Văn hóa đó thể hiện ở sự kính yêu, nghiêm cẩn, thận trọng khi đến hành hương, chiêm ngưỡng và giữ gìn, tu bổ đến sử dụng hình ảnh để quảng bá vẻ đẹp của đất nước, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều sự tình không hay lại rộ lên một loạt các hành vi được cho là xâm hại hình ảnh di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, danh nhân lịch sử trong các hoạt động quảng cáo, thương mại.
Tất cả khi bị chất vấn đều có chung một câu lý giải là vì yêu di sản văn hóa và muốn nó được nổi tiếng hơn, nhiều người biết đến hơn. Tuy nhiên, ẩn sau lý do “vì yêu” đó chính là một cách sử dụng các địa chỉ văn hóa, nơi lễ hội để tiếp thị sản phẩm một cách tinh vi khéo léo hơn là làm những vật phẩm to lớn đạt mức kỷ lục dưới danh nghĩa dâng tiến. Không gì khác đó chỉ là mục đích thương mại mà thôi!
Hiện tượng xây dựng những điểm dừng chân, thang máy hoặc cáp treo, làm đường sá, cầu cống trong khu vực du lịch là hành vi trực tiếp xâm hại đến di tích hoặc thiên nhiên cũng bị dư luận phê phán và biểu lộ thái độ không đồng tình.
Thực chất, đây cũng là hình thức lợi dụng để kinh doanh nhằm mục đích thương mại chứ đâu phải vì du khách hoặc thu hút du lịch. Vì thế, dễ hiểu tại sao điểm dừng chân Panorama trên đỉnh Mã Pí Lèng lại bị dư luận phản ứng dữ dội đến vậy.
Đó là sự vụ lợi khó có thể chấp nhận đối với việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị của tự nhiên. Từ thái độ của công chúng đối với công trình này, có thể thấy việc dân chúng không đồng tình với các hoạt động mang tính kinh doanh, thương mại ở trong các khu du lịch văn hóa hay tâm linh, tại các di tích lịch sử hay tự nhiên tạo lập dưới bất cứ hình thức nào. Đó không chỉ là sự xâm hại di tích mà còn xâm phạm đến thái độ trân trọng, ý thức văn hóa của mỗi người dân hay du khách.
Cũng không thể nói rằng không thể lồng các di sản văn hóa của Việt Nam vào các sản phẩm quảng cáo, thương mại. Thực tế đã chứng minh có những doanh nghiệp làm được điều đó và tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội.
Chẳng hạn như quảng cáo sản phẩm dầu ăn với hình ảnh cả gia đình, bố mẹ, con cái cùng mặc áo dài truyền thống, quây quần bên nhau trong ngày Tết…, rất ý nghĩa, vừa tôn vinh các biểu tượng sinh hoạt văn hóa lễ nghĩa trong gia đình, vừa nâng được giá trị của sản phẩm quảng cáo.
Như vậy, tất cả chỉ khác nhau ở tư duy và cái tâm thực hiện mà thôi. Quảng bá hình ảnh đất nước trên sản phẩm của mình là đáng hoan nghênh nhưng sử dụng hình ảnh đó để kinh doanh, tiếp thị với mục đích thương mại quá lố, quá đà và không đếm xỉa gì đến pháp luật cũng như cảm xúc của cộng đồng thì tất yếu vấp phải sự phản ứng của dư luận, thậm chí đến mức kêu gọi tẩy chay thương hiệu đó. Thế nhưng, vì sao cái lý do “vì yêu” đó cứ mãi được doanh nghiệp sử dụng và các nhà quản lý văn hóa bỏ qua?