1.800 - 2.000 người được bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL vào 2015

 Theo Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) được ban hành kèm theo Quyết định số 10 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì giai đoạn 2011 – 2015 sẽ có khoảng 1.800 – 2.500 người thuộc quy hoạch nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý được bồi dưỡng nghiệp vụ.

Theo Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) được ban hành kèm theo Quyết định số 10 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì giai đoạn 2011 – 2015 sẽ có khoảng 1.800 – 2.500 người thuộc quy hoạch nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý được bồi dưỡng nghiệp vụ.

Việc bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL hướng tới mục tiêu trang bị kỹ năng TGPL, cập nhật kiến thức pháp luật, quy tắc nghề nghiệp TGPL… để củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL; thường xuyên cập nhật kiến thức về quản lý, tổ chức và hoạt động TGPL ở trong nước cũng như nước ngoài cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trong hoạt động TGPL.

Bên cạnh đó, còn nhằm xây dựng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đủ về số lượng, tinh thông về nghiệp vụ, có kỹ năng tư vấn, đại diện và bào chữa (tương đương với Luật sư), có đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp cũng như xây dựng đội ngũ cộng tác viên TGPL đông đảo từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã, có trình độ nghiệp vụ vững vàng, là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho hoạt động TGPL.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2015 sẽ bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho khoảng 1.800 – 2.500 Trợ giúp viên pháp lý, 13 nghìn cộng tác viên TGPL, khoảng 5.000 – 7.000 thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL, khoảng 2.000 – 3.000 Luật sư, Tư vấn viên pháp luật của các tổ chức tham gia TGPL, 126 người (mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2 người) là đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp và lãnh đạo Trung tâm TGPL Nhà nước. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 1.800 – 2.500 người thuộc quy hoạch nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham dự bồi dưỡng nghiệp để kiểm tra, cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL theo quy định.

Thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên từ 1 – 3 ngày, được thực hiện tùy thuộc vào nội dung, hình thức, phương pháp và điều kiện thực hiện đối với từng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ. Còn bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý được tổ chức theo hình thức khóa bồi dưỡng tập trung 15 ngày, có kiểm tra cuối khóa theo Quy chế bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL của Bộ Tư pháp (Trong những tháng đầu năm nay, Cục TGPL đã tổ chức thành công một khóa bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý cho khoảng 80 người). Người đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ được Cục trưởng Cục TGPL cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL.

Để thực hiện những mục tiêu trên, các đơn vị thực hiện việc bồi dưỡng sẽ xây dựng đội ngũ cộng tác viên là giảng viên chuyên ngành hoặc kiêm nhiệm; Xây dựng chính sách thu hút những cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức chuyên môn có năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của Bộ, ngành, địa phương, ưu tiên những người có kinh nghiệm giảng dạy, những người là Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên để hình thành đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm; Kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL với quy hoạch và xây dựng chính sách, sử dụng cán bộ.

Ngoài ra, còn thực hiện phân công, phân cấp hợp lý trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, bảo đảm tuân thủ Quy chế bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL và phù hợp với thực tiễn công tác bồi dưỡng của từng cấp; nghiên cứu và đề xuất phân bổ nguồn tài chính của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương hợp lý cho hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ.

Huy động nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài, kinh phí của Quỹ TGPL Việt Nam và các nguồn hợp pháp lhacs cho công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL.

Hàn Thu

Đọc thêm