10 năm chung tay cùng nhà nông

Cơ chế khoán trong nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi để các định chế tài chính đầu tư tín dụng vào kinh tế hộ. 10 năm qua, đã đến lúc nhìn lại chính sách tín dụng quan trọng có tính chất đòn bẩy này…

Cơ chế khoán trong nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi để các định chế tài chính đầu tư tín dụng vào kinh tế hộ. 10 năm qua, đã đến lúc nhìn lại chính sách tín dụng quan trọng có tính chất đòn bẩy này…

catra
NHNN&PTNT thực sự là người bạn tin cậy của nhà nông - Trong ảnh: Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL

Quyết định lịch sử …

Ngày 30/3/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg “Về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn”. Theo đó,  nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm vốn của ngân hàng huy động; vốn Ngân sách Nhà nước; vốn vay của các tổ chức tài chính quốc tế và nước ngoài.

Ngân hàng được cho vay hộ gia đình đến 10 triệu đồng không phải thế chấp tài sản, chỉ nộp kèm đơn xin vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đối với các hộ làm kinh tế hàng hoá, kinh tế trang trại vay trên 10 triệu đồng phải thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN&PTNT Việt Nam phải từng bước mở rộng màng lưới (cơ sở giao dịch, trang bị phương tiện làm việc) để giải ngân tại chỗ; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người vay... Và đặc biệt, vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trong trường hợp bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, Nhà nước sẽ có chính sách xử lý thiệt hại cho người vay và ngân hàng (xoá, khoanh, giãn nợ tuỳ theo mức độ thiệt hại).

…“Khai mở” tiềm năng

Hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tự huy động, NHNo&PTNT Việt Nam áp dụng mọi biện pháp, hình thức, thể loại với phương châm “đi vay để cho vay” để huy động tối đa nguồn vốn trong dân cư và nền kinh tế.

Nếu như cuối năm 1999, tổng nguồn vốn của NHNo&PTNT Việt Nam đạt 35.629 tỷ đồng  thì đến cuối năm 2009 tổng nguồn vốn đạt 434.331 tỷ đồng (tăng gấp 11,2 lần), trong đó: nguồn vốn huy động đạt: 366.995 tỷ đồng (tăng gấp 13,2 lần). NHNo&PTNT Việt Nam áp dụng rộng rãi các phương thức cho vay: cho vay theo hạn mức, cho vay trả góp, cho vay từng lần, cho vay lưu vụ...

Ngoài việc mở rộng màng lưới để cho vay trực tiếp, NHNo&PTNT Việt Nam còn thực hiện cho vay qua tổ vay vốn; cho vay hộ gia đình, cá nhân nhận khoán thông qua DN cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm; cho vay thông qua ngân hàng lưu động; từng bước hạn chế cho vay những DNNN kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, tăng nhanh khối lượng tín dụng cho các DN nhỏ và vừa, các hộ sản xuất kinh doanh.

Ví như năm 2008, dù khó khăn về nguồn vốn, nhưng được sự hỗ trợ của NHNN, NHNo&PTNT Việt Nam đã cân đối bổ sung nhiều lần cho các chi nhánh có khó khăn về vốn: 9.340 tỷ đồng để cho vay nông nghiệp nông thôn, trong đó 1.300 tỷ để thu mua cá tra; 10.000 tỷ đồng để thu mua lương thực, phân bón; 3.000 tỷ đồng để thu mua, chăm sóc cà phê; 30 tỷ đồng để cho vay mua xe ô tô thay thế xe công nông ở các tỉnh Tây Nguyên...

Nhiều bài học kinh nghiệm

 Chính sách tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn – sau 10 năm triển khai – cho thấy bài học kinh nghiệm quý  về sự kịp thời, sáng tạo để cụ thể hoá bằng những cơ chế, chính sách, bước đi và giải pháp cụ thể, sát thực, phù hợp.  Muốn mở rộng và phát triển tín dụng phải đẩy mạnh huy động vốn bằng mọi hình thức và biện pháp; tuân thủ phương châm “đi vay để cho vay”, phải có thực lực mạnh về vốn, về tài chính.

Đặc biệt, phải biết khai thác lợi thế về màng lưới, địa bàn hoạt động, vai trò, vị thế, truyền thống của một ngân hàng thương mại nhà nước trong khu vực nông nghiệp, nông thôn để huy động tối đa nguồn tiền gửi “nhỏ, lẻ” nhưng rất ổn định, vững chắc. Bên cạnh việc mở rộng, tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro, giảm thiếu chi phí; gắn đầu tư tín dụng với việc cung ứng cho nền kinh tế - xã hội, cho khách hàng nhiều dịch vụ tiện ích, đẩy mạnh kinh doanh đa năng tạo nên nguồn thu đa dạng và tăng trưởng cao..

10 năm là khoảng thời gian vừa đủ để nhìn lại một chính sách tín dụng quan trọng, góp phần đắc lực thúc đẩy đổi mới. Hy vọng những bài học từ việc tổng kết chính sách này sẽ góp phần hoàn thiện chính sách tín dụng tổng  thể của quốc gia, có những phương thức hữu hiệu giúp nông nghiệp, nông thôn và người nông dân Việt Nam tìm được nguồn sức mạnh mới làm giàu cho đất nước./.

Anh Tuấn

Đọc thêm