Như vậy, sự bức xúc từ dư luận đã được giải tỏa một phần cho dù phải chờ đợi khoảng nửa tháng nữa mới biết kết quả nhưng sự trấn an dư luận kịp thời từ cả chính quyền địa phương đến cơ quan chức năng Trung ương là một động thái rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, bởi tại Yên Bái, còn những sự cố liên quan khác, vụ việc nếu chỉ dừng ở đây thì chỉ là chuyện “đánh rắn giữa khúc” mà thôi!
Nhân một vụ việc được thanh tra, làm rõ kịp thời thì vẫn còn nhiều việc tương tự từng phản ảnh trên các phương tiện truyền thông, gây bức xúc dư luận nhưng hiện tại vẫn thấy im ắng khác thường. Đó là các biệt phủ, dinh thự hoành tráng hoặc “nhà nghỉ cuối tuần” xây không phép, trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi của của các cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), Biên Hòa (Đồng Nai) hay ở Kon Tum và một số địa phương khác.
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Trưởng đoàn thanh tra tại Yên Bái, trong dịp này, phát biểu trước báo giới: “Tới đây, khi sửa luật cần đề nghị phải hình sự hóa các tài sản bất hợp pháp, không giải trình rõ nguồn gốc. Chưa làm được cái đó thì chưa thể kê khai chính xác được. Tuy nhiên, đây là cái khó, cần phải nghiên cứu kỹ để chỉnh sửa”. Tất nhiên là khó, bởi trước hết “hình sự hóa” điều này đụng chạm trực tiếp đến nhiều cán bộ hiện tại đang sở hữu những khối tài sản lớn. Đây là lực cản đáng kể, sau đó cần đến sự đồng bộ hóa ở các văn bản pháp luật rồi mới tính đến các biện pháp khả thi,...
Song, nếu như không “hình sự hóa” tài sản bất hợp pháp thì việc kê khai tài sản sẽ không còn ý nghĩa gì vì từ trước đến nay thì vẫn kê khai nhưng chưa giải quyết, xử lý được một trường hợp tài sản bất minh mà sung công quỹ cả. Ý kiến của ông Cục trưởng phải được coi là một “sáng kiến lập pháp” và nên áp dụng, thực hiện, bởi đó là một điều luật hữu hiệu, vừa mang tính cảnh báo, phòng ngừa, vừa góp phần đắc dụng vào việc chống tham nhũng hiện nay.