Y học thảm họa và sự đương đầu với chiến tranh sinh học

(PLVN) - Ngày nay, các thảm họa tự nhiên, chiến tranh, khủng bố trên toàn cầu đến với cường độ ngày càng nhiều, sức tàn phá, gây thiệt hại ngày càng lớn, dấy lên vấn đề y tế trong thảm họa. Không những thế, vấn đề đương đầu với những cuộc chiến tranh sinh học cũng được nhiều nước quan tâm.
Diễn tập ứng phó với y tế thảm họa tại Đà Nẵng. Nguồn Internet
Diễn tập ứng phó với y tế thảm họa tại Đà Nẵng. Nguồn Internet

Nhìn y học thảm họa để thấy tầm quan trọng của “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Năm 2019, chúng ta đã phải đương đầu với hàng loạt thảm họa thiên nhiên tồi tệ trên khắp thế giới, như cháy rừng ở Australia, hạn hán ở châu Phi, các siêu bão càn quét Châu Mỹ, ... chúng gây thiệt hại đến hàng tỷ đô. Nhìn lại các thảm họa môi trường này, vấn đề y học thảm học cần được quan tâm hơn bao giờ hết ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Có lẽ chưa lúc nào ngành y học thảm họa (Catastrophe Medicine) ở mọi quốc gia lại được chú ý và quan tâm đầu tư cấp thiết như bây giờ để kịp thời đối phó với thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Ra đời năm 1970 tại Trường Đại học Basel (Thụy Sỹ), ngành y học thảm họa đã phát triển không ngừng và mở rộng mạng lưới ở khắp nơi trên thế giới. Đối với các nước phát triển đây là một ngành quan trọng mà sự tiến bộ của nó phản ánh trình độ y học và khả năng nhạy bén sẵn sàng đối phó với thảm họa.

Theo chia sẻ của Thiếu tướng, GS.TSKH Lê Thế Trung - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Y học thảm hoạ: Y học thảm học là một ngành học mới của y học hiện nay. Nghiên cứu các yếu tố thiên nhiên và yếu tố do con người gây ra gây thiệt hại lớn về người, về của và hủy hoại môi trường. 

Qua đó chúng ta tìm ra các biện pháp đáp ứng y tế khẩn cấp, nhằm cứu sống được nhiều sinh mạng con người nhất và giảm bớt ảnh hưởng của thảm họa đối với sức khỏe con người trong những điều kiện cụ thể và số lượng nạn nhân lớn. Đặc thù của y học thảm họa là không báo trước. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế giảm thiểu rủi ro do những thảm họa gây ra.

Thật khó để quên đi ký ức kinh hoàng về những vụ thảm họa như: Vụ khủng bố tự sát ngày 11/9/2011 ở Mỹ, khiến hàng nghìn người thiệt mạng kèm theo đó là các chất độc tàn dư trong hàng ngàn tấn vật liệu đổ nát, ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe của người dân; Hay trong năm 2019, có hơn 74.000 đám cháy đã khiến rừng Amazon bị tàn phá nặng nề. Mới nhất là hỏa hoạn diễn ra trên sáu bang của Australia, ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng nghìn chú gấu túi koala, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy,...

Khi những thảm họa xảy ra, ngoài những thống kê về thiệt hại, ảnh hưởng của nó thì vấn đề y tế cứu người, khắc phục hậu quả được quan tâm nhiều nhất. Nhiều nước trên thế giới đã thành lập những cơ quan, bộ phận phụ trách về y tế thảm họa nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại cho thảm họa gây ra. 

Tại Nga, Bộ Tình trạng khẩn cấp có nhiệm vụ giải quyết tất cả những vấn đề cứu nạn khẩn cấp do thiên tai gây ra (động đất, lũ lụt, sóng thần,...), do con người gây ra (hỏa hoạn, tai nạn) hoặc do các yếu tố kỹ thuật: Cháy nổ, nhà sập, đặt bom... 

Hay như trong Tuyên bố chung tại Hội nghị Cấp cao Nhật Bản – ASEAN, Dự án “Tăng cường năng lực các quốc gia ASEAN trong quản lý y học thảm hoạ” (Dự án ARCH) được ra đời trên cơ sở cam kết hợp tác quản lý thảm hoạ, với mục tiêu nâng cao năng lực điều phối, huy động nguồn lực trong khu vực và từng quốc gia ASEAN, đáp ứng nhanh và hiệu quả về y tế khi xảy ra các thảm hoạ tự nhiên. Hiện Việt Nam cùng các nước thành viên của ASEAN đã và đang tích cực đóng góp cho hoạt động của Dự án.

Riêng ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ có Hội đồng Tư vấn Y học thảm họa. Hội đồng này gồm Thứ trưởng Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quân y Bộ Quốc phòng, giám đốc một số bệnh viện và sở y tế lớn.

Điều đáng nói là, hiện nay càng ngày càng có nhiều thảm họa thiên nhiên do trực tiếp hoặc gián tiếp của sự can thiệp của bàn tay con người. Và chính con người lại phải đi “dọn” những hậu quả do chính mình gián tiếp tác động. 

Chính vì vậy, như lời các cụ dạy: “Đừng đợi hạn hán mới đi đào giếng”, phòng bệnh hơn chữa bệnh, chú trọng công tác dự phòng, chuẩn bị kỹ lưỡng những phương án, sẵn sàng ứng phó hoàn toàn có thể giảm thiểu được những hậu quả do thảm họa gây nên. 

