Cung Vương phủ và những bí ẩn chưa có lời giải

(PLVN) - Đến với Bắc Kinh, nơi hội tụ văn hóa ngàn năm lịch sử Trung Hoa, du khách có thể khám phá rất nhiều nơi, rất nhiều cảnh đẹp nhưng có một điểm đến nhất định du khách phải ghé qua một lần, đó chính là Cung Vương phủ, dinh thự của Hòa Thân - quan tham số 1 lịch sử phong kiến Trung Quốc. 
Cung Vươg phủ ẩn chứa bao điều bí mật.
Cung Vươg phủ ẩn chứa bao điều bí mật.

Tuy nhiên, nơi đây cũng xuất hiện nhiều bí ẩn ma quái chưa được giải đáp. Tuy tất cả chỉ là đồn đoán, chưa được khoa học kiểm chứng nhưng cũng khiến nhiều du khách hoảng hồn.

Biệt phủ xa hoa, tráng lệ

Có thể nói, cung Vương Phủ Hòa Thân là một trong những Vương Phủ nhà Thanh được bảo tồn hoàn hảo nhất của Trung Quốc. Năm 1982 được liệt vào danh sách bảo hộ trọng điểm của toàn quốc. 

Hòa Thân được biết đến là một đại tham quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Là người rất giàu có, thậm chí người ta còn cho rằng ông giàu hơn cả vua Càn Long, biệt phủ của ông được xem là đẹp nhất ở Trung Quốc.

 

Vào năm Càn Long thứ 40, Hòa Thân đã chọn ra một mảnh đất phong thủy bảo địa ở kinh thành để xây dựng nên biệt phủ của mình và cho đặt tên là "Hòa Đệ". Trong suốt một khoảng thời gian dài dưới thời Càn Long đế, nơi đây vốn là biệt phủ tích trữ số lượng tiền tài khổng lồ của tham quan họ Hòa.

Cung Vương Phủ ngày nay tọa lạc gần hồ Shichahai, nằm ở phía tây bắc của Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, được xây dựng năm 1777. Riêng khuôn viên và phủ đệ của Cung Vương Phủ đã chiếm diện tích 60.000 m2, hồ nước rộng lớn, khắp khuôn viên phủ đầy bóng cây mát rượi và nhiều loại hoa thơm ngát. Bố cục tổng thể hàm chứa hết những tinh túy, cao quý của văn hóa Vương phủ đời Thanh. Trong mỗi ngọn núi, vị quan tham này còn đặt hai báu vật bên trong để trấn trạch.

Trong Cung Vương Phủ, Hòa Thân cho xây dựng một tòa lầu trên núi nhân tạo để ngắm trăng, ngâm thơ, đọc sách. Đường lên tòa lầu này còn có một hành lang với lối đi dốc không có bậc, biểu thị cho con đường thăng quan tiến chức của Hòa Thân luôn hanh thông…

Với những cung phủ của quan lại, vua chúa có tuổi thọ hàng trăm năm tại Trung Quốc, việc người dân tự thêu dệt, hay được nghe kể lại những câu chuyện bí ẩn là điều khó tránh khỏi. Và với Cung Vương Phủ, vài trăm năm đã khoác lên mình một bức màn mờ ảo, để rồi người ta truyền tai nhau những tích truyện kỳ bí.

 

Theo đó, Hòa Thân cũng có một hậu cung đông đúc với hơn 80 thê thiếp. Trong phủ có một nơi được xây dựng kỳ công mà Hòa Thân dành riêng cho một người thiếp có tên là Phùng Thị mà ông ta rất yêu chiều. Sau khi con trai Phùng Thị chết khi còn nhỏ, bà đau buồn, sinh bệnh rồi sớm qua đời.

Từ đó, dân gian bắt đầu đồn đại rằng, cung Vương phủ cũng bị “hồn ma” Phùng Thị ám. Buổi đêm, người trong phủ thường nghe thấy tiếng phụ nữ khóc, thậm chí có người còn khẳng định họ từng nhìn thấy bóng phụ nữ mặc áo trắng lướt đi trong vườn. Nhiều du khách được người dân bản địa truyền tai nhau rằng, vào những đêm trăng thanh vắng bạn sẽ nghe được tiếng khóc ai oán vọng ra từ phía Cung Vương Phủ rộng lớn. Tương truyền rằng, đó là hồn ma vợ cả của Hòa Thân, Phùng Thị, khóc thương đứa con thứ bạc mệnh của mình.

Sau khi người con trai chết yểu, vợ Hòa Thân vì quá đau lòng nên cũng chết một năm sau đó. Ngày nay, nhiều nhân viên bảo vệ của tòa nhà này cho biết họ đôi khi vẫn nhìn thấy bóng áo trắng của người phụ nữ này, đi lại lang thang trong vườn hoặc thấp thoáng bên những hòn giả sơn.

Ngoài bóng ma của Phùng Thị, nhiều người còn nhìn thấy hồn ma của những người hầu khác trong phủ Hòa Thân khi xưa. Họ thường xuất hiện vào lúc tảng sáng với dáng đi vội vã như vẫn đang mải miết làm công việc của mình lúc sinh thời.

Lời nguyền khắc chủ 

Giờ đây mỗi khi nhắc tới nơi đây, người đời vẫn thường nhớ đến câu ví von nổi tiếng: “Một tòa Cung vương phủ, nửa bộ sử Thanh triều”. Nơi này cũng được xem là nguyên mẫu của Đại Quan Viên trong tác phẩm “Hồng lâu mộng”. Tuy nhiên ít ai biết rằng, Cung vương phủ thực chất lại bị xem là một nơi không mấy cát tường khi sở hữu “lời nguyền” từng khiến cho hậu duệ của 4 vị chủ nhân trước kia gặp phải không ít tai tương, đen đủi.

