“Có gì phải to chuyện thế”?
Biết con gái em đang học lớp 5 có “bạn trai”, em bị chấn động. Em cố tỏ ra vui vẻ hỏi xem con với bạn trai thế nào thì con trả lời: Hai đứa con nắm tay nhau, khoác vai nhau. Con không lúc nào rời điện thoại, cứ rảnh là nhắn tin cho “bạn trai”, kể cả đêm muộn. Con em có vẻ lớn trước tuổi, đã có kinh nguyệt khiến em lo lắng vô cùng. Em phải làm gì để ứng phó với con”?
Chị Phan Hương Lan, Trung tâm nghiên cứu Quyền trẻ em đã chia sẻ nhiều câu chuyện thật… ngoài sức tưởng tượng của phụ huynh… Tôi còn nhớ cô bạn tôi kể một tình huống mà hai vợ chồng dở khóc dở cười. Tối hôm đó trong khi bố đang tắm, cô con gái 3 tuổi đạp cửa xông vào ngắm ông bố miệng đang huýt sáo, trên người không một mảnh vải che thân. Quá bất ngờ, ông bố chỉ kịp lấy tay che thân dưới và hét lên ầm ĩ. Mẹ cô bé lao tới giật mạnh cánh tay con lôi ra ngoài miệng không ngớt quát tháo và tiện tay phát cho cô con gái 2 cái vào mông khiến cô bé khóc oà nức nở!
Mấy hôm sau, cô bé thì thầm với mẹ trong lúc hai mẹ con ôm nhau trước khi đi ngủ: “Hôm ấy con chỉ muốn xem của bố có khác với anh Ớt không thôi, chứ con không hư”… Trẻ giai đoạn 2-3 tuổi là giai đoạn khám phá bản thân. Hành vi ấy sẽ tự nhiên mất dần đi khi chúng lên 4 hoặc 5 tuổi. Một đứa trẻ 5- 6 tuổi mà đột nhiên quan tâm đến bộ phận sinh dục của người khác hoặc bản thân chúng thì bố mẹ cần đặt câu hỏi: Con mình có bị xâm hại tình dục không?
Ngày xưa thế hệ 8x trở về trước, tuổi dậy thì rơi vào khoảng 14, 15 tuổi. Thậm chí có người lên lớp 11 rồi mới có kinh nguyệt. Ngày nay, nhiều trẻ lớp 4 đã dậy thì. Một thời gian không lâu trước, một phụ huynh gửi tôi 1 đoạn chát sex dài của cô con gái 13 tuổi với bạn trai 19 tuổi. Trong đó có những hình ảnh nhạy cảm: hở ngực, hở cả bộ phận sinh dục... rồi khóc. Chị ấy bảo: “Tôi nói chuyện với nó, nó bảo có gì phải làm to chuyện thế? Giờ tuổi nó chuyện ấy đâu phải lạ. Tụi con trai xem sex trong lớp đầy ra đấy, rủ nhau vào nhà nghỉ đầy ra đấy, mẹ quen đi”!...
Một bạn phụ huynh cũng kể: Con trai lớp 8 yêu một bạn gái. Từ ngày yêu nó đi đêm về hôm, cứ ở lì bên nhà bạn gái ấy không về. Nói chuyện với bố mẹ bạn gái thì họ ừ ào rồi đâu đóng đấy vì còn mải làm ăn. Hàng ngày cả 2 vợ chồng họ đi từ 4, 5 giờ sáng đến tối khuya mới về...
Một cô giáo tiểu học kể chuyện. Chiều hôm đó hết giờ làm cô đi về gần đến nhà thì bị thầy Hiệu trưởng gọi quay lại trường gấp với nội dung: có hai học sinh một nam, một nữ vào nhà vệ sinh làm chuyện người lớn. Bác lao công dọn dẹp xong bỏ quên đồ dùng quay lại lấy thì phát hiện hai đứa đang “mò mẫm” nhau trong đó. Bạn gái mới học lớp 5 thôi đấy nhé, còn bạn trai học lớp 9 trường THCS cách nhau 1 bờ tường!
