Vụ thu hồi đất gây oan sai ở Đồng Nai: Trắng tay phận người khai hoang

(PLO) - Câu chuyện đầy nước mắt của một người phụ nữ ở Đồng Nai sau 40 năm khai hoang đất đã bị một hợp tác xã cướp trắng.

Cho đến bây giờ, hai năm sau khi bị mất nhà đất, bà Lê Thị Phương Mai (ngụ tại số 325, ấp 2, xã An Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã đổ bệnh, chỉ nằm một chỗ. Mảnh đất mà bà đã gắn bó hơn nửa đời người, đổi bằng máu, sốt rét bỗng bị giật mất, rơi vào tay người khác. 

Sau khi cưỡng chế đất, xuất hiện một số người xăm trổ vào canh gác phần đất của bà Mai, đe dọa và ngăn cảm gia đình bà Mai
Sau khi cưỡng chế đất, xuất hiện một số người xăm trổ vào canh gác phần đất của bà Mai, đe dọa và ngăn cảm gia đình bà Mai

Tước công người khai hoang

Sau năm 1975, thực hiện chủ trương kinh tế mới, bà Mai dắt díu đàn con thơ bỏ Sài Gòn lên xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (nay thuộc TP Biên Hòa, Đồng Nai) khai hoang khẩn hóa. Phải đến hơn 20 năm sau, đám rừng thiêng nước độc mới nên tấm nên món. 

Vì con đông và chịu khó làm lụng nên khi các hộ xung quanh có nhu cầu sang nhượng đất, bà đã mua thêm. Đến năm 2002, bà Mai quản lý, sử dụng tổng diện tích 44 ha đất, trong đó có 14 ha đã được cấp giấy chủ quyền, phần còn lại chưa sang tên chủ sở hữu. Ngoài trồng cây ăn trái, gia đình bà còn xây chuồng trại, ao hồ chăn nuôi theo mô hình hiện đại. 

Khi đàn con khôn lớn, thu nhập từ trang trại ổn định thì tai họa rơi vào gia đình bà.

Thấy trang trại có địa thế đẹp, được nhiều người khuyến khích, năm 2004, bà Mai  lập công ty Thuận An 2 để xin chủ trương mở khu du lịch sinh thái. Hồ sơ dự án của bà được UBND các cấp hứa bằng văn bản sẽ xem xét giới thiệu địa điểm với điều kiện doanh nghiệp (DN) của bà phải xây cây cầu kiên cố bắc qua sông Buông (gần đất bà Mai) và mở rộng nâng cấp đường đi từ khu đất ra quốc lộ 51 dài hơn chục cây số. Không đủ tiền nhưng bà vẫn vay mượn để thực hiện các công trình này, tốn hơn 4 tỷ đồng.

Khi hạ tầng (cầu và đường) hoàn tất, cơ quan có thẩm quyền đã nghiệm thu nhưng không chỉ từ chối cấp phép dự án du lịch mà còn thu hồi 20 ha đất của bà Mai, giao cho Công ty cổ phần Xây dựng & Sản xuất Vật liệu Đồng Nai (gọi tắt là Cty BMCC) khai thác khoáng sản (đất khu vực này có mỏ đá). Trước thiện chí thoả thuận và chủ đầu tư đưa ra giá cả bồi thường hợp lý, gia đình bà Mai đồng ý giao đất.

Không được làm dự án khu du lịch, năm 2006 bà Mai xin khai thác mỏ trên phần đất còn lại của mình. Nhu cầu này cũng không được đáp ứng, bởi theo UBND tỉnh Đồng Nai năm 2007, tỉnh chủ trương chỉ xem xét ưu tiên cho các DNNN được hoạt động lĩnh vực này, không giải quyết mới hồ sơ đối với DN tư nhân. Dù chủ trương trên trái với Luật Khoáng sản (không phân biệt các thành phần kinh tế) nhưng vì thân phận thấp cổ bé họng, một lần nữa bà Mai đành cam chịu.

Đền bù tùy tiện

Tai họa đâu chỉ có vậy, ngày 18/2/2009, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 390, thu hồi hơn 65 ha đất tại xã Phước Tân (trong đó có 10,5 ha của bà Mai) để giao cho Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) làm chủ dự án khai thác mỏ đá Tân Cang 6. 

UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ: Donacoop phải thực hiện theo phương thức tự thỏa thuận giá đền bù với người đang sử dụng đất (bà Mai). Tuy nhiên, Donacoop đã không tiến hành thương lượng, thỏa thuận giá với bà.

