Yêu cầu đại gia công nghệ trả phí truyền thông: Việt Nam cần tạo ra cơ chế thương lượng tập thể

(PLVN) - Chiến thắng của Autralia trước hai “ông lớn” công nghệ trong việc buộc Facebook, Google trả phí khi khai thác thông tin báo chí là sự kiện đang được dư luận khắp thế giới vô cùng quan tâm. Liệu Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm gì từ Autralia?

* Hai “ông lớn” công nghệ phải “xuống nước” trước đạo luật trả phí truyền thông của Australia

Đại diện cho thế giới đi đòi quyền lợi

Theo Luật Trả phí truyền thông được đề xuất từ Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia, cả Google và Facebook được yêu cầu đàm phán với các nhà xuất bản và bồi thường cho họ về nội dung xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Nếu các bên không thể thống nhất, một trọng tài viên sẽ triển khai mô hình “trọng tài cung cấp cuối cùng” để xác định mức thù lao. Vi phạm quy tắc, bao gồm cả việc không thương lượng một cách thiện chí, sẽ bị phạt 10 triệu USD hoặc tương đương 10% doanh thu hàng năm ở Australia.

Những năm qua, Facebook và Google đều có ít động lực để trả tiền cho các nhà sản xuất tin tức và lập luận rằng họ đã giúp thu hút rất nhiều độc giả đến những câu chuyện, tin tức mà nếu không sẽ không được chú ý trên các trang web. Vì vậy, Facebook và Google đã tiếp tục chiến đấu để ngăn đạo luật này được thông qua. 

Tuy nhiên, lần này, mọi sự đã khác và Australia có phản ứng khá mạnh, buộc hai “gã khổng lồ” công nghệ phải ngồi vào bàn đàm phán. Thực tế thì Google đã nhanh chóng có giải pháp cho vấn đề trên. Do đó, trong các cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Truyền thông Australia Paul Fletcher dành lời khen Google vì đã tham gia vào quá trình này và gợi ý rằng Facebook nên xem xét kỹ lưỡng về quyết định “xóa tất cả các nguồn tin tức có thẩm quyền và đáng tin cậy khỏi nền tảng” và cho rằng hành động vừa qua của Công ty này “chắc chắn đặt ra các vấn đề về độ tin cậy của thông tin trên nền tảng”.

Bởi trước khi thua kiệntrước Australia, Facebook đã quyết định chặn chia sẻ tin tức trên mạng xã hội lớn nhất thế giới. Quyết định củaFacebook đã vấp phải làn sóng giận dữ tại Australia. Thủ tướng Australia Scott Morrison lên án hành động của Facebook làm gia tăng căng thẳng không cần thiết, đồng thời kêu gọi Facebook cần nhanh chóng dỡ bỏ quyết định trên với người dùng nước này và trở lại bàn đàm phán.

Sau cùng, vừa qua, Facebook đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm người Australia xem và chia sẻ tin tức trên nền tảng mạng xã hội khi đạt được thỏa thuận với Chính phủ nước này về việc trả tiền cho báo chí. Phó Chủ tịch của Facebook Campbell Brown cho biết, thỏa thuận cho phép Công ty chọn nhà xuất bản mà họ sẽ hỗ trợ, bao gồm cả những nhà xuất bản nhỏ và địa phương.

Thông tin cũng được Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg và Bộ trưởng Truyền thông Australia Paul Fletcher xác nhận. Kết quả trên có được sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên mang tới sự thống nhất về việc Chính phủ Australia đồng ý sửa đổi một số quy tắc, quy định trong Luật Trả phí truyền thông.

Sự hợp tác của Google rồi tiếp đến của Facebook là một thắng lợi lớn trong nỗ lực của Australia khiến hai gã khổng lồ internet này phải trả tiền nội dung cho báo chí mà họ sử dụng. Vụ việc được các Chính phủ và công ty công nghệ trên thế giới theo dõi chặt chẽ. 

Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg bày tỏ: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Australia đã là một trận chiến đại diện cho thế giới. Facebook và Google đã không che giấu sự thật là họ biết rằng con mắt của thế giới đang đổ dồn vào Australia”.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Nói về đạo luật trên của Australia, Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định: Sự kiện này đã gây được tiếng vang rất lớn, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc đấu tranh chống lại “quyền lực” và sự “bành chướng” ngày càng lớn của các hãng công nghệ xuyên quốc gia, nhận được chú ý rất lớn cộng đồng quốc tế.

Phần lớn Chính phủ các quốc gia trên thế giới đều bày tỏ sự đồng thuận, ủng hộ rất cao với Luật của Australia và có một xu hướng rất rõ ràng là trong thời gian tới có nhiều nước khác sẽ noi gương của Australia, đưa ra các quy định tương tự, nhằm bảo vệ các hãng truyền thông, báo chí của nước mình. 

Tại Việt Nam, trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông, báo chí của Việt Nam sẽ không thể “ngồi im” mà cần phải có những hành động thích hợp, để đảm bảo quyền lợi cho ngành truyền thông, báo chí trong nước, đây là đòi hỏi mang tính tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Tuy nhiên, việc đấu tranh đòi quyền lợi, buộc các hãng công nghệ như Facebook hay Google phải chia sẻ lợi nhuận là vấn đề không đơn giản, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là vấn đề tương quan lợi ích giữa các bên, tầm quan trọng của thị trường từng quốc gia. “Chúng ta có thể nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm của Australia và các quốc gia khác nhưng không thể dập khuôn máy móc mà phải có những giải pháp và phương án giải quyết của riêng mình”, Luật sư Hùng cho hay.

Với những ưu thế vượt trội của các “đại gia công nghệ toàn cầu” như Facebook hoặc Google thì việc thương lượng đơn lẻ của từng cơ quan truyền thông, báo chí sẽ không đảm bảo sựcân bằng trong khả năng đàm phán, dễ dẫn đến những thua thiệt về lợi ích, thậm chí là thất bại trong đàm phán. Vì thế, các cơ quan truyền thông, báo chí của Việt Nam rất cần liên kết, liên minh lại với nhau, tạo ra cơ chế thương lượng tập thể, với sự hậu thuẫn, trợ giúp của các cơ quan chức năng, cũng như sự bảo vệ của các quy định pháp lý thì mới có thể đạt được những kết quả mang tính tích cực và công bằng.

Luật sư Hùng chỉ rõ, không phải là pháp luật nước ta không có quy định về việc chi trả tiền bản quyền tin tức, bài báo. Cụ thể, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì tác phẩm báo chí là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Và theo khoản 3, Điều 20: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.”

Theo khoản 1 Điều 20 thì trong các quyền tài sản có bao gồm quyền: truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; và quyền tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử.

Tuy nhiên, các quy định trên chưa thể cáo buộc về việc xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm của các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm bởi lẽ việc chỉ trích dẫn một phần, tóm tắt nội dung tin tức hay dẫn lại tiêu đề bài báo lại không đủ yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định pháp luật, mặc dù họ có khai thác chúng để kiếm lợi cho mình. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải có biện pháp lập pháp, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tham khảo Luật của Australia và thực tiễn thi hành để rút kinh nghiệm cũng như tăng cường các biện pháp kiểm soát, quản lý các mạng xã hội tại Việt Nam đúng theo tinh thần của Luật An ninh mạng đã có hiệu lực. 

“Tôi tin rằng, khi các nước trên trên thế giới đều nhìn nhận ra vấn đề và đồng lòng thực hiện, thậm chí có những điều ước quốc tế, khi đó sẽ có đủ sức ép để đưa cán cân thông tin, tri thức về điểm cân bằng”, Luật sư Hùng bày tỏ.

Đọc thêm