Kỳ 2: Nữ sinh lập bang phái, đánh nhau như phim chưởng

(PLO) -Thay vì chăm chỉ học hành, phụ giúp cha mẹ công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi của mình, những nữ sinh ấy lại lập bang phái, chia bè nhóm để “trị” những kẻ mình "ngứa mắt". Thậm chí những nữ sinh này còn "kéo quân" sang trường học của tỉnh khác để đánh nhau…
Nữ sinh đánh nhau như phim trưởng.
Nữ sinh đánh nhau như phim trưởng.
Trong bài con đường hoàn lương của những đứa trẻ “đi học” trường giáo dưỡng, chúng tôi đã đề cập đến việc thiếu đi bàn tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ, những em học sinh ngoan ngoãn ngày nào bị bạn xấu dự dỗ, lôi kéo vào con đường vi phạm pháp luật. Trượt dài trên con đường lầm lỗi ấy, các em phải rời xa gia đình vào trường giáo dưỡng để được giáo dục thành người lương thiện…
Nguyễn Vân Anh (Hải Phòng) có gương mặt hiền lành, xinh xắn nhưng cô bé bị bắt buộc vào trường Giáo dưỡng vì tội gây rối trật tự công cộng. Theo lời kể của Vân Anh, khi bước sang cấp hai, cô bé trở nên xinh đẹp lạ thường. Thấy đứa học sinh nhà nghèo lại xinh đẹp được các anh lớp trên mến mộ, cô bé bị các chị lớp trên bắt nạt. Để khỏi bị đánh, Vân Anh gia nhập "bang phái" tập hợp những học sinh bất hảo trong trường. Từ khi gia nhập nhóm, cô bé thay đổi hẳn tính nết cũng như cách ăn mặc của bản thân.
Vân Anh thích cùng các anh chị trong nhóm đến những địa điểm ăn chơi hơn là đến trường. Nhà nghèo, không có tiền đua đòi, Vân Anh về nhà lấy trộm tiền của bố, bà nội. Đến khi không trộm được của gia đình, Vân Anh cùng các thành viên trong nhóm đi trộm cắp. “Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, nhóm của Vân Anh bị bắt, cô bé bị chính quyền địa phương bắt vào trường giáo dưỡng.

Vân Anh sẵn sàng đánh bạn khi thấy ngứa mắt.Ảnh minh họa.
 Vân Anh sẵn sàng đánh bạn khi thấy ngứa mắt.Ảnh minh họa.

Đến nay Vân Anh đã vào trường được 10 tháng. Tiếp lời Vân Anh chia sẻ, trước khi bị bắt phải vào trường, cô bé là một “đàn chị” có tiếng. Đang học lớp 7, Vân Anh mâu thuẫn với một nữ học sinh cùng tuổi theo học bên tỉnh Hải Dương. Sau giờ tan học, cô bé kéo cả nhóm sang đó “tính sổ”. Vừa nhìn thấy “kẻ thù”, cô bé hô đồng bọn lao vào đấm, đá, giật tóc, xé áo tới tấp. Cô bé kia cũng không phải vừa, vừa chống trả, vừa hô người ứng chiến. Hai bên đánh nhau ầm ĩ như phim trưởng. Lần đánh nhau ấy, Vân Anh bị chính quyền mời cha mẹ lên làm việc. Kể đến đây Vân Anh nói: “Đưa em về nhà, bố em cũng không nói gì. Thậm chí khi em lấy trộm tiền của bố nhiều lần bị bắt quả tang, bố em cũng không nói gì. Nếu bố mắng mỏ, chỉ cho em biết những sai lầm ấy, có lẽ em sẽ không như bây giờ”.

Cũng trong diễn đàn ấy, tôi có dịp trò chuyện với cô Nguyễn Kim Oanh, giáo viên chủ nhiệm đội 9 Học sinh nữ, trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình. Gần chục năm giảng dạy trong trường dành cho những trẻ em vi phạm pháp luật, cô Oanh gặp biết bao gương mặt nữ sinh ngây thơ, trong sáng nhưng vì thiếu sự giáo dục của gia đình, nhận thức còn hạn chế đã vi phạm pháp luật, phải vào trường giáo dưỡng để giáo dục lại. Trong những học sinh ấy, cô Oanh ấn tượng với một nữ sinh tên Trang (Hà Nam).

Cha mẹ vào miền Nam lập nghiệp, không thể cho Trang theo cùng, cô bé phải ở lại sống với người bà nội già cả. Mải mê với việc mưu sinh, cha mẹ Trang không có thời gian, tiền bạc để hỏi thăm Trang thường xuyên, đành phó mặc cô bé cho người bà nội. Không có cha mẹ ở bên, người bà nội lại tất bật với cuộc sống mưu sinh, để mặc cô bé sống thế nào thì sống.

Đang theo học cấp 2, Trang bị bạn bè xấu rủ rê, rơi vào con đường ăn chơi, lêu lổng. Để có tiền ăn chơi, Trang phải đi trộm cắp của mọi người. Nhiều lần trộm cắp bị bắt quả tang, Trang bị bà nội đuổi ra khỏi nhà, cô bé đi lamg thang. Để sống được qua ngày, Trang phải trộm cắp bất kể thứ gì có giá trị khi cô bé bất chợt gặp trên đường đi. Sau nhiều lần trộm cắp và sống lang thang như thế, cô bé bị bắt phải vào trường giáo dưỡng.

Cô Oanh nhấn mạnh: “Vào trường, điều tra lý lịch, chúng tôi mới biết cô bé có gia đình tử tế. Hơn nữa Trang lại là một đứa trẻ bản tính ngoan, hiền nhưng vì bị bạn xấu lôi kéo, không có người lớn ở bên bảo ban, dạy dỗ, cô bé mới bước chân vào con đường vi phạm pháp luật”.

Thực tế cho thấy, việc cha mẹ mải mê với cuộc sống mưu mà “quên” mất trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ và quản lý con cái khiến chúng vướng vào vòng lao lý là chủ yếu. Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm, chăm sóc đến nơi, đến chốn. Một nghiên cứu khác của Bộ Công an cũng chỉ ra, nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn; 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng được nhu cầu cơ bản của các em; 49% phàn nàn về cách đối xử của cha mẹ, đây là những con số nhức nhối đáng để cho chúng ta suy nghĩ.

Có thể nói, những trường hợp trẻ vị thành niên bị bắt buộc vào trường Giáo dưỡng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các bậc làm cha, làm mẹ về cách giáo dục, dạy dỗ, hướng dẫn các em thành người.
Còn nữa...                                         

Đọc thêm