Đến năm 2011 UBND TP Biên Hòa ban hành 03 quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường và hỗ trợ cho gia đình bà Mai (vì lúc này xã Phước Tân, huyện Long Thành đã sáp nhập về TP Biên Hòa). Theo Quyết định số 112 (ban hành ngày 18/01/2011) gia đình bà Mai được bồi thường, hỗ trợ tổng cộng 32,925 tỷ đồng. Chỉ 6 ngày sau, UBND TP Biên Hòa ban hành Quyết định 168 (24/01/2011) với mức bồi thường, hỗ trợ cho gia đình bà Mai còn 21,477 tỷ đồng. Và, đến tháng 10/2011 UBND TP Biên Hòa lại ban hành Quyết định số 3869, thay thế Quyết định 168, và mức bồi thường, hỗ trợ cho gia đình bà Mai chỉ còn 9,507 tỷ đồng. 

Chưa hết, ngày 30/6/2014, lãnh đạo thành phố này ký tiếp quyết định bồi thường lần nữa (lần thứ 4), lần này số tiền bà Mai được nhận chỉ còn vẻn vẹn 7,5 tỷ đồng.

Nhìn bốn mức giá cách nhau một trời một vực, bà Mai nghẹn lời: “Dự án này không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất mà chủ đầu tư (Donacoop) thực hiện theo phương thức tự thoả thuận với dân. Cũng như mọi người, tại sao Donacoop không thỏa thuận đền bù như Công ty BMCC đã từng làm cho các chủ đất để thực hiện dự án mỏ đá Tân Cang 5 vào năm 2011 (giá là 350 ngàn đồng/m2)?”. 

Biên bản thỏa thuận đền bù năm 2011của Công ty BMCC đã thỏa thuận mức bồi thường đất cho gia đình ông Nguyễn Văn Đây – Nguyễn Thị Cầm để tiến hành khai thác đá (mỏ Tân Cang 5) với mức 350.000 đồng/m2. Với mức áp giá đền bù của UBND TP Biên Hòa với gia đình bà Mai cho thấy, giá bồi thường về đất của UBND TP Biên Hòa chưa bằng 1/4 giá thỏa thuận bồi thường của công ty trên (chỉ 80.000 đồng /m2) dù phần đất của gia đình bà Mai có địa thế, vị trí tốt hơn đất của ông Đây, bà Cầm. 

Rõ ràng Donacoop và UBND TP Biên Hòa đã làm trái chủ trương của UBND tỉnh, gây thiệt hại cho gia đình bà Mai.

Cưỡng chế ngày giáp tết

Trong lúc hoang mang không hiểu vì sao số tiền bồi thường ngày càng teo tóp thì trung tuần tháng 1/2015 gia đình bà Mai bất ngờ nhận được quyết định cưỡng chế để thu hồi đất của UBND TP Biên Hoà, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/1 đến 15/4/2015. Thời điểm này, gia đình bà Mai đang nuôi hàng chục tấn cá các loại, hơn 3.000 con gà có trọng lượng khoảng 2kg, 10 con heo… để bán tết. 

Sáng 28/1 (tức mùng 9 tháng chạp), lực lượng chức năng phong toả hiện trường, dùng máy móc san bằng nhà cửa, chuồng trại, cây trồng… gây thiệt hại tài sản khoảng 3 tỷ đồng. Hiện Donacoop đã lấy đất để khai thác mỏ, toàn bộ số gia súc cùng nhiều tài sản khác của bà không biết lực lượng cưỡng chế đã mang đi đâu?

Vụ cưỡng chế cho thấy sự không minh bạch của chính quyền TP Biên Hòa khi gia đình bà Mai không hề nhận được quyết định cưỡng chế hoặc thông báo trước ngày bị cưỡng chế. Chưa kể, UBND TP Biên Hòa vi phạm thời hạn ban hành quyết định cưỡng chế (từ khi ký quyết định cưỡng chế đến khi tổ chức cưỡng chế chỉ có 12 ngày, theo luật ít nhất là 15 ngày làm việc).

Gần hai năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại cảnh nhà cửa, chuồng trại… nơi bà đã sống hơn nửa đời người bị san bằng vào lúc cận Tết Nguyên đán Ất Mùi, bà Lê Thị Phương Mai không sao cầm được nước mắt. Bởi, tất cả đã mất trắng sau một cuộc san ủi, đập phá, trong đó có sự đóng góp nhân lực từ Donacoop. Nhưng cái mất lớn nhất ở một người phụ nữ ngoài 75 tuổi, đã gần đất xa trời, là niềm tin vào chính quyền.

(còn tiếp)

Đọc thêm