Ý thức còn kém, còn nhiều tai nạn

Tổng kết 8 năm thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ), Bộ GTVT cho biết, từ năm 2005 đến năm 2012 cả nước đã xảy ra 1.611 vụ tai nạn GTĐTNĐ, làm chết 1.263 người, làm bị thương 187 người, chìm đắm 1.459 phương tiện; ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 162 tỷ đồng.

Tổng kết 8 năm thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ), Bộ GTVT cho biết, từ năm 2005 đến năm 2012 cả nước đã xảy ra 1.611 vụ tai nạn GTĐTNĐ, làm chết 1.263 người, làm bị thương 187 người, chìm đắm 1.459 phương tiện; ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 162 tỷ đồng.

c
Biết là thiếu an toàn nhưng cả chủ và khách vẫn cố tình đi, đến khi hậu quả xảy ra thì tất cả đã quá muộn.

So với những năm trước khi Luật GTĐTNĐ năm 2004 có hiệu lực thi hành, số vụ tai nạn và thiệt hại do tai nạn gây ra giảm đáng kể. Thống kê số liệu tai nạn trong 4 năm khi chưa có Luật, từ năm 2001 đến năm 2004, tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa đã xảy ra 1.418 vụ, làm chết 1.006 người.

Qua tổng hợp, phân tích tai nạn giao thông đường thủy nội địa, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu là do yếu tố chủ quan, chiếm tỷ lệ 76%, đó là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã nhiều lần nói rằng, dù phương tiện có hiện đại đến mấy, hạ tầng có tốt đến mấy mà ý thức của người tham gia giao thông kém thì tai nạn cũng vẫn xảy ra. Nói như vậy để thấy rằng, hạn chế tai nạn giao thông, trong đó có cả GTĐT thì khâu “đột phá” vẫn phải là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về GTĐT.

Còn nhớ, trong vụ chìm đò ở Quảng Bình làm 42 người chết, các bị cáo khi đứng trước vành móng ngựa đã “thật thà” nhận tội, rằng lẽ ra đò chỉ có “sức chứa” 12 người, nhưng lái đò đã cho đến 100 người sang sông.

Vấn đề không phải là tiền công chở đò, mà đơn giản chỉ vì hôm đó cận Tết, người dân hai bên sông ai cũng muốn trở về nhà sớm để đón cái Tết cổ truyền, vậy là lái đò “tặc lưỡi”… nào ngờ xảy ra họa lớn.

Một vụ tai nạn chìm đò khác ở tỉnh H xảy ra cách đây đã cả chục năm, người phải ra trước vành móng ngựa cũng là một ông già đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Ông bị xử tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ vì đã chở quá số người quy định, trên đò lại không có các thiết bị đảm bảo an toàn nên khi sự cố xảy ra đành bất lực.

Tại phiên tòa này, bị cáo cũng thành khẩn, chỉ vì người làng với nhau, nể nang nên cho họ đi nhờ sang sông mà không tính đến chuyện con đò bị quá tải…Tựu chung lại của rất nhiều vụ tai nạn thương tâm nằm ở ý thức người dân.

Không những ý thức của chủ phương tiện thủy mà của cả hành khách. Biết là thiếu an toàn nhưng vẫn cố tình đi, đến khi hậu quả xảy ra thì tất cả đã quá muộn. Án tù dù có bao nhiêu năm đi chăng nữa thì cũng không thể xoa dịu những mất mát quá lớn.

Con số hàng triệu, hàng vạn lượt người được tập huấn, được phổ biến Luật GTĐTNĐ sau 8 năm thi hành có lẽ vẫn chưa thấm vào đâu so với tình trạng vi phạm Luật này vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ trên sông nước. Đó là tình trạng điều khiểu phương tiện nhưng thiếu điều kiện bảo đảm an toàn, tình trạng nhà cửa san sát nhau trên kênh rạch, tình trạng không đăng ký đăng kiểm vẫn diễn ra phổ biến…

Những vi phạm này là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, còn nguyên nhân gián tiếp, có thể kể đến là sự buông lỏng quản lý, thiếu sự thanh kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về GTĐT cho người tham gia giao thông được xem là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc hạn chế tai nạn GTĐT. Tuy nhiên, muốn làm được điều này không phải ngày một ngày hai, mà là cả quá trình lâu dài như người ta vẫn nói “mưa dầm thấm lâu”.

 Và quan trọng hơn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về GTĐT cho người dân cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là những nơi gần dân nhất như chính quyền cơ sở. Một mặt cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức một mặt cũng cần những chế tài xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm để góp phần giáo dục, răn đe, phòng ngừa./

P.V

Đọc thêm