Không ít phụ huynh la lối: Tại sao tôi đưa nó đi học cả 2 chiều mà nó vẫn dính bầu? Nhưng thực tế, các mẹ lo nó yêu đương, lo nó mang bầu nhưng không dạy nó làm thế nào để không mang bầu quả thực là một sự tréo ngoe đến mệt mỏi. Tư tưởng: vẽ đường cho huơu chạy vẫn phổ biến ở năm 2019. Tôi đi dạy sức khỏe sinh sản tại một số trường THPT và THCS, khi sắp dạy các thầy cô Hiệu trưởng và Chủ nhiệm níu tay dặn dò: “Cô dạy nhẹ nhàng thôi nhé, học sinh trường em ngoan lắm, còn trong sáng lắm”!
Rồi có trường còn đề nghị: cô tách nam nữ ra dạy riêng từng giới tính nhé, cô đừng dạy chung vì tụi chúng nó vẫn còn ngây thơ lắm! Rồi nhiều phụ huynh cho rằng học sinh cấp 2 vẫn còn ở độ tuổi nhạy cảm lắm chưa nên dạy về tình dục và tình dục an toàn…
Kể những câu chuyện trên, chị Lan Hương muốn nhắn nhủ phụ huynh cần làm quen với việc con dậy thì sớm, rất có thể yêu sớm. Phòng còn hơn tránh là như vậy. Phụ huynh cũng đừng ngạc nhiên khi biết chúng làm chuyện phòng the ở độ tuổi vị thành niên. Đừng đem chuẩn mực của 20 năm về trước để dạy chúng. Và đừng đem những chuẩn mực đó để nhìn nhận chúng! Cần quan tâm thật lòng đến chúng nó nhiều hơn. Hãy có không gian chung với chúng nó ở một vài lĩnh vực nào đó, có cái gì chung cũng dễ gần gũi với nhau hơn. Thực tế, có nhiều em học giỏi vẫn “đóng phim” sex với bạn trai. Xấu là ta không biết cách dạy chúng ứng xử như thế nào cho đẹp mà thôi…
Và “Phòng chát thứ N”
Vừa qua, truyền thông Hàn Quốc lao đao vì bê bối tình dục kinh hoàng mang tên “Phòng chat thứ N”, liên quan đến 260.000 nam giới Hàn Quốc và 74 nạn nhân theo số liệu thống kê hiện tại. Thậm chí, một số nạn nhân là nữ sinh cấp 2, cấp 3 bị quay video, hoặc livestream lúc bị cưỡng bức, bạo lực tình dục để bán trên nền tảng Telegram.
Nhưng điều khiến tôi rùng mình nhất khi nhắc đến chuyện này không phải là thủ đoạn ghê tởm của tên cầm đầu. Hay nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần mà những người phụ nữ đang phải chịu đựng. Điều khiến tôi ghê sợ nhất là ngay bên dưới vẫn còn những bình luận như thế này: “Ai bảo mấy đứa con gái cứ thích mặc váy ngắn”; “Ai bảo không biết bảo vệ bản thân”; “Ai bảo dễ bị lừa”; “Ham muốn của đàn ông là thứ không thể kiểm soát được”…
Đến bao giờ những người phụ nữ đáng thương ấy mới được nhìn nhận đúng với vị trí là nạn nhân? Bao giờ họ mới thôi bị đổ lỗi, chỉ vì họ muốn chiều chuộng và yêu lấy chính mình? Rằng hôm nay được mặc chiếc váy họ yêu, làm những việc họ thích, chẳng làm hại đến ai mà không phải sợ hãi trước những cái nhìn “tình dục hoá”... Đến bao giờ, song song với việc nhắc nhở những cô bé gái phải tự biết bảo vệ bản thân, che chắn cẩn thận, người ta cũng ý thức được việc phải giáo dục cho các bé trai biết tôn trọng người khác, đặc biệt là phụ nữ. Rằng, phụ nữ không phải là thứ “đồ chơi” khiếm nhã…
Thật khó để thay đổi được những thứ đã in sâu trong tiềm thức. Tên đầu sỏ vụ việc “Phòng chat thứ N” rồi sẽ phải chịu hình phạt thích đáng cho hành vi của hắn, giải thoát cho những nạn nhân thoát khỏi cảnh khốn cùng. Nhưng đâu đó ngoài kia còn biết bao nhiêu cô gái đang bị tấn công tình dục, bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần? Thậm chí là bị trở thành nô lệ tình dục nhưng phải chấp nhận chịu đựng, im lặng và không dám nói với ai về những thứ ghê tởm. Mong sao ánh sáng công lý có thể tìm thấy họ, chiếu rọi và sưởi ấm cho cuộc đời của họ. Và khi đã có cơ hội để trở về, họ sẽ được bao bọc bởi tình yêu thương, sự bao dung và lòng thương cảm của tất cả mọi người.
