Ý Yên (Nam Định): Một gia đình quân nhân đòi lại đất hương hỏa bị xã giao cho người khác

(PLVN) - Thửa đất thổ cư 4 sào Bắc Bộ ở thôn Hưng Thịnh, xã Yên Bằng (Ý Yên, Nam Định) là đất hương hỏa của gia đình các quân nhân Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Văn Thám, Nguyễn Văn Châm (hiện thường trú tại TP HCM), trong giai đoạn gia đình vắng mặt tại địa phương đã bị xã giao cho người khác, hiện đất đã được cấp sổ đỏ. 
Thửa đất có nguồn gốc của gia đình các quân nhân đã bị cấp cho người khác.
Thửa đất có nguồn gốc của gia đình các quân nhân đã bị cấp cho người khác.

Thửa đất được gia đình sinh sống qua nhiều thế hệ

Trong đơn thư gửi Báo PLVN, anh em ông Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Văn Thám, Nguyễn Văn Châm (quê quán thôn Hưng Thịnh, xã Yên Bằng, Ý Yên, Nam Định, hiện thường trú tại TP HCM) trình bày: Gia đình ông có thửa đất thổ cư 4 sào Bắc bộ ở thôn Hưng Thịnh, xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nay có địa chỉ là thửa đất số 88, tờ bản đồ 36 thôn Hưng Thịnh. 

Theo đơn trình bày của đương sự, thửa đất thổ cư 4 sào Bắc Bộ này có nguồn gốc của gia đình cụ Nguyễn Văn Sinh - Vũ Thị Nhớn (còn gọi là cụ bà Sinh) là ông bà nội của họ. Thửa đất có vị trí phía Tây giáp sân kho Hợp tác xã, phía Bắc giáp đê tả sông Đáy, một mặt giáp đường cái, một mặt giáp nhà ông Lới, bà Yến, bà Mơ thôn Hưng Thịnh.

Hiện các gia đình lân cận và người dân địa phương đều có đơn xác nhận vị trí và nguồn thửa đất như trên là của gia đình cụ Nguyễn Văn Sinh - Vũ Thị Nhớn. Gia đình đã cải tạo thùng vũng ven sông Đáy thành đất canh tác màu mỡ, dựng nếp nhà gỗ, 5 gian bếp tre để sinh sống. Ba anh em ông Tú, Thám, Châm sinh ra và lớn lên tại đây cho đến khi trưởng thành, lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. 

Hiện tại hồ sơ địa địa chính lưu tại xã Yên Bằng không có tên hộ gia đình cụ Nguyễn Văn Sinh dù gia đình có công và đã sinh sống nhiều thế hệ tại xã Yên Bằng.
Hiện tại hồ sơ địa địa chính lưu tại xã Yên Bằng không có tên hộ gia đình cụ Nguyễn Văn Sinh dù gia đình có công và đã sinh sống nhiều thế hệ tại xã Yên Bằng. 

Giai đoạn trước năm 50 của thế kỷ trước, gia đình cụ Nguyễn Văn Sinh thuộc thành phần trung nông, không vào Hợp tác xã mà vẫn là hộ làm ăn cá thể tại địa phương. Năm 1954 cụ ông Nguyễn Văn Sinh mất, cụ bà Sinh nuôi các cháu nội là ba anh em ông Tú, ông Thám, ông Châm tại đất này cho đến khi các cháu đi bộ đội chống Mỹ cứu nước. 

Theo đơn trình bày, cả ba anh em ông Tú đều lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường miền Nam, trong đó ông Tú là thương binh hạng A tổn hại 48% sức khỏe. Trong ba anh em, có ông Tú và ông Châm là đảng viên. 

Khoảng năm 1976, địa phương có lệnh giải tỏa dòng chảy sông Đáy, một số gia đình phải di dời được địa phương đền bù về đất và tiền. Tuy nhiên hộ cụ Đỗ Thị Nhớn không di dời và cũng chưa nhận bất cứ khoản trợ cấp nào của địa phương. 

Năm 1987, cụ Nhớn qua đời, từ đó nhà đất bỏ không. Anh em ông Tú sau khi hết nghĩa vụ quân sự đều công tác và lập nghiệp ở TP HCM. Theo các đương sự trình bày, trong những lần về quê họ vẫn thấy nhà đất của ông bà nội họ nguyên hiện trạng, không bị xâm chiếm nên vẫn yên tâm. 

Đến năm 2004, anh em ông Tú mới có đơn đề nghị UBND xã Yên Bằng và chính quyền các cấp về việc xin lại miếng đất trên để xây nhà thờ nhưng chưa được giải quyết vì bản thân các đương sự không có giấy tờ pháp lý chứng minh thửa đất là của gia đình. Hồ sơ địa chính xã không có tên hộ gia đình cụ Nguyễn Văn Sinh - Vũ Thị Nhớn. 

Mặc dù vậy, những người dân địa phương sống cùng thời, trong đó có những cán bộ lãnh đạo xã Yên Bằng thời kỳ đó đều xác nhận diện tích đất mà anh em ông Tú đòi là của gia đình cụ Sinh. Đặc biệt, ngày 20/1/2012 ông Vũ Xuân Tiến (SN 1928, trú tại xóm Tam, xã Yên Bằng, Ý Yên, Nam Định), nguyên Phó Chủ tịch xã Yên Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Bằng giai đoạn những năm 1968 – 1974 xác nhận cụ Nguyễn Văn Sinh có mảnh đất thổ cư 4 sào ở thôn Hưng Thịnh xã Yên Bằng. 

