Yên Thái - Dấu xưa còn mãi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Làng Yên Thái nổi tiếng từ lâu với nghề làm giấy gia truyền đã đi vào câu ca: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”… Nơi đây cũng là nơi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm trong ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước (ngày 06/01/1946).
Điểm bầu cử Cầu Kho xưa.
Điểm bầu cử Cầu Kho xưa.

Rạng danh… Yên Thái

Nằm ven Hồ Tây trữ tình, Yên Thái mang một vẻ đẹp rất riêng. Đường vào làng quanh co, uốn lượn với những con ngõ nhỏ sâu hun hút và những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi mang dáng dấp của những ngôi làng cổ vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Điều đặc biệt của Yên Thái là nơi đây vừa có vẻ thôn quê nhưng vẫn mang hơi hướng phố thị. Khi bước chân vào làng, ta có cảm giác như đang ở một nơi nào đó dân dã, rất xa Hà Nội, nhưng chỉ mất vài phút đi bộ ta sẽ lại bắt gặp phố phường náo nhiệt, sầm uất…

Các cụ già của làng kể lại: Yên Thái xưa có 03 thôn: Thôn Đoài (còn gọi là An Thái Đoài có cổng Giếng); Thôn Thọ có cổng Hầu, cổng Xanh; Thôn Đông có cổng Đông. Những cổng này đều thông ra quan lộ và mang những nét đẹp không thể trộn lẫn.

Cũng giống như bao làng quê Bắc Bộ khác, Yên Thái có đủ bộ ba: Gốc đa, giếng nước, mái đình. Làng Yên Thái nằm trên đồi Kim Quy, thế đạp sơn núi Tam Thai, lượn theo thế rồng bay. Đầu rồng ngay ở đầu làng, hai mắt là hai giếng khơi. Một mắt chính là giếng nước ngay trước cổng làng, một mắt ở thôn Tiên Thượng, vì thế nó có tên gọi khác là cổng Giếng. Cổng Giếng (An Thái) là một trong những chiếc cổng cổ nổi danh ở đất kinh kỳ với kết cấu như một gian nhà lớn, hai cánh cổng lim có trụ quay đặt trên lưng hai con sấu đá.

Cùng với cổng Giếng, đình Yên Thái (nay là An Thái) cũng được xem là niềm tự hào của người dân nơi đây. Với kiến trúc đặc sắc, năm 1994 đình An Thái được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. 

Nghề làm giấy ở Yên Thái không biết có từ bao giờ, nhưng chúng ta đều biết “Nhịp chày Yên Thái” trong thơ ca chính là tiếng chày giã dó, một nguyên liệu chính để làm giấy. Ông Nguyễn Tiến Hùng – nguyên Trưởng Ban quản lý di tích đình An Thái - cho biết: Nghề làm giấy xưa là nghề của cả vùng kẻ Bưởi gồm các làng: Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Nghĩa Đô. Mỗi làng chuyên làm một loại giấy. Yên Thái chuyên làm giấy bản, giấy lĩnh (một loại giấy chuyên dùng chép gia phả, ngọc phả vì bền và viết mực không nhòe), đặc biệt là giấy lệnh dùng riêng cho triều đình. Năm 1736, đời vua Lê Thuận Tông, chúa Trịnh Giang đã cho in Tứ thư, Ngũ kinh bằng giấy này. Năm 1958, các hộ gia đình sản xuất giấy ở Yên Thái gia nhập hợp tác xã sản xuất giấy bản. Và giấy dó Yên Thái được chọn để in bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỉ niệm với Bác Hồ

Gắn với làng nghề truyền thống của làng, gắn với những kỷ niệm cùng vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước, các thế hệ nhân dân làng Yên Thái xưa và phường Bưởi nay không bao giờ quên lần Bác Hồ đến thăm làng trong ngày diễn ra Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc (ngày 06/01/1946). 

Người dân dự Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ về thăm làng Yên Thái.

Người dân dự Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ về thăm làng Yên Thái.

Tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ về thăm làng Yên Thái (1946-2021) vừa được tổ chức tại đình làng Yên Thái, cụ Nguyễn Quế Duệ (93 tuổi) – một trong những người được gặp Bác hồi đó - xúc động nhớ lại: “Bốn tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cả nước tổ chức Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội lần đầu tiên (ngày 06/01/1946), khi tôi đang túc trực ở điểm bầu cử Cầu Kho thì có tiếng reo hò rất to “Bác Hồ đến, Bác Hồ đến”. Nghe thấy vậy, tôi cũng theo chân mọi người chạy ùa ra trước cổng làng đón Bác. Bác đi lên cổng, theo sau là Bác sỹ Trần Duy Hưng – Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội. Sau khi hỏi han, bắt tay mọi người, Bác đến thăm nhà cụ Vũ Đình Liêm. Thấy hai em nhỏ chạy theo cùng đoàn người vô tình giẫm lên các tờ giấy dó phơi bên đường, Bác nhỏ nhẹ bảo ban không nên giẫm lên giấy.

Tiếp theo đó, Bác rẽ vào nơi đặt hòm phiếu ở Cầu Kho (nay là nhà sinh hoạt cụm dân cư số 08, phường Bưởi, quận Tây Hồ) nhắc nhở các cán bộ hướng dẫn người dân thực hiện tốt quyền công dân của mình. Trước khi ra về, Bác còn vào thăm một số xưởng sản xuất giấy hỏi thăm và động viên mọi người dân”.

Nhân chứng lịch sử thứ hai của làng Yên Thái được may mắn gặp Bác Hồ là cụ bà Vũ Thị Thiết (SN 1933). Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng cụ vẫn nhờ con cháu dìu ra đình để tham dự Lễ kỷ niệm. Cụ bồi hồi nhớ lại: “Hồi ấy tôi chỉ là một thiếu niên 13 tuổi được đại diện ra đón Bác Hồ. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng tôi vẫn nhớ như in từng cử chỉ, ánh mắt và sự quan tâm dịu dàng, ân cần của Người. Hôm đó Bác mặc bộ kaki màu sáng, vóc dáng nhanh nhẹn và giọng nói rất nhỏ nhẹ. Bác đi rất nhanh đến điểm bầu cử, vào thăm một số gia đình và cơ sở sản xuất và động viên mọi người chuyên cần sản xuất, sáng tạo trong lao động để làm giàu cho quê hương, đất nước và cải thiện đời sống. Những lời nhắc nhở, động viên của Bác đã tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người dân Yên Thái hăng say lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Quá khứ đã lùi xa… Nghề làm giấy truyền thống của làng Yên Thái cũng không còn nữa… Nhưng trong thẳm sâu tâm hồn mỗi người dân nơi đây, những vết tích, lịch sử hào hùng xưa vẫn in dấu mãi và là động lực thôi thúc dân làng nỗ lực góp phần xây dựng quê hương.

Đọc thêm