'Yêu ai, anh băng sông dài cho đẹp lòng trai'

(PLO) - Hình ảnh hai người tình chênh lệch tuổi tác băng rừng, vượt suối tìm đến với nhau khiến tôi cảm động. Tình yêu chân thành dù ở thời đại nào vẫn rực rỡ và tràn đầy tin yêu cho nhau.
Họ băng rừng, vượt suối để tìm nhau
Họ băng rừng, vượt suối để tìm nhau

Những ngày này, cộng đồng mạng chia sẻ mạnh mẽ câu chuyện hôn nhân,  đám cưới của cô dâu Lê Thị Thu Sao (SN 1957, TP Cao Bằng) và anh Triệu Hoa Cương (SN 1992, huyện Thạch An, cùng tỉnh). Một cuộc hôn nhân bất chấp tuổi tác, dị nghị để tìm đến với nhau.

Vì sao họ làm được vậy?. Ở một xã hội ảnh hưởng nặng nề Khổng giáo, giữa xoi mói, dèm pha của người đời sao họ vượt qua được?. Đó chính là nhờ tình yêu thực sự họ dành cho nhau.

“Chồng tôi nói yêu nhau thì tuổi tác không quan trọng. Tuổi tác không phải là rào cản ngăn cách tình yêu. Mọi người có nói xấu hay nói tốt thì mình không thể cấm được. Nhưng sóng gió nào rồi cũng sẽ qua”. Sự chân tình đó đã vượt qua miệng lưỡi ác độc của người đời, để sống cuộc đời của chính mình.

“Bắt đầu từ ngày hôm nay vợ chồng tôi đã chính thức về chung một nhà, chúng tôi đã có thể nương tựa vào nhau mà sống”. Chú rể trẻ tuổi vui sướng.

Anh Cương đã mạnh dạn tỏ tình và cầu hôn Thu Sao ở ngọn đồi đầy hoa mua. “Từ lúc ấy, chúng tôi đã xác định gắn bó với nhau lâu dài. Tình cảm giữa chúng tôi là tình yêu thực sự chứ không phải là trò cười cho thiên hạ”. Chị Thu Sao vẫn e thẹn như ngày nào.

Những thông tin như vậy tôi cứ nghĩ câu chuyện mộng tưởng này được xây dựng trong tiểu thuyết ngôn tình. Nó không thể có trong một xã hội rối bời và nặng về thực dụng. Nhưng tôi đã lầm.

Nhiều người ác ý cho rằng bà này già rồi “câu trai trẻ”. Nếu thực sự bà này “câu” thì bà không để mọi chuyện lâu lắc như vậy mới đồng ý và với cuộc sống của bà, bà tha hồ “rong chơi” với trai trẻ nếu là người có tính trăng hoa.

Nhưng không, bà đã chờ đợi, trải nghiệm để tìm kiếm sự mộc mạc từ anh chàng xa xôi này. Một người gia sản không có gì ngoài sự đơn sơ.

Tôi sống ở thành phố, đất chật, người đông, cứ nghĩ rằng một người đàn bà giàu có đem lòng yêu một chàng trai nghèo nó khó lắm, nhất là với tư tưởng “môn đăng hộ đối”.

Chúng ta sống ở đây, yêu nhau vội vã, nhìn thấy nhau, thích nhau là đã có thể "làm chuyện vợ chồng", giới trẻ yêu nhau như khám phá, mốt, chứ không phải sự thấu hiểu, cảm nhận nhung nhớ, đau khổ hay vui sướng.

Có lẽ cuộc sống chật hẹp, nó đòi hỏi con người nhiều sức ép từ cơm áo gạo tiền, nên con người phải đưa ra sự lựa chọn an toàn hay giải trí.

Người trẻ bây giờ hay có câu “em đẹp em có quyền” hay “Sao không yêu người giàu cho sướng, yêu người nghèo rồi khổ cả đời”. “Thà khóc trong Mercedes còn hơn đi xe đạp”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng bộc lộ: “Trong sự hối hả làm giàu, hưởng thụ, ta có thể hy sinh những giá trị tâm linh, văn hóa mà ta có. Ví dụ, nói về tình yêu nam nữ, bây giờ nhiều người nhấn mạnh đến tình yêu xác thịt mà thôi. Tây phương họ có danh từ “empty sex”, tình dục trống rỗng. Người thanh niên vội vàng đi vào tính dục mà không biết tình yêu là gì. Rất tội nghiệp”.

“Chồng tôi nói tài sản mình tự làm ra mới là của mình. Chồng tôi vẫn đi làm xây dựng. Hàng tháng, anh lĩnh lương về vẫn đưa cho tôi. Anh ấy bảo là hai vợ chồng dành dụm để sau này có tiền chăm sóc nhau lúc tuổi già ốm đau”.

Niềm tin của chị Thu Sao thật hạnh phúc. Cuộc sống cứ đơn giản như vậy là vui vầy rồi. Yêu nhau được đã khó khăn rồi thì cứ thương nhau như vậy, giữ nhau lại sống cuộc đời có nhau dù ngoài kia “giông tô” có đến.

Nhiều khi cuộc sống chật chội, xô bồ, khiến tôi không thể nhìn thấy một câu chuyện yêu đương đẹp đẽ vậy. Rồi chuyện cô Sao anh Cương nơi biên ải xa xôi này làm tôi nghĩ lại: Tình yêu chân thành vẫn xuất hiện nếu con người tin vào tự do của mình.

Đọc thêm