Chiến tranh sinh học

Theo Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thì: “Vũ khí sinh học là vũ khí dựa trên đặc tính gây bệnh hoặc truyền bệnh của các tác nhân sinh học gây dịch giết hại hàng loạt cho người, động vật, thực vật. Thành phần của vũ khí sinh học là tác nhân sinh học như vi khuẩn, virus, nấm, độc to và các phương tiện sử dụng như đạn dược, phương tiện đưa tác nhân sinh học đến mục tiêu”. Những mầm bệnh này có thể biến mất trong thời gian ngắn hoặc ngược lại, gây nên một đại dịch mà con người khó có thể kiểm soát vì chưa tìm được thuốc đặc trị.

Như vậy, nếu kết hợp vũ khí sinh học cùng với những vũ khí khác thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao. Bởi lẽ chúng có khả năng gây ra sự hủy diệt hàng loạt ngay cả trước khi con người biết về sự hiện diện của chúng. Các giai đoạn ủ bệnh liên quan đến các tác nhân này cũng là một mối đe dọa lớn, vì chỉ cần một người nhiễm bệnh, những người khác tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoàn toàn có thể ủ bệnh.

Chẳng hạn, không may bạn từng tiếp xúc và có chạm vào nốt mẩn đỏ của người bị thủy đậu, điều đó đủ khiến bạn bị nhiễm bệnh thủy đậu. Và sẽ tốn thời gian, tiền bạc để có thể tránh lây nhiễm những người xung quanh và chữa khỏi bệnh mà không để lại hệ quả sau này.

Chiến tranh sinh học là việc sử dụng có chủ ý các mầm bệnh hoặc độc tố từ sinh vật sống, gây bệnh cho người, động vật hoặc thực vật, tại một địa điểm nhằm mục đích quân sự.

Chiến tranh sinh học được coi là lâu đời nhất trong bộ ba vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học của vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Theo các nhà sử học, vũ khí và kĩ thuật chiến tranh sinh học không phải mới được áp dụng ở thời hiện đại, mà vốn thực chất đã được lần đầu sử dụng bởi người Hittite từ vài ngàn năm trước.

Với tham vọng mở rộng vương quốc của mình, đế chế Hittite đã từng chiếm lĩnh được phần lãnh thổ trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ cho tới tận Syria ngày nay.

Mỗi khi muốn đánh chiếm một thành phố nào đó, họ sẽ gửi tới nơi đó những con cừu và lừa bị bệnh để lan truyền loại bệnh gọi là "bệnh dịch Hittite". Sau đó, họ sẽ kiên nhẫn chờ khoảng vài năm để lực lượng của quân địch suy giảm rồi mới tấn công và chiếm đóng.

Trên thực tế thì kế hoạch này sẽ rất là sáng suốt nếu chính quân đội Hittite không bị nhiễm chính bệnh dịch này. Đó chính là bệnh dịch hạch - một trong những mầm bệnh đáng sợ nhất thế giới cổ đại và đó cũng là sự khởi đầu cho phong trào áp dụng những dạng chiến tranh hóa học bẩn thỉu khác, khi chúng lập tức được dùng phổ biến hơn trong vài thế kỷ sau đó.

Vào khoảng thế kỷ thứ 2, cư dân thành Hatra đã cố thủ trước quân xâm lược La Mã bằng cách sử dụng vũ khí sinh học: Ném ra những bình đất nung chứa đầy bọ cạp. Ngoài ra, người trung cổ cũng biết sử dụng các loại nấm gây ảo giác hay thậm chí là xác đang bị phân hủy để lây nhiễm vi trùng.

Trong lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Anh đã tiến hành thử nghiệm vũ khí sinh học (với mật danh là N-Bomb - chứa nội bào tử vi khuẩn than (Bacillus anthracis) mang mầm bệnh than trên 89 con cừu tại đảo nhỏ Gruinard do các nhà khoa học quân sự hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu vũ khí sinh-hóa tuyệt mật của Anh- Porton Down nghiên cứu. Sau khi bom được kích nổ, chỉ vài ngày bị nhiễm vi khuẩn than, đàn cừu đã chết. Không những thế, môi trường trên đảo Gruinard cũng bị ô nhiễm trầm trọng trong thời gian dài.

Sau vài thập kỷ, mức độ ô nhiễm vi khuẩn than vẫn không có dấu hiệu giảm đi. Năm 1981, công chúng biết sự thật kinh hoàng về vũ khí vi khuẩn than trên đảo Gruinard. Trước sức ép của dư luận, năm 1986, Chính phủ Anh đã phải tiến hành các biện pháp xử lý hậu quả của những vụ thử vũ khí sinh học mang mầm bệnh than. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm vi khuẩn than trên hòn đảo này chỉ giảm xuống, chứ không hề trở lại trong sạch như hòn đảo vốn có.

Có thể nói, hiện nay, vũ khí sinh học được cho là một trong những loại vũ khí nguy hiểm và khó chống đỡ hàng đầu thế giới với sức lây nhiễm và diễn biến phức tạp của nó. Loại vũ khí này bị cấm sử dụng trong chiến tranh do mức độ sát thương lớn và ảnh hưởng lâu dài với nhân loại.

Đọc thêm