101 hành vi xấu của một số du khách Việt

(PLVN) - 101 hành vi xấu của một số du khách Việt khiến cho nhiều người bất bình. Không cần biết nơi đến là nơi đâu, văn hóa thế nào, một số du khách coi các điểm du lịch, di sản, tâm linh như… chốn không người. 
Giới chức Nhật Bản ráo riết tìm thủ phạm khắc chữ A.HÀO cùng hai ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên một phiến đá di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori (Nhật Bản).
Giới chức Nhật Bản ráo riết tìm thủ phạm khắc chữ A.HÀO cùng hai ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên một phiến đá di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori (Nhật Bản).

Họ sẵn sàng ăn mặc hở hang, ăn nói hàm hồ, ăn uống nhồm nhoàm, xả rác lung tung, trèo, vẽ bậy bạ lên di tích… Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một số người làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của đất nước Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực du lịch.

“Mình thích thì mình ngắt hoa, vẽ bậy lên di tích thôi!”

Những hình ảnh du khách “xấu xí” bị lên án tại các cơ quan truyền thông, mạng xã hội đó là, tại những nơi di tích, tôn giáo, tâm linh, nhiều người vô ý thức trong việc tôn trọng phong tục tập quán, quy tắc ứng xử nên vẫn vô tư ăn mặc hở hang, phản cảm. 

Du khách Việt ăn buffet thường chen lấn lấy rất nhiều các món ngon hải sản như hàu, tôm, cua... rồi ăn không hết làm người nước ngoài bất bình vì lãng phí. Họ vừa nhai nhồm nhoàm, vừa nói, tay bốc thức ăn và xỉa răng tanh tách đầy phản cảm. Một thói xấu của người Việt nữa khi đi du lịch là sự ồn ào đến khó chịu.

Họ oang oang gọi điện nơi công cộng, nói năng tục tĩu, vô tư chạy nhảy, nói cười to tiếng mọi lúc, mọi nơi cứ như thể một mình trên đường, thang máy, trên xe buýt… làm ảnh hưởng tới người xung quanh. Khi hướng dẫn viên giới thiệu điểm thăm quan, họ không thèm nghe, mải mê nói chuyện, ngó nghiêng, tạo dáng chụp ảnh ầm ĩ. Lát sau, họ lại bắt hướng dẫn viên “tua” lại. 

Không ít du khách Việt có tật xả rác. Họ xả rác không chỉ ở những điểm tham quan mà còn xả rác cả trên xe, trong khách sạn... Một số khách sau khi ăn vặt xong còn lấy màn cửa... lau miệng, hoặc trét kẹo cao su lên ghế... Còn ở khách sạn, không ít khách Việt xả rác đầy phòng, toillet nhầy nhụa nước tiểu và “chiến tích” của nôn ọe khi say xỉn.

Sự việc 2 thanh niên chụp ảnh khỏa thân ở đỉnh Pha Luông, Sơn La; Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế) là bảo vật quốc gia đã bị nhiều du khách viết, vẽ bậy… bị cộng động mạng lên án. Những hình vẽ nghệch ngoạc của một số du khách vô ý thức trên các di tích: Tháp Bút, tháp Hòa Phong, Hoàng thành Thăng Long, cầu Long Biên (Hà Nội), Bãi đá cổ Sa Pa (Lào Cai), bia đá trên núi Bài Thơ (Quảng Ninh) khiến ai nấy đều xót xa cho di tích quý bị… chà đạp. Cây đa hơn 800 tuổi trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) đau đớn khi nhận những nhát dao cứa của du khách thích phá hoại.

Những hình ảnh xấu của du khách Việt không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn lan rộng ra nước ngoài khi du khách Việt đang ngày càng chuộng hình thức du lịch thế giới. Giới chức Nhật Bản ráo riết  mở cuộc điều tra truy tìm thủ phạm vẽ bậy lên di tích lịch sử của quốc gia này, được phát hiện ngày 26/10/2018, nghi là người Việt Nam. 

Đó là chữ A.HÀO cùng hai ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên một phiến đá di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori (Nhật Bản). Sự việc không chỉ dấy lên sự phẫn nộ ở cộng đồng người Nhật mà còn dấy lên sự giận dữ, nỗi lo ngại và xấu hổ ở cả người Việt. Việc viết, vẽ bậy lên di tích lịch sử đang là thực trạng nhức nhối ở nhiều di tích trên cả nước. Trong khi đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý thực hiện rất hời hợt.

Cư dân mạng đã “nổi sóng” với bức thư của một người nông dân Mộc Châu gửi dân phượt du lịch. Nội dung của bức thư đề cập đến sự vô ý thức của một bộ phận du khách khi vô tư tạo dáng mà không để ý rằng mình đang trực tiếp phá hoại thành quả lao động “một nắng hai sương” của bà con.

Còn nhớ, ngày 5/3/2017, cư dân mạng ở Đà Lạt sôi sục giận dữ khi anh N. A. T đưa lên trang facebook cá nhân loạt hình ảnh về một nữ du khách ăn mặc sang trọng tay cầm một bó cành hoa anh đào đang đơm bông rất đẹp trong khi người dân Đà Lạt luôn nâng niu loài hoa này.

