Yên Bái: Tranh cãi vụ bé gái 4 tuổi bị xâm hại tình dục

(PLO) - Suốt 8 tháng qua, ở thị trấn Mậu A, Văn Yên (Yên Bái) dư luận không thôi xôn xao về câu chuyện bé gái 4 tuổi bị “người trong họ” xâm hại. Đáng nói, trước sự việc đáng lên án này, hung thủ vẫn nhởn nhơ, không hề bị xử lý hay có bất kỳ động thái hối lỗi nào. Lý giải cho việc không khởi tố vụ án này, một số cá nhân trực tiếp thụ lý vụ việc còn rao giảng, viện dẫn luật hết sức thiếu hiểu biết rằng: “Tất cả trẻ em dưới 14 tuổi có làm gì cũng không phạm tội”.
Trẻ vị thành niên dễ có những hành vi “lạc lối”, nếu không kịp thời uốn nắn dễ dẫn đến thiên lệch nhân cách.
Mỏi mòn chờ phản hồi
Nhắc lại sự việc, chị Nguyễn Kim C., mẹ L. kể lại đầy ấm ức: Khoảng 17 giờ ngày 12/4/2015 khi tắm cho con gái, chị thấy L. kêu đau ở vùng kín. Hỏi ra, cháu Mèo (tên ở nhà của L. – pv) kể rành mạch lại sự việc bị Nguyễn Sỹ Nam (SN 2001) xâm hại. Đôi mắt trong veo của đứa bé ngây ngô chưa hiểu hết mọi chuyện xảy ra với mình, sẽ để lại hậu quả gì về sau này khiến không ai cầm nổi nước mắt. 
Chị C. tiếp lời kể của con: “Phần chủ quan nghĩ là việc con trẻ chỉ cần bảo ban mà chưa vội cho ai biết, nhưng đến khi đi ngủ thấy con vẫn kêu đau ở phần kín nên tối 13/4/2015, tôi đã đưa cháu sang nhà Nam làm rõ”. Ban đầu, trước sự có mặt của bố mẹ, Nam chối cãi nhưng khi bé Mèo diễn tả lại toàn bộ sự việc từ đầu đến cuối thì Nguyễn Sỹ Nam đã thừa nhận những gì Mèo nói là đúng. 
Sau một hồi nghe gia đình thủ phạm phân bua, vì ngại mối quan hệ họ hàng, chị C. theo lời bà Nguyễn Thị Lý (mẹ Nam - PV) đề nghị hôm sau giải quyết nên đưa con về. Không thấy gia đình bà Lý có động thái hòa giải, làm rõ sự việc nên tối 14/4/2015 anh Nguyễn Văn H., bố cháu Mèo tiếp tục sang nhà bà Lý hỏi lại. Tại đây, một lần nữa Nam không nhận, nhưng sau khi anh H. cương quyết nói sẽ đưa ra pháp luật thì Nam lại diễn tả cho anh H. biết đầu đuôi sự việc theo nguyên văn những gì Mèo đã thuật lại.
Ngày 15/4/2015 ông Nguyễn Văn Chính (bố Nam), sang nhà đưa cho vợ chồng anh H. 3.000.000 đồng để “bồi dưỡng” cho cháu Mèo, nhưng anh H. đã từ chối: “Con nhà cháu đâu phải mớ rau, mớ cỏ ngoài chợ mà ông đưa cho nhà cháu như vậy là xong”. Ngày 16/4/2015 gia đình anh H. làm đơn tố cáo gửi cơ quan Công an thị trấn Mậu A đề nghị điều tra làm rõ vụ việc. 
Thế nhưng theo lời anh H., sau khi gửi đơn tố cáo, gia đình không hề nhận được bất kỳ phản hồi nào của cơ quan chức năng. Cho đến ngày 29/10/2015, tức sau 6 tháng vụ việc xảy ra, gia đình anh “đánh liều” trực tiếp tới Công an huyện Văn Yên hỏi thông báo thì mới hay vụ án của con gái anh không được đưa ra khởi tố. 
“Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng” 
Gia đình anh H. vốn nghèo khó, vợ chồng trẻ công ăn việc làm không ổn định phải bươn chải để kiếm miếng cơm cho hai đứa con nhỏ. Bởi không có nhiều thời gian chăm sóc, chị C. vẫn thường phó mặc để con sang nhà hàng xóm mà đâu thể ngờ rằng con gái mình lại gặp chuyện trớ trêu đến thế. 
