Yên Bái: Nhà máy sắn Văn Yên tiếp tục “đầu độc” môi trường

(PLO) - Nhiều năm nay, Nhà máy sắn Văn Yên (thuộc Công ty Cổ phần Nông lâm sản, thực phẩm Yên Bái) tại thôn Cầu Khai, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường mặc dù ngành chức năng nhắc nhở và xử phạt nhiều lần.
Nhà máy sắn Văn Yên hoạt động ngày đêm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh
Môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Người dân ở đây cho biết, trước đây Nhà máy sắn Văn Yên đã xả ra môi trường chất thải chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tuy hiện nay nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý nên nước thải có đỡ ô nhiễm hơn nhưng mùi hôi thối thì vẫn nồng nặc. 
Nhiều người dân sống gần nhà máy sắn cho biết, nhiều năm qua họ đã phải sống chung với ô nhiễm và nhiều hệ lụy do nhà máy gây ra. Nhà máy hoạt động suốt ngày đêm gây mùi hôi thối khó chịu cộng với tiếng ồn khiến người dân mất ăn, mất ngủ, sức khỏe giảm sút. 
Chị Hoa, một người dân sống cạnh nhà máy cho biết: “Phải sống chung với mùi hôi thối thì chắc chắn là ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng vì công ăn việc làm nên chúng tôi vẫn phải chịu. Mùa này còn đỡ chứ mùa nắng tháng 3, tháng 4 mùi còn nồng nặc nữa”.
Không chỉ gây mùi hôi thối, Nhà máy sắn Văn Yên còn xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Hồng. Nguồn nước thải đã xử lý thì cũng không đảm bảo. Theo Báo cáo chương trình giám sát môi trường đợt 2 năm 2014 (tháng 12/2014), “Nước thải trước hệ thống xử lý, nước thải sau hệ thống xử lý đều có giá trị hàm lượng các thông số đã phân tích có thông số TSS, COD, BOD5, Coliform cao hơn giới hạn cho phép. Nước thải sau hệ thống xử lý, mẫu nước có màu đen, đục,  nhiều cặn, mùi hôi...”.
Theo người dân thì hiện Nhà máy sắn Văn Yên vẫn âm thầm xả thải ra sông Hồng. Dòng nước thải màu đen chảy ào ào đổ xuống khiến một phần nước sông Hồng bị đổi màu đen kịt. Nhiều lần nước sông ô nhiễm khiến tôm, cua, cá chết trắng hàng loạt. Một số ruộng lúa xung quanh nhà máy sắn cũng bị ảnh hưởng khiến năng suất lúa rất thấp hoặc phải bỏ hoang đất. 
Sai phạm nối tiếp sai phạm?
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Mỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cuông cho biết: “Gần đây nhà máy xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên đỡ gây ô nhiễm hơn nhưng không thể triệt để được. Nhà máy vẫn gây khói bụi và mùi hôi thối. Hiện, xã cũng không nắm được các đầu xả thải của nhà máy ra sông Hồng như thế nào”.
Được biết, trong Quyết định số 192/QĐ-XPVPHC ngày 23/3/2015 của Tổng cục Môi trường về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Nhà máy sắn Văn Yên đã nêu rõ: Xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800m3/ngày đến dưới 1000m3/ngày, vi phạm điểm m khoản 4Điều 13 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, với tổng mức tiền phạt là hơn 509 triệu đồng.
Mặc dù đã bị xử phạt và vụ mùa mới đã bắt đầu từ tháng 11/2015 nhưng hiện Nhà máy sắn Văn Yên vẫn chưa có quyết định chính thức của cơ quan chức năng cho phép hoạt động vụ mới. 
Ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái cho biết: “Sau khi xử phạt. Sở TN&MT đôn đốc thì nhà máy sắn đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trị giá 13 tỷ nhưng chưa hoàn thành. Hiện nay mới đang trong giai đoạn chạy thử. Về nguyên tắc là Sở cho phép họ mới được chạy thử. Nhưng vừa rồi, công ty báo cáo chạy thử thì mình ghi nhận chứ Sở cũng chưa có văn bản đồng ý cho họ chạy thử. 
Theo quy định thì hoạt động phải có văn bản của Sở. Sở sẽ hoàn thành kết quả đánh giá công trình xử lý nước thải của nhà máy trước ngày 31/12/2015. Nếu đảm bảo thì mới có quyết định cho phép hoạt động chính thức”.
Khi phóng viên đề nghị xem kết quả Báo cáo quan trắc, giám sát môi trường của Nhà máy sắn Văn Yên thì ông Đào Xuân Hồng- Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, hồ sơ tài liệu đang để ở trụ sở Chi cục. 
Nhưng ông Hà Mạnh Cường lại khẳng định. từ đầu năm 2015 đến nay, Nhà máy sắn Văn Yên chưa có báo cáo kết quả quan trắc môi trường. Trong khi đó thì theo quy định, các nhà máy, xí nghiệp phải có báo cáo giám sát môi trường tại cơ sở gửi về cơ quan thẩm quyền định kỳ 6 tháng một lần. 
Khó hiểu hơn, dù ông Hà Mạnh Cường đã liên hệ với công ty để cán bộ Sở TN&MT cùng phóng viên xuống cơ sở khảo sát trực tiếp công trình xử lý nước thải mới của nhà máy nhưng không hiểu lí do gì mà lãnh đạo công ty một mực từ chối.
Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế - xã hội mà Nhà máy sắn Văn Yên mang lại cho nông dân qua việc tiêu thụ sản phẩm, giải quyết lao động, nộp ngân sách… Tuy nhiên, việc phát triển phải đi liền với bền vững, sản xuất  phải đảm bảo về môi trường sinh thái. Hy vọng các ngành chức năng tỉnh Yên Bái sớm có kết quả kiểm tra, đánh giá để xử lí kịp thời những vấn đề trên./.

Đọc thêm