Nội dung xác nhận của ông Vũ Xuân Tiến - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bằng giai đoạn từ 1968- 1969, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Bằng giai đoạn 1976 - 1979.
Nội dung xác nhận của ông Vũ Xuân Tiến - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bằng giai đoạn từ 1968- 1969, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Bằng giai đoạn 1976 - 1979. 

Ông Tiến xác nhận: Thời gian 1950-1954 cụ Sinh làm Tổng lý song dưới sự chỉ đạo của cách mạng cụ đã đi theo kháng chiến, cung cấp muối cho cách mạng, tạo điều kiện cung cấp giấy đi lại cho nhân dân vùng tự do cũng như vùng tạm chiếm. Ông Tín (con trai cụ Sinh, cha của các ông Tú, Châm, Thám) có 3 con tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Khi cụ Sinh già, các cháu đều đi bộ đội, ông Tín là người nuôi dưỡng mẹ. Gia đình có công cải tạo vùng thùng vũng thành đất canh tác màu mỡ. Khi gia đình vào trong Nam sinh sống thì chưa hiến đất cho địa phương, cũng không bán, tặng, không nhận khoản trợ cấp đền bù nào. Đề nghị địa phương xem xét thấy yêu cầu xin lại đất hương hỏa để thờ cúng cho con cháu cụ Sinh. 

Bỗng dưng "mất tên" trong hồ sơ địa chính xã

Ngày 3/11/2018 UBND xã Yên Bằng tổ chức buổi đối thoại với anh em ông Tú về việc giải quyết đơn đòi đất. Thành phần đối thoại gồm: cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Thanh tra huyện Ý Yên, Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã Yên Bằng, cán bộ địa chính xã Yên Bằng.

Phía xã Yên Bằng khẳng định trên danh sách giải tỏa dòng sông Đáy thoát lũ năm 1976 không có tên cụ Sinh. Gia đình cụ Sinh cũng không có tên trong hồ sơ địa chính và bản đồ năm 1986. Hiện xã không còn lưu hồ sơ thửa đất cấp cho gia đình cụ Sinh. 

Tại cuộc đối thoại, phía xã Yên Bằng yêu cầu anh em ông Tú đưa ra giấy tờ, bằng chứng pháp lý chứng minh nguồn gốc thửa đất của gia đình. Anh em ông Tú tuy không có giấy tờ, nhưng có đơn xác nhận của những người hàng xóm, trong đó có ý kiến của ông Vũ Xuân Tiến - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch xã yên Bằng giai đoạn 1968 – 1976.

Đặc biệt, bản xác nhận của Đảng ủy xã Yên Bằng về việc thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng cho ông Nguyễn Văn Tú năm 1974 xác nhận: Bà Sinh là người nuôi dưỡng ông Tú thuộc thành phần trung nông, không phải thành phần địa chủ, chỉ là hộ nông dân cá thể, làm ruộng, sinh sống tại địa phương; dân tộc: Kinh; tôn giáo: đi giáo. 

Nội dung xác nhận thẩm tra lý lịch trên khẳng định một sự thật: thời điểm năm 1974 trở về trước gia đình cụ Sinh là người sinh sống tại địa phương, có đất thổ cư ở địa phương. Gia đình không hiến tặng đất, cũng không thuộc thành phần bị tịch thu đất. Giả sử năm 1976 giải tỏa khơi thông đê sông Đáy, gia đình cụ Sinh đã nhận đền bù đi nơi khác nên bị xóa tên trong hồ sơ địa chính vậy thì ai là người nhận khoản tiền đền bù diện tích 4 sào đất thổ cư của gia đình quân nhân?  

Được biết, thửa đất hương hỏa của ông bà nội ông Tú đã được địa phương làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người khác và đến nay đã qua hai đời chủ sở hữu mới nhưng hiện trạng thửa đất vẫn là đất trống, không có công trình, nhà cửa. Theo ông Tú, địa phương đưa ra phương án sẽ cấp đổi cho gia đình một thửa đất khác nhưng các đương sự không đồng ý mà chỉ muốn nhận lại thửa đất cũ của cha ông mình.

"Thời điểm giải tỏa khơi thông dòng chảy sông Đáy, bà cụ Sinh sống đơn thân, ba người cháu nội đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, tại sao cụ Sinh không được cấp nơi ở mới, không được cấp hỗ trợ di dời, nếu có thì ai đã lấy? Tại sao gia đình cụ Sinh sinh sống nhiều thế hệ tại địa phương mà lại bị xóa tên khỏi danh sách các hộ gia đình sinh sống tại địa phương, không có tên trong hồ sơ địa chính xã và bản đồ năm 1986 một cách khuất tất. Chúng tôi yêu cầu làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích tại sao địa phương lại tự ý “xóa tên” gia đình quân nhân? Chúng tôi sẽ đi đến cùng sự thật để đòi lại thửa đất của cha ông." - Đơn thư của ông Nguyễn Văn Tú khẳng định.

Chúng tôi sẽ còn trở lại sự việc. 

Đọc thêm