Yêu thương là cội nguồn bình an trong mỗi nếp nhà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bản tin cập nhật về tình hình dịch bệnh vẫn đang tiếp tục xuất hiện trên các phương tiện nghe - nhìn vào những ngày này. Trong gia đình, cuộc sống của mỗi người cũng vì thế xáo trộn ít nhiều. Thu nhập ít đi, thời gian chạm mặt nhau nhiều hơn, xung đột giữa chồng và vợ, giữa cha mẹ và con cái, việc nhà không phân chia công bằng… đã dẫn tới nhiều cuộc hôn nhân ở bờ tan vỡ. Nhưng hãy biết rằng, chỉ có ở bên nhau, cùng nhau, con người mới có thể vượt qua nghịch cảnh.
Yêu thương là yếu tố quyết định trong mỗi gia đình.
Yêu thương là yếu tố quyết định trong mỗi gia đình.

Chuyện gia đình thời đại dịch

Cả một thời gian dài bị giam trong nhà vì dịch COVID-19, đứa trẻ nào cũng thấy bứt rứt, cuồng chân. Một cậu bé tầm tuổi mẫu giáo đã khiến dân mạng và hàng xóm cười sảng khoái mặc dù cậu đang rất bực bội.

Ngày nào cũng chơi trong nhà, cuối cùng cũng hết trò, cậu bé ra đứng cửa sổ ngóng người qua lại. Nhưng đang lúc dịch nên cũng chẳng có mấy ai đi qua. Chán quá, cậu bé hét to qua cửa sổ: “Có ai muốn đi công viên chơi không?”. Điều đáng nói là chỉ sau chưa đầy 5 giây khi cậu bé thét lên, xung quanh nhà cậu là những câu đáp lại của hàng xóm: “Không, không, đừng ra ngoài”!

Cuối cùng, để con trai đỡ buồn chán, bố cậu bé phải tình nguyện làm xe bập bênh, cho con cưỡi lên người chơi. Cậu bé rất thích thú với trò mới này nên đã tạm quên nỗi bức bối vì không được ra khỏi nhà nữa.

Câu chuyện của cậu bé trên cũng là câu chuyện của nhiều đứa trẻ hiện nay khi trên phương tiện nghe – nhìn các bản tin về COVICD-19 vẫn liên tục được cập nhật và các yêu cầu thực hiện “5K”, hạn chế ra khỏi nhà thường xuyên được nhắc đi nhắc lại tới mỗi người dân.

Ảnh hưởng rõ ràng nhất của dịch bệnh chính là sự suy giảm, thậm chí mất nguồn thu nhập khiến không ít gia đình lao đao trước sự đình trệ của hoạt động kinh doanh, sản xuất. Nguồn thu cứ mỗi ngày một thắt lại nhanh chóng, trong khi nhu cầu sinh hoạt không thể giảm đi ngay lập tức. Tình trạng tài chính bất ổn nhanh chóng kéo theo trạng thái tâm lý bất an, khởi đầu của loạt trận cãi vã, xung đột chẳng mấy dễ chịu giữa những người lớn trong nhà.

Về phần mình, trẻ em cũng buộc phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình. Do phải xa trường lớp, thầy cô, bạn bè nên các em dành toàn bộ thời gian bên màn hình máy tính, điện thoại, tivi. Từ việc học tập cho đến vui chơi và giải trí đều phụ thuộc vào thế giới ảo, khiến đứa trẻ từ hoạt bát dần biến đổi, trở nên ít muốn giao tiếp trong đời thực và rất dễ cáu gắt. Giờ giấc sinh hoạt cũng đảo lộn, khiến sức khỏe suy giảm đáng kể, hậu quả là không ít trẻ em trở nên thừa cân, uể oải. Cùng lúc ấy, các em dễ trở thành đối tượng để người lớn giải tỏa căng thẳng do dồn nén cảm xúc…

Cảnh báo về sự gia tăng đột biến số vụ việc bạo lực gia đình đang được nhiều quốc gia trên thế giới đưa ra trong đợi dịch bệnh này. Còn tại Việt Nam, dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), tính chất cuộc gọi đến các đường dây nóng của Trung tâm đề nghị hỗ trợ trong thời gian cách ly xã hội có đặc thù riêng, nhiều trường hợp dễ bị bạo lực hơn nhưng lại khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ từ bên ngoài.

Đại diện Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các Sở, Trung tâm công tác xã hội, bảo trợ xã hội các địa phương đảm bảo công tác ứng trực đường dây nóng 24/7 tiếp nhận các vụ việc để xử lý kịp thời; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân; thông tin về các dịch vụ của trung tâm trong phòng chống bạo lực gia đình.

Bên nhau vượt qua đại dịch

Như thường lệ, lời khuyên của các chuyên gia cho những lúc như thế này sẽ là: “Mỗi thành viên cần lắng nghe, quan tâm, đồng cảm với nhau nhiều hơn. Ngoài những giờ học tập, làm việc chúng ta nên dành thời gian cho nhau nhiều hơn thay vì mỗi người ôm một chiếc điện thoại lặng lẽ mỗi góc. Cha mẹ đừng quên hỏi han con cái nhiều hơn, con cái cũng đừng quên tâm sự với đấng sinh thành nhiều hơn.

Ngoài ra, việc các thành viên giúp đỡ lẫn nhau xây dựng thời khóa biểu sinh hoạt đúng đắn cũng rất quan trọng. Bởi thời gian trống nhiều hơn cộng thêm tâm lý căng thẳng dễ khiến nền nếp bị buông lơi: ăn uống quá độ, lạm dụng bia rượu, thức khuya, bỏ thói quen tập thể dục…”. Nhưng ở mỗi gia đình, lời khuyên ấy sẽ được thực hành theo nhiều cách khác nhau.

