí thấp, đi nhanh và chiếc bánh vẽ được trả lương cao đã khiến giấc mơ đổi đời của bao người nông dân tưởng như có thể chạm tới được. Cũng theo một số đơn tố cáo về các đường dây XKLĐ chui cho biết: Do không có giấy tờ hợp pháp nên những người lao động thường bị cảnh sát bắt giữ, phạt tiền. Cứ ra đường lớn là họ phải chạy để khỏi bị bắt, có khi phải chạy trốn suốt đêm.

Hàng tháng, chủ viện ra nhiều loại tiền như tiền môi giới, lo lót cảnh sát, tiền nộp phạt cảnh sát… để trừ vào tiền công của họ khiến nhiều người phải làm việc không công để trừ nợ. Nắm được điểm yếu của các lao động chui, ông chủ dùng chiêu bài sau 4-5 tháng mới trả lương một lần, và gần đến ngày trả lương thì gọi điện trình báo cảnh sát sở tại là có lao động nước ngoài làm chui, thế là lao động bị bắt. 

Theo thông báo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an, 9 tháng đầu năm 2012 cả nước phát hiện 309 vụ mua bán người, 378 đối tượng, 490 nạn nhân, tăng 30 vụ bằng 20% so với cùng kỳ (năm 2011). 
Trong nhiều hình thức lừa đảo, nổi lên là tình trạng đưa người đi XKLĐ ở nước ngoài, các chủ lao động thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục về cư trú, họ làm việc khổ sai và trả lương thấp thậm chí có người còn không được trả lương, bị ép buộc làm việc, bị đánh đập và lạm dụng tình dục.
Điển hình là trường hợp hơn 100 người lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài qua các tổ chức, cá nhân môi giới đưa sang lao động ở các Cty Vinatas và Garizon Open tại Matxcơva- LB Nga bị cưỡng bức lao động, bị chủ sử dụng lao động thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm thủ tục cho cư trú, một số người bị cơ quan di trú LB Nga bắt giữ và trục xuất về nước. Hiện Cơ quan Công an  đang khởi tố tội mua bán người đối với các đối tượng môi giới, điều tra làm rõ toàn bộ đường dây đưa người Việt Nam sang LB Nga lao động.
Và với nhiều lao động đi theo con đường du lịch, thăm thân… họ đã không có lối trở về khi mà biết bao vất vả, cực nhọc ở xứ người với giấc mộng đổi đời nhưng tất cả đã hoàn toàn mịt mù khi họ không còn chút giấy tờ tùy thân… 
Uyên Na

Đọc thêm