Nếu như trước đây, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bị áp dụng mức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng (theo Khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế), thì từ ngày 15/11/2020, hành vi trên sẽ bị phạt tiền với mức phạt tăng gấp 10 lần. Việc xử phạt này được đánh giá có tính chất răn đe hơn và giúp người dân ý thức hơn về việc đeo khẩu trang.
Được biết, tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, Công an quận Hoàn Kiếm tham gia cùng các tổ công tác sẵn sàng phối hợp cùng cán bộ y tế, cương quyết mời những người không đeo khẩu trang không được vào khu vực phố đi bộ. Tại những điểm chốt đều bố trí xe chuyên dụng và hệ thống loa tuyên truyền ở vị trí thuận tiện để thông tin tới người dân. Một số trường hợp không hợp tác đã bị xử phạt.
Tuy vậy, theo quan sát của phóng viên thì người dân dường như khá chủ quan. Những ngày cuối tuần ngày 14, 15/11/2020, số lượng người đến tham quan và vui chơi rất đông, nhiều người không đeo khẩu trang.
Và khi đến các điểm tất cả các chốt chặn trước khu vực phố đi bộ gặp lực lượng chức năng kiểm soát, đồng thời yêu cầu mọi người dân phải thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid - 19 như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thì lúc này những người không mang chấp nhận mua lại khẩu trang giá rất cao từ những người bán dạo khẩu trang ở gần đó.
Hình ảnh này khiến nhiều người buồn lòng bởi dường như trách nhiệm và ý thức với một số người phải bị áp đặt vào cơ quan chức năng hay việc xử phạt thì mới làm theo.
Theo chia sẻ của người bán khẩu trang, từ khi TP. Hà Nội yêu cầu người dân phải thực hiện việc đeo khẩu trang nơi công cộng, đặc biệt là phố đi bộ Hồ Gươm, nếu không sẽ bị xử phạt 3 triệu đồng thì những người bán rong khẩu trang quanh khu vực phố cổ rất đắt khách. Với mức giá từ 3000 - 5.000 đồng/chiếc, việc buôn bán khẩu trang di động này đã giúp nhiều người quên không đeo khẩu trang giải quyết được việc đối phó với cơ quan chức năng, không bị xử phạt.
Thậm chí, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều tài xế xe công nghệ nhận thấy nhu cầu khẩu trang của người dân tăng cao đã kết hợp vừa chạy xe vừa bán khẩu trang dạo kiếm thêm thu nhập. “Bán khẩu trang mùa này cũng rất đắt hàng. người ta có nhu cầu thì mình bán, bán giá hợp lý thì nhiều người mua. Có ngày đỉnh điểm, tôi bán được hơn 100 chiếc khẩu trang, thu nhập có khi ngang ngửa chạy xe chở khách” - một tài xế chia sẻ.
Thiết nghĩ việc tăng mức xử phạt có nặng đến đâu, Nhà nước, lực lượng chức năng có sát sao đến đâu mà ý thức người dân vẫn kém, dùng mọi biện pháp để đối phó thì nguy cơ bùng dịch trở lại vẫn rất lớn. Việc phòng, chống dịch không chỉ từ cơ quan chức năng mà phải là của cả cộng đồng, cả đất nước.