Quy định đối với công chức, viên chức về thời gian nghỉ phép?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Phạm Văn Sơn (Quảng Bình) hỏi: Xin hỏi, quy định đối với trường hợp công chức, viên chức khi hết thời gian nghỉ phép mà không quay lại làm việc?
Ảnh minh họa. (Nguồn: lsvn.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: lsvn.vn)

Luật sư Trần Thị Loan - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Tại Điều 13 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định về quyền của cán bộ, công chức về nghỉ ngơi như sau: Cán bộ, công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.

Bên cạnh đó, tại Điều 13 Luật Viên chức năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định quyền của viên chức về nghỉ ngơi. Cụ thể: Viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.

Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 2 năm để nghỉ một lần. Nếu gộp số ngày nghỉ phép của 3 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật. Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Có thể thấy, chế độ nghỉ ngơi của cán bộ, công chức, viên chức đều được quan tâm bảo đảm và điều chỉnh theo quy định của pháp luật về lao động.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức được bảo đảm thời gian nghỉ ngơi hưởng nguyên lương và nghỉ không lương theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong quan hệ lao động này, cán bộ, công chức, viên chức có thể thỏa thuận với lãnh đạo có thẩm quyền về việc xin nghỉ không lương.

Như vậy, khi hết thời gian nghỉ phép theo luật định, để được tiếp tục nghỉ không lương thì cán bộ, công chức, viên chức cần phải được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan. Bất cứ hành vi tự ý nghỉ việc không lương, không được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan mà không có lý do chính đáng đều là hành vi vi phạm nội quy, quy chế, kỷ luật lao động của cơ quan cũng như vi phạm nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Có thể gây ảnh hưởng xấu, làm gián đoạn hoạt động chức năng, nhiệm vụ cơ quan hành chính nhà nước trong hoạt động thi hành công vụ.

Đối với vi phạm này, Nghị định 112/2020/ NĐ-CP đã quy định các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm.

Cụ thể, từ Điều 7 đến Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã quy định các hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với mức độ và hậu quả của hành vi. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức lần đầu thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động, nội quy, quy chế của cơ quan, gây hậu quả ít nghiêm trọng có thể bị khiển trách.

Trường hợp vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc đã từng vi phạm và bị xử lý bằng hình thức cách chức, hạ bậc lương nhưng vẫn tái phạm thì có thể bị xem xét áp dụng hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc.

Đọc thêm