Nhiều năm qua, hoạt động nổ mìn, khai thác đá của Công ty Sản xuất và Xây dựng huyện Văn Yên tại mỏ đá Đại Phác (xã Đại Phác, Văn Yên) đã làm hàng chục ngôi nhà ở xã Đại Phác nứt toác, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Điều đáng nói, hoạt động này diễn ra ngay cả khi UBND tỉnh Yên Bái đã có công văn đề nghị Công ty Văn Yên dừng hoạt động khai thác khoáng sản. Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Yên Bái cũng đã chỉ rõ các sai phạm tại mỏ đá Đại Phác trong báo cáo số 358/BC-STNMT ngày 13/9/2019.
Để tiếp tục làm rõ sự liều lĩnh, bất chấp phát luật đang diễn ra hằng ngày của mỏ đá Đại Phác, những ngày cuối tháng 11, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có mặt tại thôn Trung Tâm, xã Đại Phác để ghi nhận hậu kiểm tra, xử lý sai phạm.
Nỗi ám ảnh thường trực
Có một sự thật là hoạt động của mỏ đá Đại Phác sau kiểm tra, xử lý vẫn không có gì thay đổi. Tại thời điểm cuối tháng 11/2019, mỏ đá này vẫn hoạt động khai thác rất rầm rộ, thách thức pháp luật.
Dọc con đường chạy vào mỏ đá, PV vẫn ghi nhận được những hình ảnh những xe chở đá không che chắn cày nát mặt đường. Điều đáng nói, hoạt động nổ mìn khai thác đá tại mỏ Đại Phác còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân địa phương.
|
Chị Hà Đình Hiệp đang chỉ tay những vết nứt trên ngôi nhà mới xây, theo chị tường nứt do hoạt động nổ mìn quá gần với căn nhà của gia đình chị |
Chị Hà Đình Hiệp (thôn Trung Tân, xã Đại Phác) cho biết, gia đình chị dành dụm được hơn 200 triệu đồng xây được căn nhà mới. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi xây xong, ngôi nhà của chị bị nứt nẻ, nhiều mảng bê tông bong ra do liên tiếp hứng chịu những đợt nổ mìn phá đá dữ dội tại mỏ đá Đại Phác.
“Mỏ đá nghe bảo bị đình chỉ, nhưng tôi thấy vẫn nổ mìn, khai thác bình thường. Hôm qua cũng vừa nổ mìn xong. Mỗi lần mỏ đá nổ mìn là nhà tôi lại rung lắc dữ dội. Tôi phải dẫn con nhỏ ra khỏi nhà, chứ không dám cho ở trong vì sợ nhà đổ sập”, chị Hiệp nói.
|
Ngôi nhà của gia đình cụ Hà Thị Định (80 tuổi) cũng nứt toác vì hoạt động của mỏ đá Đại Phác. |
Chỉ tay lên mái nhà, những hàng ngói xi măng xiên xẹo, cũ mới lẫn lỗn, đan xen là lớp lá cọ dày, chị Hiệp bức xúc nói: “Những viên ngói mới là của Công ty Văn Yên lớp lại cho gia đình mỗi khi nổ mìn đá văng vào nhà khiến mái nhà vỡ. Những viên đá to bằng nắm tay có lần suýt rơi vào đầu chồng, con ở trong nhà. Tủ lạnh, ti vi gia đình bị vỡ hỏng hết do đá rơi. Gia đình nhiều lần kiến nghị các cấp cho di dời vì ở đây không biết sống chết lúc nào”.
Cạnh nhà chị Hiệp là nhà của cụ Hà Thị Định (80 tuổi) cũng đang nứt toác vì hoạt động của mỏ đá Đại Phác. Cụ Định là người neo đơn, không con cái, thuộc diện hộ nghèo của xã nên được một ngân hàng trên địa bàn tỉnh trao tặng ngôi nhà tình nghĩa.
