Chị em trốn làm đi “ôm nợ”
Tuy các cơ quan, công sở đã bắt đầu làm việc sau những ngày nghỉ Tết dài, nhưng tại một số cơ quan, không khí làm việc vẫn còn… “ngái ngủ”. Hầu hết, những lễ hội đã khai hội trước ngày mùng 10 Tết. Sau mùng 10 Tết, một số chị em công sở đã “đổi hướng” rủ nhau đi xem bói và giải hạn. Công việc thường ngày nơi công sở được thay thế bởi những câu chuyện đi xem bói, giải hạn ở đâu hay các thày phán thế nào. Họ cứ rủ rỉ như vậy cho tới hết 8 giờ “vàng ngọc”.
Lựa theo thái độ của lãnh đạo cơ quan để chị em bàn tính “điểm hẹn”. Nếu thái độ của lãnh đạo “rắn” thì họ sẽ đi trong ngày, còn nếu “mềm” thì họ sẽ xin nghỉ 2-3 ngày để đi xem bói và giải hạn tại các tỉnh xa. Các “điểm hẹn” được nhiều chị em lên lịch khá chặt chẽ như xem bói “thày” ở Hà Đông, “cậu” ở Hòa Bình, “thánh” ở Bắc Ninh, hay xa hơn thì “thần” ở Thanh Hóa, “ngài” ở Nghệ An… Nơi nào, chị em cũng cho rằng chuẩn xác và linh ứng.
Chị Hoa Thúy, Công ty TNHH xuất nhập khẩu đèn N. Sáng cho hay: “Đầu năm, kiểu gì cũng phải đi coi bói một chuyến để xem cả nhà vận hạn ra sao còn giải chứ. Phòng tổng hợp của tôi có 6 phụ nữ thì có tới 5 người đã đi xem bói rồi. Tôi cũng chẳng ở ngoài “cuộc chơi”.
“Khấp khởi đi, hoang mang về”- là tâm trạng chung của một số chị em đi xem bói đầu năm. Chị Minh Quỳnh, 52 tuổi vừa đi xem bói ở Bắc Ninh về. Theo “thánh phán” thì năm nay nhà chị sẽ có 1 đại tang và 3 cái xui xẻo. Chị hoang mang lo nghĩ đại tang có thể rơi vào mẹ chị bởi cụ đang ốm ở nhà, còn 3 cái xui xẻo thì chị chưa biết: có thể là con chị trượt đại học, có thể chồng sẽ trượt đi nước ngoài, có thể chị tai nạn…
Càng suy nghĩ, chị càng rối bời. Tất nhiên chị chẳng còn tâm trí đâu mà tập trung vào làm việc ở cơ quan. Điều lo lắng của chị bây giờ là phải làm sao “đuổi” được 1 đại tang và 3 cái hạn đó. Từ giờ tới cuối tháng Giêng, chị phải đi giải hạn chí ít phải 3 nơi may ra mới “nhẹ lòng”.
Các cô nhỡ thì cũng không bỏ qua thời điểm này để đi coi bói xem đường tình duyên của mình trắc trở tới đâu. Nguyên Trang, 30 tuổi cho hay: “Làm việc thì làm cả năm chứ đâu phải vài ngày tháng Giêng. Tôi phải tranh thủ đi trước ngày rằm, có vậy “cậu” phán mới thiêng”. Để có bạn, có bè, Trang còn rủ 4-5 cô bạn quá lứa ở những công ty khác đi Nam Định giải hạn, cuối năm đắt chồng.
Cánh mày râu “chăm chỉ”
Nếu các chị em có “thú vui” đi xem bói và giải hạn thì các đấng mày râu lại tự tạo cho mình “sân chơi” khác. Họ không nghỉ bán ngày hoặc dài ngày như chị em mà vẫn đi làm đều. Sáng họ có mặt công sở đúng giờ, điểm danh xong, ai vào phòng nấy. Có điều, họ vào phòng không phải làm việc mà để chơi bài. Cuốn sổ họ thường mang trong người được thay bằng 52 quân bài.
Nếu chỉ có 2 người thì họ sẽ chơi “đầu đít”… họ lấy tờ tiền bất kỳ, nếu tổng 2 số cuối của seri tờ tiền của người nào cao hơn thì sẽ thắng tờ tiền của người kia. Hoặc chơi “3 cây”, ai nhiều điểm hơn sẽ thắng. Đây gọi là trò chơi “đánh nhanh, thắng nhanh, lại cơ động”.
Nhưng nếu nói về độ ham thì hầu hết các đấng mày râu đều chọn chơi “tá lả”. Họ nhấm nháy, hẹn hò nhau đủ 4 người để chơi. Bàn làm việc nhanh chóng được “ngả” ra thành chiếu bạc. Tất nhiên, để qua mắt các “sếp”, họ phải “cửa đóng, then cài” yên tâm mà “sát phạt”.
Nếu ai không biết sẽ nghĩ họ làm việc cần mẫn, có khi “chong đèn” tới 6-7 giờ tối mới về. Anh Phạm Trí hứng trí: “Cả Tết đưa vợ con đi chúc Tết rã cả người, bây giờ mới có thời gian dành riêng cho mình. Có hôm mải chơi quá, quên cả việc đón con. Vợ gọi điện tới trách mắng thì tớ đã viện lý do đang bận làm. Đi “làm” thế này, vợ con, các sếp không kêu vào đâu được” (!)
Có đấng mày râu lại có thú vui nhậu nhẹt. Những chai rượu ngoại, rượu nội còn dở dang ngày Tết đều được họ mang tới cơ quan tận dụng một cách triệt để. Chẳng cần cao lương, mỹ vị gì, chỉ cần chai rượu, vài cái nem sống, vài hạt lạc, vài gói thịt bò khô cũng đủ họ “rôm rả”, “hưởng lạc” với “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Có nhiều vị lãnh đạo cơ quan biết chuyện, có khi được anh em mời khéo cũng tham dự “cuộc vui” này cho “khí thế” đầu năm.