Một bà mẹ giấu tên chia sẻ với phóng viên, nhà ở chung cư, chị rất bực mình khi bác hàng xóm cứ thấy cậu con trai 4 tuổi của chị là ôm lấy và vạch quần đứa trẻ ra xem với câu nựng: “Cho bà xem quả ớt em cu thế nào?”. Rất khó chịu, nhưng bà mẹ này thừa nhận rất ngại lên tiếng, phản ứng trước các hành vi này vì bác hàng xóm là người quen thân.
“Tôi biết bác hàng xóm làm thế như thói quen và không có ý xấu. Ngay bà ngoại cháu, cũng đôi lần làm thế với cháu khiến tôi khó xử giữa việc bảo vệ con và làm mất lòng người khác nếu lên tiếng”, người mẹ cho biết.
Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến (Bệnh viện Thủ Đức), nhiều trẻ bị dâm ô từ bé bằng những hành động cưng nựng, vuốt ve, hôn hít của người lớn bắt đầu từ văn hóa cho cô/chú xem cái “quả ớt, con ti” rồi bình phẩm. Trong khi đây là những điều cấm kị, không bao giờ được sờ hay nói về bộ phận sinh dục của đứa trẻ. Khi mọi người đụng chạm thường xuyên, dễ dàng thì đây đã không còn là vùng kín, vùng riêng tư, vùng “cấm địa” trong chính nhận thức của con trẻ.
Nếu bố mẹ cho phép người khác làm điều đó với con mình ngay từ nhỏ thì đứa trẻ dần mặc nhiên cho rằng đó là điều bình thường. Thế nên, trước những hành vi này, theo bà Yến bố mẹ phải dứt khoát thể hiện thái độ “không được phép” với người đối diện và với cả con mình, phụ huynh không nên sợ mất mặt để con an toàn trong cộng đồng.
Theo chuyên gia tâm lý, giáo dục Phạm Thị Thúy, sai lầm cha mẹ mắc phải là thường dạy con đề phòng người lạ chứ không nói đến người quen. Trong khi thực tế, trên toàn thế giới đã thống kê, 93% các vụ xâm hại trẻ em là người quen.
Trong đó, 47% là người rất thân với trẻ. Nhiều cha mẹ đôi khi lại cứ bắt con theo phép lịch sự gặp người quen phải chào, sau đó, người quen muốn ôm đứa trẻ, nếu đứa trẻ đẩy ra, không thích thì cha mẹ lại khó chịu với nó, lại nhắc con là không được bất lịch sự như thế. Cách cư xử này của cha mẹ là không nên. Bởi đứa trẻ có quyền tiếp nhận hành vi yêu thương của ai và có quyền từ chối hành vi đó nếu trẻ không muốn. Người lớn phải có trách nhiệm tôn trọng cảm xúc của trẻ, chứ đừng vì sĩ diện hão mà bắt trẻ phải để người khác ôm ấp. Bởi từ cưng nựng dẫn đến xâm hại trẻ quá gần.
Cũng theo chuyên gia tâm lý, giáo dục Phạm Thị Thúy, đôi khi là người thân, họ hàng… cứ lấy lý do cưng nựng để đụng vào vùng riêng tư của trẻ. Khi trẻ nói thì bố mẹ không tin, không xử lý và coi như chuyện bình thường, họ tưởng trẻ sẽ quên ngay thôi. Nhưng họ không biết rằng nạn nhân sẽ nhớ suốt đời. Đó là cái cảm giác rất kinh khủng trong tâm lý và mang theo cả vết nhơ trên thân thể. Vì vậy, muốn bảo vệ trẻ, người lớn hãy sửa hành vi từ hôm nay.
Như vậy, có thể nói cốt lõi nhất trong việc phòng chống dâm ô trẻ em chính các bậc cha mẹ phải mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ con và giáo dục để trẻ em hiểu, cơ thể là của các em, không ai được chạm vào khi chưa được phép. Từ rào chắn này, trẻ em sẽ dần hình thành ý thức, nhận diện hành vi xâm hại.