Ý tưởng táo bạo: biến cầu bộ hành thành cà phê đường phố?

Một ý tưởng kinh doanh táo bạo đã được đề xuất: đấu thầu cầu vượt cho thuê mở các quán cà phê đường phố như mô hình “street coffee” bên Tây, vừa phục vụ du lịch, vừa để cho các công trình giao thông thêm ý nghĩa.

Một ý tưởng kinh doanh táo bạo đã được đề xuất: đấu thầu cầu vượt cho thuê mở các quán cà phê đường phố như mô hình “street coffee” bên Tây, vừa phục vụ du lịch, vừa để cho các công trình giao thông thêm ý nghĩa.

Cơ sở cho đề xuất trên xuất phát từ thực tế, trên địa bàn Hà Nội gần đây rộ lên phong trào bắc cầu đi bộ sang đường. Một số cầu vừa xây xong thì tháo dỡ, thiệt hại vài tỷ - “không đáng bao nhiêu”, nhưng một số cầu vẫn đương “trơ gan cùng tuế nguyệt”, lèo tèo vài lượt khách mỗi hôm. Chính vì vậy, nhiều bà, nhiều chị đã nhanh chân “trưng dụng” làm quán cóc bán nước chè vặt. Nhưng doanh thu ngày vài trăm nghìn như vậy thì quá lãng phí….

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trà đá không “kén” chỗ

Một nét văn hóa Thủ đô, mùa hè cũng như mùa đông, các quán trà đá vẫn ung dung bày bán. Chỉ cần nơi nào có người đi qua, bất kể là bến xe hay ngõ ngách, ngã tư hay vỉa hè… trà đá đều có mặt. Được sự ủng hộ thêm của khách hàng, các chủ quán trà đá vô tư mở quán ngay cả trên những cây cầu đi bộ sang đường.

Đơn cử như cây cầu đi bộ trên phố Trần Đại Nghĩa, hoàn thành năm 2009 để phục vụ cho nhu cầu đi lại của sinh viên hai trường Đại học Kinh tế Quốc Dân và Đại học Bách Khoa cũng bị lạm dụng để kinh doanh nước uống từ khá lâu. Hay hai cây cầu vừa được đưa vào sử dụng cách đây không lâu trên trục đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân cũng đang bị “trưng dụng” bởi dịch vụ bán nước chè đêm.

Từ 8h tối cho đến 11h đêm, không khí trên các cây cầu bộ hành khá nhộn nhịp. Những chiếc ghế con được bày sẵn, chủ quán đon đả mời chào khách từ chân cầu, tiếng cười nói rôm rả của từng nhóm người uống nước hòa với tiếng inh ỏi của còi xe phía dưới. Ngoài ra, nếu khách có nguyện vọng ngồi chiếu, chủ quán sẵn sàng đáp ứng.

Không mất tiền thuê địa điểm, vốn bỏ ra ít, lời lãi thu về kha khá nên các quán trà đá ngày càng nhiều, “giăng tơ” toàn thành phố. Đoài Phương – sinh viên Báo chí, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ: “Mình rất thích uống trà đá cùng bạn bè trên cầu. Không gian cao, thoáng, lại có thể nhìn ngắm Hà Nội lúc đêm về. Cảm giác thú vị hơn nhiều so với ngồi uống nước ở các quán vỉa hè”.

Chỉ với 2 nghìn đồng/cốc trà đá, khách hàng có thể tha hồ chọn chỗ ngồi trên cầu. Chủ quán phục vụ tận tình, chu đáo, khách hàng buôn chuyện với mức volume không giới hạn. Có đám khách đông, ngồi chiếm gần hết diện tích cây cầu, gây khó khăn cho những người đi bộ.

“Cà phê hóa”

Không ít người có cùng quan điểm như trên. Tuy nhiên, các chủ quán vẫn “nhắm mắt làm ngơ” trước những lời nhận xét không hay đó. Họ chỉ chịu cuốn chiếu, thu dọn hàng mỗi khi có lực lượng công an đi dẹp đường phố.

Những cây cầu tiền tỉ này được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, giảm thiểu các va chạm đáng tiếc giữa người qua đường và các phương tiện tham gia giao thông. Thế nhưng, hiện tượng người đi bộ băng qua đường, leo qua dải phân cách, không hoặc ít sử dụng các cây cầu đi bộ để sang đường vẫn diễn ra thường xuyên. Đó cũng chính là môi trường thuận lợi để các quán trà đá “hành nghề” tại đây.

Một chủ quán nước cho hay: “Vào buổi tối, người qua lại trên cầu cũng ít, chủ yếu là người lên đây hóng gió. Thỉnh thoảng họ tạt vào uống nước, ngắm cảnh, trò chuyện cho đỡ mỏi chân. Đa số người uống nước là sinh viên. Chẳng phải giấu, chứ ý tưởng bán nước trên cầu tôi cũng vô tình nghe được từ cuộc nói chuyện của mấy sinh viên đấy”.

Thuận là thuận cho mấy bà, mấy chị quán cóc, tuy  nhiên tình trạng lộn xộntrên cầu quá gây mất mĩ quan đô thị. Được hỏi, bà Tống Thị Mai (Trần Đại Nghĩa) bức xúc: “Ngày nào hai vợ chồng tôi cũng đi bộ qua lại trên cầu. Từ ngày xuất hiện mấy quán trà đá, diện tích bị chiếm, rác thải bừa bộn, gây cảm giác không thoải mái mỗi khi đi qua. Cầu đi bộ là để cho người qua lại, đâu phải chốn để có thể tự do kinh doanh, buôn bán”.

Xuất phát từ thực tế trên, Nguyễn Thị Cẩm Tú, kế toán viên một doanh nghiệp tại Hà Nội đang ấp ủ ý tưởng “xin” chính quyền chủ trương cho thuê mặt bằng đắc địa này để phát triển các quán cà phê đường phố.

“Nếu được thuê, chúng tôi sẽ đầu tư để đì – zai (design) lại các cây cầu, thổi hồi vào mấy thanh sắt thô kệch hiện nay, biến chúng thành điểm đến du lịch.

Vẫn dành lối đi cho khách bộ hành nhưng vẫn có chỗ cho du khách ngồi nghỉ ngơi, nhâm nhi ly cà phê và ngắm phố phường Hà Nội” – chị Tú cho hay. “Chính quyền không lo thiệt, vì nếu cần có thể cho thuê thông qua đấu giá để đảm bảo minh bạch, chúng tôi sẵn sàng tham gia”…

Tố Uyên – Hồng Nhung

Đọc thêm