Hà Nội: Sẽ có nhiều tuyến phố ăn uống an toàn

(PLO) - Chiều qua (20/3), trao đổi về công tác an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Hà Nội tại buổi giao ban báo chí Thành ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, năm 2017 các lực lượng chức năng đã thanh kiểm tra trên 111 nghìn lượt cơ sở, phát hiện trên 26.300 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 7.221 cơ sở với số tiền phạt trên 38 tỷ đồng (số tiền phạt tăng 10 tỷ đồng so với năm 2016). Xe kiểm nghiệm nhanh chuyên dụng về ATTP đã xét nghiệm 1.101 mẫu, trong đó có 85 mẫu dương tính được các cơ quan xử lý ngay không cho lưu thông.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Công tác ATTP đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về ATTP của các cơ sở về chấp hành quy định ATTP. Các Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND quận huyện, xã phường đã tăng cường trực tiếp đi kiểm tra ATTP. Các chương trình, mô hình điểm về ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được kiểm soát, kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người, mô hình cảnh báo nhanh về ATTP. Thành phố cũng duy trì 60 chuỗi liên kết ATTP, phối hợp với các tỉnh trong quản lý ATTP theo chuỗi như: Chuỗi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Hòa Bình, tỉnh Sơn La với hệ thống cửa hàng, siêu thị Biggreen, Fivimart; chuỗi thịt gà DaBaCo Bắc Ninh, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm sạch, an toàn được sản xuất trên địa bàn…

Tuy nhiên, đánh giá của Sở Y tế cho thấy, người tiêu dùng đôi khi vẫn dễ dãi trong mua bán thực phẩm mà không biết rõ nguồn gốc. Trong khi đó, vì lợi nhuận trước mắt, một bộ phận người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm lại chưa tự giác chấp hành quy định ATTP và thiếu trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, còn nhiều chợ tạm, chợ cóc, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa đảm bảo ATTP...  

Ngoài ra, sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương cấp xã còn chưa thường xuyên, quyết liệt trong kiểm tra chủ yếu là nhắc nhở. Nhân lực chuyên trách ATTP còn thiếu so với nhiệm vụ thực hiện; đặc biệt là tuyến xã/phường chưa có cán bộ chuyên trách về ATTP.

Để hạn chế tối đa thực phẩm không đủ ATTP trên thị trường, theo ông Trần Văn Chung, Sở Y tế cùng các đơn vị liên ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định ATTP. Triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã. Liên ngành cũng phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, các địa phương, phát hiện, điều tra, triệt phá các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng. Tăng cường phối hợp với các tỉnh trong quản lý nguồn thực phẩm.

Đặc biệt, năm 2018, Hà Nội xây dựng 6 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo ATTP có kiểm soát; quản lý bữa cỗ tập trung đông người, chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm ở 80 xã/phường thuộc 10 quận/huyện; nâng cao năng lực tự quản lý ATTP của 05 trường tiểu học. Các sở liên quan cũng tăng cường sử dụng, phát huy hiệu quả xe kiểm nghiệm ATTP tại các chợ, siêu thị, các cơ sở dịch vụ ăn uống, tập trung làm các xét nghiệm nhanh về dư lượng hóa chất trong thực phẩm có trong rau củ quả, thức ăn ngay... để sàng lọc, hạn chế tối đa thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm quy định ATTP.

Theo ông Trần Văn Chung, hiện tại thành phố có 5 xe xét nghiệm nhanh về ATTP. Với 3 sở ngành: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực về ATTP) thì đây là công cụ rất đắc lực cho các đoàn thanh tra về ATTP. 

Đọc thêm