NSND Trung Anh, người được mệnh danh là “ông bố quốc dân” trong bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” chia sẻ với truyền thông cho biết: “Dịch COVID-19 đã làm xáo trộn tất cả mọi sinh hoạt của cá nhân tôi. Mọi sinh hoạt bên ngoài như đi làm, đi dạy, đi đóng phim và cả những thói quen cà phê gặp gỡ bạn bè gần như dừng lại hết. Tôi có nhiều thời gian hơn dành cho vợ, con. Nói thực là trước đây tôi rất ít chia sẻ với những công việc ở nhà. Giờ mới thấy là vợ vô cùng vất vả khi quán xuyến công việc gia đình và cả bán hàng nữa. Tôi đã học cách giúp vợ những công việc mà trước đây chưa từng làm. Thấu hiểu hơn những vất vả của người phụ nữ trong gia đình”.

Vợ chồng NSƯT Thu Huyền - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội và NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho biết, họ đều theo dõi tin tức thời sự để cập nhật những ca nhiễm COVID-19 mới xuất hiện trong cộng đồng. Bởi lẽ, cả hai nhà hát mà họ đang làm công tác quản lý đều vô cùng khó khăn trong hoạt động tổ chức biểu diễn, phấp phỏng, lo lắng khi diễn biến của dịch bệnh phức tạp hơn, đồng nghĩa với việc các nhà hát sẽ phải đóng cửa, không có doanh thu, nghệ sĩ không có thu nhập.

“Khi ở nhà mới thấy còn bận hơn cả đi diễn vì phải lo “ứng phó” với hai con trai, một cháu 16 tuổi, một cháu 11 tuổi. Các cháu đang ở độ tuổi được gọi là ẩm ương và rất cần sự sát sao, gần gũi của bố mẹ. Vợ chồng tôi đã dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện và tìm hiểu những suy nghĩ của con cái. Qua đó tình cảm giữa các con và bố mẹ cũng gắn bó hơn” - NSƯT Thu Huyền chia sẻ…

Yêu thương là cội nguồn

Đó là thông điệp được nhấn mạnh tại Tọa đàm “Gia đình Việt – Giữ lửa yêu thương, cùng vượt qua đại dịch Covid-19” trong khuôn khổ Ngày hội Gia đình yêu thương do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia và nghệ sỹ nổi tiếng.

Ngày hội Gia đình yêu thương do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Ngày hội Gia đình yêu thương do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Nhắc đến những mâm cơm thiếu vắng thành viên vì con cái phải gửi tứ tán về quê tránh dịch, mâm cơm thiếu vắng chất dinh dưỡng vì thu nhập giảm do phải nghỉ việc để giãn cách xã hội, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) rưng rưng: “Dịch bệnh làm cho hầu hết đời sống các gia đình bị đảo lộn. Việc sản xuất bị đình trệ, trẻ con không đi học, người lớn không đi làm, thời gian rảnh rỗi kéo dài, nhịp sống bị chậm lại một cách đột ngột không dễ gì thích ứng ngay được. Trong khi thu nhập giảm sút thì chi phí sinh hoạt cho cả gia đình vẫn vậy, thậm chí còn tăng lên. Tất cả thành viên trong gia đình đều phải chịu áp lực tâm lý. Hãy thử một lần đặt mình vào hoàn cảnh đó để hình dung về những khó khăn mà các gia đình công nhân gặp phải…”.

Theo ông Hoa Hữu Vân, bên cạnh sự hỗ trợ đến từ Nhà nước, xã hội thì bản thân mỗi gia đình cần có cách để vượt qua khó khăn này. Và “bí kíp” chính là câu trả lời cho câu hỏi “Điều gì làm nên hạnh phúc gia đình?”. Đó chính là tình yêu thương và trân trọng. Bên cạnh đó kỹ năng sống cũng rất quan trọng để giúp các gia đình hiểu và theo đuổi được mục tiêu của mình.

Tham gia Tọa đàm, TS. Phạm Văn Đếm, bác sỹ Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai kể lại câu chuyện vào thời khắc tạm biệt năm cũ, bước sang năm mới 2021, anh đã cùng các bác sỹ đồng nghiệp về hỗ trợ cho Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương. Đi vào tâm dịch đúng dịp Tết, tâm lý mọi người ai cũng lo lắng, nhưng chính gia đình là nguồn động viên, khích lệ tinh thần để họ quyết tâm và có tinh thần lạc quan hơn.

“Ngành Y là một trong những ngành vất vả nhất vì thường xuyên phải xa nhà đi công tác, trực đêm. Thế nên có được sự chia sẻ và thông cảm gia đình là rất quan trọng. Và cũng hiểu đây là sự thiệt thòi rất lớn với bạn đời của mình. Sau giờ trực, tôi nghĩ cách bù đắp lại cho vợ như sẵn sàng đi chợ, nấu cơm, rửa bát, đón con, đưa vợ con đi chơi để tăng sự gắn kết… Đôi khi chúng ta chủ quan coi đó là vợ chồng mình nên không phải chăm sóc, lo lắng nữa. Nhưng chính suy nghĩ này sẽ khiến một ngày nào đó ngọn lửa tình yêu sẽ dần dần lụi tắt” – bác sĩ Đếm chia sẻ...

Đọc thêm