Nhưng từ khi nhà mới xây xong, hoạt động nổ mìn của mỏ đá cũng khiến nhà bị nứt toác. Đá thường văng vào nhà khiến ngói nhà hỏng hết.
“Nhà tôi xuất hiện hàng loạt vết nứt lớn sau mỗi lần nổ mìn của mỏ đá Đại Phác. May phúc lớn chứ có hôm đang ngủ trưa viên đá lớn bằng cái phích nước rơi ngay trên gường, cạnh đầu”, cụ Định nói.
Cách đó không xa, ngôi nhà 2 tầng khang trang của bà Hoàng Thị Được (77 tuổi, xã Đại Phác) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ngôi nhà mới xây xuất hiện hàng loạt vết nứt lớn, ngói nhà vỡ liên tục vì đá bắn.
“Mỗi khi công ty này khai thác đá là bụi bặm bao trùm hết cả xóm, người lớn, trẻ nhỏ đều không dám ở trong nhà vì lo sợ nhà sập. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng chưa thấy giải quyết dứt điểm”, bà Được bức xúc.
|
Hoạt động khai thác mỏ đá Đại Phác ngay cạnh khu dân cư đã và đang đe dọa đến đời sống của người dân trong suốt nhiều năm qua |
Theo tìm hiểu của phóng viên, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Yên Bái, ngày 12/9/2019, Sở TNMT và Sở Xây dựng, Sở Công thương và UBND huyện Văn Yên đã phối hợp kiểm tra hoạt động khai thác đá tại mỏ Đại Phác.
Theo đó, về khoảng cách của mỏ đá Đại Phác với khu dân cư quá gần, không đảm bảo an toàn khi sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của Bộ Công thương.
Kết quả kiểm tra cho thấy, mỏ đá này chỉ cách khu dân cư chưa đến 100m, trong đó, có hộ gia đình ông Hoàng Văn Tiên chỉ cách có 23m. Số hộ nằm trong phạm vi ảnh hưởng thiệt hại khi tiến hành hoạt động khai thác đá lên đến 15 hộ.
Có một điều vô cùng nguy hiểm, trong quá trình bị đình chỉ khai thác, Công ty Văn Yên đã sử dụng vật liệu nổ để khai thác, sản xuất đá. Việc này, báo cáo số 358/BC-STNMT ngày 13/9/2019, số vật liệu nổ được sử dụng vào ngày 4/9/2019 để thực hiện bóc tầng phủ trên bề mặt, phục vụ việc san lấp đáy moong đã khai thác?
Mỏ đá không có thiết kế mỏ
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay Công ty Văn Yên vẫn đang khai thác đá theo dạng “hàm ếch” gây nguy cơ sụt lún, tai nạn lao động. Kiểu khai thác này đã bị cấm.
Trả lời PLVN về việc này, lãnh đạo Sở Xây Dựng tỉnh Yên Bái cho biết, “mỏ đá Đại Phác hoạt động từ lâu nhưng không có hồ sơ thiết kế mỏ”.
|
Mỏ đá Đại Phác không có thiết kế mỏ hiện đang được khai thác theo dạng “hàm ếch” gây ra nhiều rủi ro, an toàn cho người lao động |
Trong báo cáo số 358/BC-STNMT của Sở TNMT tỉnh Yên Bái cho thấy, các moong khai thác có dấu hiệu khai thác đứng, có chiều cao lớn, không cắt tầng theo thiết kế đã được lập. Đáy moong của mỏ đá khai thác có độ sâu lớn, thấp hơn mức sâu thấp nhất được phép khai thác từ 2m – 5m.
Như vậy, báo cáo đã chỉ rõ việc Công ty Văn Yên đã khai thác không đúng trình tự khai thác, hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ được lập; khai thác vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác.
Tuy nhiên, quan sát hiện trường mỏ đá Đại Phác, phóng viên nhận thấy, dù khai thác không có thiết kế, khai thác dạng “hàm ếch” gây rủi ro lao động nhưng Công ty Văn Yên vẫn hoạt động hết công suất cho hoạt động khai thác đá.