Và nữa, trong mùa đại dịch, một vấn nạn bỗng chốc rầm rộ thời gian gần đây là việc các em nhỏ chia sẻ thông tin các phòng học trực tuyến như Zoom... lên các mạng xã hội để những thành viên bên ngoài vào “phá đám” phòng học. Nhiều người cho rằng, đó là những “Zombie” - cụm từ này ở trong các phim bom tấn chỉ các xác sống, vốn chứa trong mình bệnh tật, các xác sống này truyền bệnh cho những cá nhân khác thông qua việc cắn những người bình thường. Ở đây, các “Zombie” tràn vào các phòng học trực tuyến, nói tục chửi bậy, chia sẻ hình ảnh của các “giang hồ mạng”, thậm chí cả những đoạn phim nóng vượt ngoài độ tuổi.
Ở những nơi này, các cá nhân có thể ẩn danh và làm bất cứ những gì họ thích, trong đó có cả việc phá đám, làm tổn hại danh dự, quyền lợi của người khác. Điều đáng tiếc thay, những cá nhân ấy phần lớn lại là những đứa trẻ nhỏ, chúng có thể đóng một lúc nhiều vai trò, vừa là kẻ bị hại, vừa là kẻ muốn bị hại và vừa là kẻ đi hại người khác.
Có thể nói, phía sau các phim bom tấn, các đại dịch “Zombie” lan ra rất nhanh và khó kiểm soát thì đại dịch “Zombie” trên các ứng dụng học trực tuyến cũng như vậy. Trong World War Z, các xác sống không tấn công những người mang dịch bệnh. Trong Kingdom, các xác sống lại sợ nhiệt độ cao. Còn trong trong các ứng dụng học trực tuyến, các “xác sống” ấy lại không sợ điều gì cả, thay vì thèm máu thịt thì họ lại lấy niềm vui, sợ bực bội, phấn khích của người khác làm “nguồn sống”. Những Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng và những “giang hồ mạng” liệu có phải chỉ dừng lại một trò đùa vui hay đã trở thành những luồng “tư tưởng” độc hại, lệch lạc gây ảnh hưởng xấu xí đến những thanh thiếu niên trẻ tuổi?
Sự lệch lạc ấy ảnh hưởng tới không ít người trẻ. Có một hotgirl Tiktok phát biểu thế này: “Thà học ngu mà kiếm được tiền còn hơn 25 -30 điểm đại học mà không kiếm được tiền”! Hay như vợ của một streamer rất có tiếng đã nói: “Học ngu mà kiếm nhiều tiền còn hơn học giỏi mà không kiếm được tiền. Xã hội bây giờ chỉ cần tiền thôi, các bạn hiểu hông”?... Tiếc thay, những lối sống ấy, từ những “Zombie” ảo lại đang được không ít bạn trẻ xem là “chất”, là lý tưởng…
Và hơn bao giờ hết, giữa lối sống ảo và thực hỗn tạp, gia đình sẽ luôn là nơi ấm áp, định hướng để trẻ biết những giá trị, đúng sai, phải trái… Chỉ khi ấy, khi bọn trẻ không đơn độc ( không bị áp đặt thái quá, không buồn bã, tổn thương, luôn được thấu hiểu…) thì chúng sẽ “miễn dịch” với những lạc lối không đáng có…