Người tố cáo tham nhũng được pháp luật bảo vệ như thế nào?

(PLVN) - Thực tế, nhiều người biết rõ hành vi và sự việc tham nhũng nhưng không tố cáo vì e ngại bị đụng chạm, bị trả thù. Xin luật sư cho biết pháp luật có quy định về việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng như thế nào để người dân không cảm thấy đơn độc và bị cô lập trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng? (Bác Phạm Thoa và một số cán bộ hưu trí ở Hà Nội) 
Hình minh họa
Hình minh họa

Trả lời: Pháp luật hiện hành quy định rõ về cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng (bao gồm bảo vệ nhân thân người tố cáo tham nhũng và bảo vệ người thân, gia đình của người tố cáo). Theo khoản 3 Điều 30 Hiến pháp 2013: “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.

Luật Phòng chống tham nhũng cùng với việc quy định Bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng thì cũng quy định rõ việc khen thưởng người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng. 

Bên cạnh đó, Luật Tố cáo năm 2011 (từ Điều 34 đến Điều 39) đã quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm xâm phạm đến quyền của người tố cáo. 

Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng tiếp tục bổ sung một quy định về bảo vệ người tố cáo: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo”.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng dành hẳn một chương riêng (Chương 24) về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác.

Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm áp dụng biện pháp bảo vệ trong trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định được tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm. 

Đọc thêm