Theo lời kể của anh T, lúc đó có một phụ nữ khoảng 40 tuổi, ăn mặc rất sang trọng mạnh miệng nói với một số bạn trẻ trong nhóm: “Tụi mày không dám bẻ để chị bẻ cho, có ai nói gì đâu!..”. Mình cứ nghĩ nhắc vậy là chị ấy không bẻ nữa nên mình sang chỗ khác chụp ảnh. Lát quay lại thấy chị ấy đã cầm một bó mấy cành hoa mai anh đào trên tay.

Nữ du khách ngang nhiên bẻ hoa anh đào tại Đà Lạt để làm “đạo cụ” chụp ảnh.
 Nữ du khách ngang nhiên bẻ hoa anh đào tại Đà Lạt để làm “đạo cụ” chụp ảnh.

Mình và bạn quay lại nói thì bà chị này còn chất vấn em là ai mà có quyền nói chị vậy? Em là chủ ở đây à? E cho chị xem giấy tờ... Cậu em (người đi cùng nhóm anh T) sốt vía vì gặp bà chị ngáo quá, liền bảo: “Em không là gì cả, e nói ngang với chị được không? Em là người yêu Đà Lạt, muốn bảo vệ Đà Lạt. Chị không xứng đáng được cầm những bông hoa này”… Hai bên nói qua nói lại, bà chị kia vẫn giữ thái độ là như kiểu “mình thích thì mình bẻ thôi” trong khi các thành viên đi cùng đoàn chỉ biết im tiếng không nói một lời” - anh N. A. T kể lại trên trang cá nhân.

Sự kiện 7000 bạn trẻ chen chân trong một thung lũng hoa tam giác mạch rộng 2ha ở hồ Tây - Hà Nội khiến dư luận tranh cãi gay gắt về trào lưu chụp ảnh đi kèm với… phá hoại của giới trẻ. Theo quản lý vườn hoa, vì là lần đầu tiên hoa tam giác mạch được trồng thành công ở Hà Nội, chủ vườn đã mở cửa miễn phí cho du khách tham quan.

Không ngờ lượng người đổ về đây quá đông so với dự kiến, chiến dịch này buộc phải dừng lại vì thung lũng hoa không thể kiểm soát nổi số đông. Ngày thứ nhất có khoảng 3000 người, ngày hôm sau số lượng đã tăng gấp đôi. Người người đua nhau vào giẫm nát hết các luống hoa khiến toàn bộ khung cảnh trở nên xơ xác, tiêu điều.

“Nâng cao hình ảnh du khách Việt”

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hiện nay do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của đất nước Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực du lịch. Do vậy, Quy tắc ứng xử trong du lịch và cả trong cuộc sống đang trở thành nhu cầu cấp bách của xã hội.

Năm 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” và đưa ra lời khuyên về 10 hành động đẹp trong ứng xử khi đi du lịch trong và ngoài nước. Ngành du lịch, cơ quan quản lí du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương, doanh nghiệp, báo chí, người làm du lịch đã chủ động vào cuộc triển khai chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” trong cả nước. Chiến dịch này đã góp phần giảm thiểu những hình ảnh xấu xí của du khách Việt khi đi du lịch ở trong, ngoài nước. 

 Phó Giám đốc Công ty TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt là người tiên phong trong việc nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc ứng xử “Du lịch văn minh” để phổ biến tới du khách của TransViet Travel, được Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhân rộng mô hình.

TransViet Travel triển khai tới đội ngũ hướng dẫn viên để họ nhắc nhở du khách trước và trong quá trình tham gia tour cũng như giám sát hành vi của họ. Sau một thời gian, kết quả nhận được rất khả quan khi thống kê cho thấy có đến hơn 80% hành vi kém văn minh được giảm bớt. 

Ngành du lịch, cơ quan quản lí du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương, doanh nghiệp, báo chí, người làm du lịch đã, đang chủ động vào cuộc triển khai chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” trong cả nước. Chiến dịch này đã góp phần giảm thiểu những hình ảnh xấu xí của du khách Việt khi đi du lịch ở trong, ngoài nước. 

Song song, các nhà quản lý cần có những ràng buộc pháp lý cụ thể và nghiêm khắc như vậy để người ta ngần ngại vi phạm, nhất là khi bắt quả tang phải xử lý nghiêm bằng luật chứ không đơn giản cho qua chuyện.

Ông Nguyễn Thế Hùng (Cục Di sản Văn hóa) cho hay, chung quy vẫn là ý thức của con người. Ý thức đó phải đến từ sự giáo dục thì mỗi người mới biết gạt qua những cái ích kỷ để hướng đến cái chung, hướng đến cộng đồng và khi đó không ai sẽ đi vẽ bậy mà ngược lại họ sẽ bảo vệ cảnh quan, di sản cho mai sau.

Để người dân nói chung, du khách nói riêng nâng cao ý thức, căn cơ hơn là phải bắt đầu từ giáo dục. Gia đình và nhà trường cần phải đưa vào giáo dục nhân cách, hành xử văn hóa, tôn trọng những giá trị di sản văn hóa, ý thức cộng đồng ngay từ lứa tuổi học sinh bậc mầm non. Càng lên các bậc học, học sinh càng cần học những môn học về văn hóa, văn minh để xây dựng nhân cách văn hóa cho người Việt thêm tốt đẹp.

Đọc thêm