Ngày 12/10, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn yêu cầu thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý hiện tượng cá chết bất thường ở Hồ Tây.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao UBND các quận Tây Hồ, Ba Đình tuyên truyền vận động nhân dân thuộc khu vực xung quanh Hồ Tây thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh, làm sạch môi trường ở các khu dân cư sau sự cố cá chết tại Hồ Tây, nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm.
Chỉ đạo các công ty quản lý hồ trên địa bàn quận (Ban Quản lý Hồ Tây, Công ty TNHH MTV Hồ Tây...) tiếp tục thực hiện công tác làm sạch mặt hồ, đảm bảo không còn rác thải, xác cá chết, sớm trả lại môi trường nước sạch cho Hồ Tây.
|
Lực lượng thu gom cá chết Hồ Tây. |
Chỉ đạo các đơn vị chức năng của quận thường xuyên kiểm tra việc xả thải đối với các nhà hàng, khách sạn, các nhà nổi khu vực Hồ Tây, xử lý theo quy định của pháp luật những vi phạm (nếu có). Trường hợp phát hiện những bất thường hoặc các vi phạm vượt quá thẩm quyền, có văn bản báo cáo UBND thành phố.
Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (đơn vị thu gom vận chuyển toàn bộ số cá chết đưa lên bãi rác Nam Sơn để chôn lấp) tổ chức kiểm tra xử lý triệt để ảnh hưởng của cá chết đối với môi trường khu vực chôn lấp, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo phun thuốc phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường các khu vực bị ảnh hưởng và khu vực dân cư xung quanh Hồ Tây.
UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Cảnh sát môi trường và cơ quan giám định tiến hành lấy mẫu nước, sớm xác định nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây.
Hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hồ Tây bắt đầu từ ngày 1/10. Thống kê ban đầu, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, tại 24 cửa xả xuống Hồ Tây với khoảng 200 tấn cá chết đã được thu gom, xử lý. Kết quả kiểm tra nhanh với các mẫu nước cho thấy “toàn bộ nước mặt Hồ Tây không có oxy”.