Nhân vật đầu tiên phải gánh chịu “lời nguyền” tai ương do tòa kiến trúc này mang lại cũng chính là Hòa Thân và gia tộc họ Hòa. Ngày 22/2/1799 dưới thời vua Gia Khánh, Hòa Thân bị ban án tự vẫn, toàn bộ gia sản của ông đều bị tịch biên. Kể từ sau khi Hòa Thân qua đời, tòa phủ đệ khổng lồ này được chia làm hai, một nửa giao cho con trai Hòa Thân là Phong Thân Ân Đức và vợ là Cố Luân Hòa Hiếu công chúa. Nửa còn lại được Gia Khánh tặng cho người em ruột cùng mẹ của mình, tức Khánh Vương Ái Tân Giác La Vĩnh Lân.

 

Về sau, con trai của Phong Thân Ân Đức và công chúa cũng yếu mệnh qua đời tại tòa phủ đệ của họ. Bản thân người con trai này của Hòa Thân cũng chỉ sống được tới năm 36 tuổi. Đến năm Quang Đạo thứ ba tức năm 1832, Cố Luân Hòa Hiếu công chúa cũng tạ thế tại đây. Kể từ đó, toàn bộ “Hòa đệ” chính thức trở thành Khánh vương phủ. Biệt phủ của Hòa Thân và gia tộc họ Hòa năm nào cũng đã biến thành tài sản nội bộ của hoàng tộc Ái Tân Giác La kể từ đó.

Tính từ đời Hòa Thân, tòa vương phủ này đã thay đổi nhiều đời chủ nhân. Tuy nhiên trong số đó, nổi bật hơn cả phải kể tới 4 nhân vật bao gồm: Nữu Hỗ Lộc Hòa Thân, Ái Tân Giác La Vĩnh Lân, Ái Tân Giác La Dịch Khuông và Ái Tân Giác La Dịch Hân.

Sau khi em trai Gia Khánh là Khánh Thân Vương Vĩnh Lân tiếp quản tòa phủ đệ này, ông cũng đã nhanh chóng qua đời chỉ vẻn vẹn vài năm sau đó. Sáu người con trai của Vĩnh Lân sau này chẳng hề có được kết cục tốt đẹp. Đa số họ hoặc là chết trẻ, hoặc bị tuyệt tự, có người thì bị trị tội, cách chức.

Trong số này, người được kế thừa tước vị Khánh thân vương của Vĩnh Lân là con trai thứ ba tên Miên Mẫn. Tuy nhiên Miên Mẫn cũng không trường thọ, chỉ sống tới năm 40 đã qua đời, lại không có con ruột. Sau khi ông mất, người em trai thứ năm là Miên Đễ kế thừa tước vị cùng vương phủ, nhưng không lâu sau cũng vì trị tội mà bị cách chức. Tới đây, chức vị và phủ đệ của Khánh Thân vương được trao lại cho Dịch Khuông, con thừa tự của Miên Mẫn.

Ái Tân Giác La Dịch Khuông vốn không phải con ruột Miên Mẫn mà là con của em trai ông, gọi Miên Mẫn là bác. Nhờ được người bác này nhận làm con thừa tự, ông đã được kế thừa tước vị và vương phủ. Tuy nhiên Dịch Khuông cũng nhanh chóng bị kết tội và mất đi quyền sở hữu đối với tòa vương phủ này. Thế nhưng điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, kể từ sau khi chuyển khỏi nơi đây, số phận của ông lại khởi sắc hơn bao giờ hết.

Thậm chí vào năm 1898, Dịch Khuông còn được phong làm Thiết Mạo Tử Vương (đặc quyền cho số ít các vương gia nhà Thanh có thể truyền lại tước vị cho con mà không bị giáng cấp). Kể từ đó, Dịch Khuông sở hữu tiền tài vô số, sau đó còn sinh hạ 6 người con trai và 12 con gái. Sau khi Dịch Khuông rời đi, nơi đây liền được Hàm Phong ban thưởng cho em trai là Cung thân vương Dịch Hân. Cái tên “Cung vương phủ” cũng có từ đó. 

Kể từ khi trở thành vị chủ nhân thứ 4 của tòa vương phủ này, gia tộc Dịch Hân lại tiếp tục phải đón nhận những điều không may mắn. Bằng chứng 4 người con trai của ông không phải chết yểu thì cũng vắn số. Trong số đó, người con trưởng chỉ sống tới 28 tuổi, con thứ tuy may mắn hơn nhưng cũng không thọ lâu, tới năm 49 tuổi đã qua đời. Hai người con trai còn lại của Dịch Hân đều không may yểu mệnh từ khi còn rất nhỏ.

Giờ đây, ngoài việc được biết tới là một thắng cảnh tham quan nổi tiếng ở khu Thập Sát Hải, người ta vẫn thường nhắc tới Cung vương phủ kèm theo giai thoại về “lời nguyền” khắc chủ.

Ngày nay, Cung Vương Phủ đã thay đổi khá nhiều so với thời các vị vương giả, quan lại sinh sống. Những bí ẩn phía trên chẳng ai có thể kiểm chứng được là đúng hay sai nhưng nhờ có nó, phủ Hòa Thân như khoác lên mình một màu sắc mới và thu hút được hàng triệu du khách tới xem mỗi năm. Du khách tới đây cảm nhận được phần nào cuộc sống xa hoa, vương giả của giới quý tộc Trung Quốc xa xưa.

Đọc thêm