Tiếp tục phạm tội trong thời gian được hoãn thi hành án thì xử lý thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn đọc Trịnh Hoàng Thuý (Hà Tĩnh) hỏi: Tôi thấy tại địa phương tôi có trường hợp bị can sau khi bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng được cơ quan điều tra cho tại ngoại vì đang mang thai nhưng tiếp tục thực hiện hành vi trái pháp luật, thực hiện các thủ đoạn gian dối liên quan đến mua bán đất đai rồi chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng. Vậy cho tôi hỏi hành vi phạm tội của bị can trong thời gian này có phải chấp hành hình phạt tù hay không và biện pháp ngăn chặn như thế nào?

Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng tư vấn: Căn cứ theo Bộ luật Hình sự, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể hiểu là người thực hiện hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn ở đây có thể dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng mức độ vi phạm sẽ phụ thuộc vào giá trị của tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt.

Theo đó, với hành vi chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng thì căn cứ khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, chủ thể sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân vì đã chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc môi giới đến 5 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mặt khác, theo Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định các trường hợp hoãn chấp hành hình phạt tù gồm: Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 1 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 1 năm.

Đồng thời, tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC của TAND tối cao nêu rõ: Nếu phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi bị kết án tù thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không. Điều này đồng nghĩa với việc, dù phạm nhân nữ có cố tình có thai và sinh con liên tục thì họ vẫn tiếp tục được hoãn chấp hành án phạt tù.

Chính sách này của pháp luật không chỉ thể hiện sự khoan hồng mà còn bảo đảm quyền được sinh con của phụ nữ, quyền được chăm sóc của trẻ em. Cụ thể là trẻ khi sinh ra cần được nuôi dưỡng trong gia đình có đầy đủ cha mẹ, nhất là trong 3 năm đầu đời. Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù, biện pháp ngăn chặn người mang thai tiếp tục phạm tội với tội danh như cũ thì vụ án sẽ được hoãn cho đến khi con của đối tượng 36 tháng tuổi.

Tuy nhiên, việc sau khi đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước đó mà vẫn tiếp tục tái phạm khi chưa chấp hành hình phạt tù thì theo Điều 53 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy về tội tái phạm, tái phạm nguy hiểm, sẽ được xác định là một trong những hành vi làm tăng nặng trách nhiệm hình sự cho lần kết án kế tiếp.

Ngoài ra, pháp luật cũng có quy định về biện pháp ngăn chặn người mang thai tiếp tục phạm tội. Cụ thể, theo khoản 4 Điều 119 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp tiếp tục phạm tội.

Như vậy, đối tượng đang mang thai nhưng vẫn tiếp tục hành vi phạm tội lừa đảo với tái phạm nguy hiểm số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng vẫn có thể áp dụng hình thức tạm giam để ngăn chặn hành vi phạm tội.

Đọc thêm