Có được bỏ qua giai đoạn hòa giải trong ly hôn để rút ngắn thời gian giải quyết?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Trần Thị H (Cao Bằng) hỏi: Vợ chồng tôi sống với nhau được 6 năm nhưng mâu thuẫn gia đình quá lớn, nên chúng tôi đã quyết định ly hôn. Vấn đề về con chung và tài sản chung vợ chồng tôi chưa thỏa thuận được. Theo tôi được biết, thủ tục ly hôn tại Tòa sẽ trải qua giai đoạn hòa giải. Vậy tôi có thể ly hôn mà không tiến hành thủ tục hòa giải để rút ngắn thời gian có được không?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật sư Đoàn Trung Hiếu (Trưởng VP Luật sư Cộng Đồng) - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì hiện nay có 2 phương thức yêu cầu giải quyết việc ly hôn là: Thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn.

Do bạn chưa cung cấp đầy đủ thông tin là vợ chồng bạn thuộc trường hợp thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn nên tư vấn cho bạn theo 2 trường hợp như sau:

Đối với thủ tục thuận tình ly hôn: Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hiện nay thì việc hòa giải khi giải quyết ly hôn có thể thực hiện tại cơ sở hoặc tại Tòa án.

Căn cứ theo quy định Điều 52 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Do đó, hòa giải tại cơ sở là thủ tục không bắt buộc khi giải quyết ly hôn nói chung và giải quyết thuận tình ly hôn nói riêng, mà chỉ khuyến khích các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn với nhau. Việc tiến hành hòa giải tại cơ sở chỉ được thực hiện khi hai bên vợ chồng có nhu cầu.

Tuy nhiên, theo quy định Điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về việc “Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” thì: Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Do đó, theo các điều trên thì Tòa án bắt buộc phải tiến hành thủ tục hòa giải đối với yêu cầu thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Như vậy, đối với thủ tục thuận tình ly hôn thì việc hòa giải tại Tòa án là bắt buộc.

Đối với thủ tục đơn phương ly hôn: Theo phân tích ở trên thì căn cứ theo Điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Tòa án phải tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự đối với yêu cầu đơn phương ly hôn.

Căn cứ theo quy định tại Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về nguyên tắc tiến hành hòa giải: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Cụ thể, tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về những vụ án dân sự không được hòa giải gồm: Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Và Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được gồm: Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

Như vậy, nếu vụ án dân sự thuộc một trong những trường hợp trên thì không được hòa giải và không tiến hành hòa giải được.

Do đó, trong vụ án đơn phương ly hôn, nếu muốn ly hôn mà không cần hòa giải thì một trong hai bên vợ chồng có thể làm đơn đề nghị không hòa giải gửi đến Tòa án. Hoặc nếu bị đơn trong yêu cầu ly hôn đơn phương vắng mặt sau 2 lần Tòa án triệu tập hòa giải hợp lệ thì sẽ không hòa giải được. Khi đó vụ án không cần hòa giải.

Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian giải quyết thì biện pháp một trong hai bên làm đơn đề nghị không hòa giải sẽ hiệu quả hơn, tránh kéo dài thời gian.

Tóm lại, đối với yêu cầu thuận tình ly hôn thì bắt buộc phải tiến hành hòa giải tại Tòa án. Còn đối với yêu cầu đơn phương ly hôn thì không bắt buộc phải tiến hành hòa giải tại Tòa án. Nếu bạn muốn rút ngắn thời gian giải quyết, không muốn hòa giải thì có thể yêu cầu đơn phương ly hôn và làm đơn đề nghị không hòa giải gửi đến Tòa án.

Đọc thêm