Một người dân ở đây cho biết, việc khai thác đá dạng “hàm ếch” mang rủi ro cao nhưng khai thác dạng này sẽ thu được nhiều đá hơn, nhất là khi mỏ đá đã khoét sâu vào chân núi từ nhiều năm nay.
Xem thường tính mạng người dân?
Có một điều đang lưu ý là, Sở TNMT tỉnh Yên Bái đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Yên Bái lập hồ sơ áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Văn Yên. Đồng thời, đề nghị các sở ngành liên quan khác tạo điều kiện cho doanh nghiệp sửa chữa lại mỏ, thực hiện khai thác trở lại theo thiết kế mỏ đã được phê duyệt trước đó.
|
Dù đã bị đình chỉ từ lâu nhưng đếncuối tháng 11/2019, mỏ đá này vẫn hoạt động khai thác rất rầm rộ, thách thức pháp luật. |
Thực tế, mỏ đã bị khai thác sai thiết kế, lấn sâu vào lòng núi, khai thác sai vị trí. Vậy, làm sao công ty Văn Yên có thể khai thác lại theo thiết kế cũ. Điều này, phải chăng các sở, ngành của tỉnh Yên Bái đang bỏ qua những sai phạm nghiêm trọng, “tạo điều kiện” cho công ty Văn Yên hoạt động trở lại.
Theo Giấy phép khai thác số 545/GP-UBND ngày 20/4/2011 của UBND tỉnh Yên Bái cấp cho Công ty Văn Yên thì nếu sai phạm sẽ thu hồi giấy phép khai thác mỏ. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra thực tế tại mỏ Đại Phác và những kiến nghị tạo điều kiện cho Công ty Văn Yên đã chà đáp lên những cam kết, những quy định của pháp luật.
|
Báo cáo kiểm tra thông tin Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh hoàn toàn chính xác về hoạt động của mỏ đá Đại Phác vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật |
Trước đó, khi trả lời phóng viên về việc công ty Văn Yên thường xuyên mắc các sai phạm trong khai khoáng và môi trường nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái vẫn chưa chấn chỉnh, thu hồi giấy phép của công ty này.
Sở TNM Yên Bái cho rằng, theo thông tin nắm bắt từ UBND xã Đại Phác, kể từ khi mỏ đá Đại Phác hoạt động đến nay, chỉ có năm 2012 xã có nhận được phản ánh của người dân đối với hoạt động khai thác, sản xuất của Công ty Văn Yên về việc nổ mìn phá chấn động, đất đá bay vào khu dân cư. Sau đó, UBND xã Đại Phác đã phối hợp với UBND huyện Văn Yên tiến hành kiểm tra, làm việc với công ty và yêu cầu công ty khắc phục tình trạng này và gần đây thì chưa nhận thêm ý kiến nào từ người dân.
Nhưng thực tế, theo phóng viên báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận, tại thời điểm tháng 11/2019, hàng chục hộ dân ở cạnh mỏ đá vẫn sống trong cảnh thấp thỏm, bất an, vẫn kiến nghị liên tục lên các cấp xin chủ trương di chuyển đến điểm đủ khoảng cách an toàn theo Nghị định 39 về vật liệu nổ công nghiệp.
Như vậy, trong khi tính mạng của hàng trăm hộ dân có thể bị đe doạ nếu việc nổ mìn ở mỏ đá vẫn diễn ra khi không đủ điều kiện an toàn. Việc Sở TNMT Yên Bái khi đến kiểm tra trực tiếp, báo cáo UBND tỉnh việc “chỉ có năm 2012 xã có nhận được phản ánh của người dân đối với hoạt động khai thác, sản xuất của Công ty Văn Yên về việc nổ mìn phá chấn động, đất đá bay vào khu dân cư” có phải là ‘dối trên lừa dưới’, bao che cho sai phạm của doanh nghiệp, coi thường mạng sống của hàng trăm hộ dân?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.