Chia sẻ với PV, chị C. cho biết gia đình chị không hề muốn sự việc đến mức này bởi lẽ dù có phân xử sao, bé Mèo vẫn là người gánh chịu thiệt thòi. Chưa kể, giữa hai gia đình còn là mối quan hệ họ hàng gần gũi mà bé Mèo và hung thủ đang là vai “bác – cháu” vậy nên muốn giải quyết dân sự, tự thoả thuận… 
Nhưng do “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, thay vì chuyện trong nhà “đóng cửa bảo nhau” thì gia đình ông Chính lại dung túng, bao che cho con trai. Họ không hề có thái độ giáo dục, răn đe con cái và sẻ chia với gia đình bị hại nên chị C. buộc phải cậy nhờ chính quyền và pháp luật giải quyết, đòi lại phần nào công lý. 
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì những đơn thư của gia đình chị C. liên tục bị “ỉm” đi. Chị C băn khoăn: “Lúc đầu, tôi nộp đơn lên thị trấn thì thị trấn không nhận, mang lên công an huyện thì cứ chờ đợi mãi. Bây giờ nhận được thông báo như thế này vợ chồng tôi bức xúc lắm. Thương con mà chẳng biết kêu ai. Chỉ muốn đòi lại sự công bằng cho con gái tôi thôi…”.
Nghẹn giọng trong hàng nước mắt, chị C. tiếp lời: “Đến tận bây giờ con bé vẫn nhớ hết mọi chuyện... mà gia đình bên ấy lại đem chuyện kể khắp nơi, không biết sau này con bé có phải chịu điều tiếng không... Có khi phải bỏ quê mà đi để con gái tôi lớn lên có cuộc sống bình yên!”. Riêng về phía gia đình Nguyễn Sỹ Nam, từ khi nhận thông báo của Công an thị trấn Mậu A, biết Nam không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và vụ việc không bị khởi tố, gia đình này lập tức “trở mặt”, với thái độ khinh thường và thiếu tôn trọng nạn nhân. 
“Đã không ít lần nhà ông Chính còn chửi đỏng là vợ chồng C. ít học, ngu dốt thì phải chịu. Họ đi đến đâu cũng kể chuyện bé Mèo bị như vậy cho khắp làng trên, xóm dưới biết, bảo rằng cho sau cháu Mèo không lấy nổi chồng. Nghe chuyện mà chúng tôi cũng bức xúc thay” – chị Ly, người địa phương bức xúc cho hay sự việc hiện vẫn đang xôn xao phần vì sự bất công, phần vì gia đình ông Chính vẫn “rêu rao” khắp địa phương suốt thời gian qua khi có người nhắc tới…
“Chưa khi nào tôi ngừng hi vọng đòi lại chút công bằng”
“Ngót một năm qua, chưa khi nào tôi ngừng hi vọng đòi lại chút công bằng” – chị C. nghẹn ngào. Chị đã trao đổi trực tiếp với Trung tá Lê Đức Thọ, người ký thông báo về kết quả giải quyết sự vụ này. Nhưng chị C. chỉ nhận được câu trả lời cụt lủn, tắc trách rằng: Đã nhận được đơn thư nhưng chuyện giáo dục là trách nhiệm tại xã phường chứ không thuộc trách nhiệm của công an huyện. Kèm đó, vị Trung tá này thách thức, nếu gia đình bị hại còn thắc mắc sẽ “cho xem luật” rồi liên tục quả quyết “tất cả trẻ em dưới 14 tuổi thì có làm gì cũng không phạm tội”(?!).
Tìm hiểu được biết, theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi của người dưới 14 tuổi đều không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường hoặc đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại các Điều 91, 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính tùy vào mức độ nghiêm trọng trong hành vi của người vi phạm. Việc bồi thường thiệt hại là việc dân sự, hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa và theo quy định tại Điều 606 Bộ luật Dân sự, nếu người chưa thành niên gây ra thiệt hại thì bố mẹ của họ phải bồi thường với mức bao gồm: thiệt hại về sức khỏe (chi phí khám chữa bệnh), bồi thường thiệt hại đối với tinh thần tối đa 10 tháng lương tối thiểu, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất. Việc đưa vào trường giáo dưỡng cần có đơn đề nghị cơ quan công an ra quyết định xử lý và thông báo cho gia đình biết. 
Có thể nói, trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý, tuổi vị thành niên có vai trò hết sức quan trọng trong hình thành và phát triển nhân cách. Trong sự việc này, nhận thức của đứa trẻ chưa đầy 14 tuổi ấy không chỉ tác động xấu đến sức khỏe mà còn gây tổn thương sâu sắc tinh thần bé gái. Và trước những hành vi “lạc lối” của con mình ông bố, bà mẹ đều đã ra sức bênh vực, bao biện cho cái sai của con mặc dù bản thân nhận thức rõ ràng lỗi lầm ấy thuộc về con mình. Chuyện “bao bọc” con bất chấp đúng sai sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý ỉ lại và coi mình là “cái rốn vụ trụ”, để rồi thiên lệch nhân cách khi nào không hay./.

Đọc thêm