1 người chết, 16 người bị thương, gần 6.000 nhà sập, hư hỏng do mưa đá

(PLVN) - Báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai cho biết, đến 5h hôm nay, 4/3 giông, lốc, sét và mưa đá đã làm 1 người chết,16 người bị thương.
Mưa đá lớn tại các xã thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu che phủ đường, gây khó khăn cho người dân (Ảnh: TTXVN)

Do ảnh hưởng của không khí khí lạnh, từ tối 2/3 đến ngày 3/3, tại 7 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc (Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Sơn La) đã xảy ra dông, lốc, sét và mưa đá. Một số khu vực có mưa lớn như: Hòa Bình (Hòa Bình) 76mm, Bắc Mê (Hà Giang) 95mm, Nguyên Bình (Cao Bằng) 62mm, Xím Vàng (Sơn La) 53mm,… Đặc biệt, tại Hà Nội chiều ngày 3/3 đã xảy ra mưa lớn với lượng mưa từ 40-60mm/1h (lượng mưa lớn nhất vào tháng 3 tại Hà Nội trong khoảng 50 năm qua kể từ năm 1971 đến nay).

Theo báo cáo nhanh của 7 tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Sơn La, ảnh hưởng của dông, lốc, sét và mưa đá đã làm 1 người chết (Hà Giang); 16 người bị thương (Yên Bái: 6 người; Hà Giang 10 người). Về nhà ở: 351 nhà bị sập; 5.218 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Về cơ sở hạ tầng: 22 điểm trường và 7 công trình văn hóa, 3 nhà xưởng bị tốc mái, hư hỏng, 1 cầu giao thông bị cuốn trôi, 34 cột điện bị gãy đổ.

Bên cạnh đó, về sản xuất nông nghiệp, 412,3 ha lúa; 390 ha hoa màu; 92,0 ha cây trồng lâu năm, 27,8 ha cây trồng hàng năm, 352 ha cây ăn quả, 18 ha rừng thông, keo bị thiệt hại. Đồng thời, 279 cây xanh bị gãy đổ.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, tiếp tục có thể xảy ra các đợt dông, lốc, sét, mưa đá tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Rút kinh nghiệm những đợt mưa đá xảy ra gần đây, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tập trung huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả. Tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

Đối với việc khắc phục nhà bị hư hỏng do mưa đá và dông lốc, đề nghị các địa phương huy động các nguồn lực để khắc phục theo hướng chuyển đổi từ mái lợp tấm proximang sang mái tôn lạnh để ổn định lâu dài. Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ diễn biến về mưa lớn, dông, lốc, sét và mưa đá để thông tin kịp thời đến người dân và các cấp chính quyền chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, tiếp tục thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai

Đọc thêm