Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe, giáo dục chung là việc làm cần thiết, đúng đắn, nhưng điều lớn hơn, quan trọng hơn, cần thiết nhất mà chúng ta cần hướng đến chính là ý thức của mỗi người dân. Để mỗi người dân tự xây dựng được ý thức cho mình thì sự tham gia của pháp luật là không thể thiếu.
F0 trèo tường trốn viện, F1 cố thủ trong nhà
Đó là những ví dụ khiến cộng đồng xã hội phẫn nộ xảy ra trong thời gian gần đây. Ngày 3/6 nam thanh niên dương tính nCoV trốn khỏi Bệnh viện dã chiến huyện Hiệp Hòa để mua đồ ăn. Anh này vượt qua hai vòng giám sát, trèo tường trốn ra ngoài mua bánh, sữa, nước ngọt tại cửa hàng tạp hòa ở thị trấn Thắng. Anh ta mua đồ trong 5 phút, có đeo khẩu trang, đứng cách người bán hàng 1m, thanh toán bằng chuyển khoản xong rồi trèo tường quay lại trung tâm.
Ngày 5/6, ông Hoàng Công Bộ - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, xác nhận sự việc tại Bệnh viện dã chiến đặt trong Trung tâm Y tế huyện. “Chính quyền cung cấp nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho bệnh nhân, người đang cách ly không thiếu thứ gì. Hàng nghìn người đang quay cuồng chống dịch đêm ngày, nhưng chỉ một vài cá nhân vô ý thức có thể làm dịch bệnh thêm phức tạp, khiến công sức của hàng nghìn người có thể đổ sông, đổ bể” - người đứng đầu chính quyền Hiệp Hòa bức xúc.
Bệnh viện dã chiến Hiệp Hòa đang điều trị cho 247 bệnh nhân Covid-19. Hơn 30 y, bác sĩ vừa làm công tác chữa trị, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin. Bệnh viện thiết lập hai vòng kiểm soát, tổ bảo vệ phía trong và công an phía ngoài. Điều này đồng nghĩa với rất nhiều người phải tiếp tục xa gia đình, người thân thêm nhiều ngày nữa vì những hành vi vô ý thức kiểu này.
Trước đó, ở thành phố Bắc Giang, người phụ nữ 44 tuổi cố thủ trên tầng 3 ngôi nhà ở phường Trần Nguyên Hãn vài tiếng đồng hồ kiên quyết không đi cách ly. Đến mức cơ quan chức năng phải dùng đến xe cẩu và phá cửa mới đưa được người phụ nữ này đi.
Khi dịch bùng phát lại ở Đà Nẵng đầu tháng 5/2021, một chủ thẩm mỹ viện có lịch trình đi lại nhiều nơi dày đặc, khi đã có lệnh tạm dừng việc tập trung đông người nhưng vẫn tổ chức họp hành hội nghị với hàng chục người. Kết quả hàng chục nhân viên và khách hàng nhiễm bệnh. Một công nhân đã có triệu chứng ho, sốt cả tuần liền vẫn tự đến nhà thuốc mua thuốc uống, vẫn đến nơi làm việc, phòng máy lạnh, có nhiều người. Kết quả, 35 ca nhiễm Covid-19 có liên quan đến ổ dịch này…
|
Nhắc nhở người dân đeo khẩu trang. |
Luật nghiêm thôi chưa đủ
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, đã có rất nhiều hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành. Trong số các hành vi vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính thì phổ biến nhất là hành vi vi phạm nội dung các quy định theo thông điệp 5K mà trước hết đó là hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng – 3.000.000 đồng.
Thông tin trên truyền thông ngày 6/5 cho thấy chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối tháng 4/2021 là khi bắt đầu siết chặt phòng dịch, các lực lượng chức năng Hà Nội đã phạt tới 2,5 tỉ đồng đối với hành vi không đeo khẩu trang. Con số này nói lên điều gì? Thực tế có quá nhiều người không đeo khẩu trang, có nghĩa là, rất nhiều người chủ quan, lơ là, không chấp hành quy định phòng dịch của ngành Y tế và chính quyền địa phương.
Được biết, trên thế giới nhiều quốc gia tăng nặng chế tài đối với các hành vi vi phạm quy định phòng dịch. Điển hình như tại Anh, đầu năm 2021, Anh đã nâng mức phạt và bổ sung đối tượng bị phạt do vi phạm lệnh phong tỏa được áp dụng để ngăn chặn dịch Covid-19. Theo đó, những người bị bắt gặp tham gia tiệc có hơn 15 người tham dự sẽ bị phạt lần đầu ở mức 800 bảng (khoảng 1.110 USD) và phạt tối đa 6.400 bảng (khoảng 8.890 USD) nếu tái phạm.
Tại Đức, chính quyền một số bang nước này đã đưa ra mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm những quy định chính phủ liên bang. Theo đó, việc tụ tập tại nơi công cộng từ hai người trở lên sẽ chịu mức phạt 200 euro và 250 euro đối với trường hợp cố tình tổ chức các buổi dã ngoại và tiệc nướng ngoài trời. Bất cứ người nào tiếp tục mở cửa các quán rượu, câu lạc bộ hay phòng tập thể thao mà trước đó đã được yêu cầu dừng hoạt động sẽ bị phạt 5.000 euro, trong khi mức phạt đối với các nhà hàng là 4.000 euro.
Còn tại Hàn Quốc, từ cuối tháng 3 năm 2020, Hàn Quốc đã thông qua đạo luật nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có điều khoản phạt tối đa 1 năm tù hoặc 10 triệu won (tương đương 8.200 đô la Mỹ) với những người cố tình vi phạm quy định về cách ly…
|
Ảnh minh họa |
Câu hỏi đặt ra là chế tài của Việt Nam so với các nước có đủ mạnh, đủ sức răn đe hay không? Theo quan điểm của nhiều luật sư, nếu so với các nước, quả thực trước đây chế tài của Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch trong một số quy định pháp luật còn rất thấp, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Theo đó, chế tài hành chính được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, theo quy định tại Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (như không đeo khẩu trang nơi công cộng…) bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng; hành vi che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh Covid-19 bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng…
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh thời gian gần đây, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã tăng cường siết chặt các biện pháp phòng dịch. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật tăng nặng chế tài xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, ngày 28/9/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị phạt tới 3.000.000 đồng; hành vi che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng thì bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng…
Đặc biệt cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh còn có thể bị xử lý hình sự.
Ngày 30/03/2020, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đối với người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Có thể thấy, so với nhiều nước trên thế giới, chế tài xử lý người vi phạm các biện pháp phòng dịch của Việt Nam đã tương đối đầy đủ, gồm cả chế tài xử phạt hành chính đến xử lý hình sự. Vấn đề còn lại ở đây là sự chấp hành của người dân và sự nghiêm minh của pháp luật đối với những hành vi trốn tránh chấp hành.
Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