AFP dẫn báo cáo của Cơ quan Khí tượng và Đại dương quốc gia (NOAA) của Mỹ cho hay, 2015 không chỉ là năm nóng nhất trên toàn cầu mà còn phá kỷ lục nhiệt độ trung bình trên thế giới được thiết lập vào năm 2014.
“Trong năm 2015, nhiệt độ trung bình trên khắp bề mặt đất và đại dương toàn cầu cao hơn trung bình của thế kỷ 20 là 0,9 độ C. Đây là năm nóng nhất trong suốt giai đoạn từ 1880 đến 2015” – báo cáo của NOAA cho biết. Vẫn theo báo cáo, nếu so với năm 2014, thế giới trong năm ngoái nóng hơn 0,29 độ C, là biên độ chênh lệch cao nhất từ trước đến nay.
Phát hiện mới nhất nói trên đã xác nhận đà tăng liên tục nhiệt độ trên bề mặt đất và biển, liên tục phá kỷ lục trong những năm qua. “Kể từ năm 1997, khi đó là năm nóng nhất từng được ghi nhận, 16 trong 18 năm tiếp theo nhiệt độ trung bình toàn cầu đều cao hơn” – báo cáo của NOAA cho hay.
Việc nhiệt độ tăng cao diễn ra trên khắp thế giới trong năm qua. Trong đó, nhiệt độ ở khu vực Trung Mỹ và nửa phía Bắc của Nam Phi đã ở mức cao nhất từ trước đến nay. Nhiệt độ cao cũng đã được ghi nhận ở một số khu vực phía Bắc, phía Nam và phía Đông châu Âu; phía Tây châu Á và một vùng rộng lớn ở Đông và Trung Siberia.
Các khu vực phía Đông và Nam châu Phi đã ghi nhận số ngày có nhiệt độ ở mức thiêu đốt nhiều nhất từ trước đến nay. Tình trạng tương tự cũng đã diễn ra ở một số nơi thuộc khu vực Đông Bắc và vùng xích đạo Thái Bình Dương do tác động cộng hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.
Cơ quan Hàng không Mỹ (NASA) cơ quan giám sát khí hậu thế giới bằng hệ thống các vệ tinh và trạm quan trắc thời tiết – xác nhận năm 2015 đã phá kỷ lục về nhiệt độ ở thời đương đại. Theo NASA, sự thay đổi nhiệt độ phần lớn là do sự gia tăng lượng khí thải CO2 và các loại khí thải do con người tạo ra vào bầu khí quyển. “Biến đổi khí hậu là thách thức của thế hệ chúng ta” – Giám đốc NASA Charles Bolden cho hay.
Ông Bolden cho biết, các thông tin trên không chỉ cho thấy tầm quan trọng của chương trình quan sát trái đất của NASA mà nó còn là các dữ liệu quan trọng mà các nhà làm luật thế giới cần chú ý và có hành động về khí hậu.
Báo cáo của NOAA được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo tại hội nghị về khí hậu tại Paris diễn ra tại Paris, Pháp hồi năm ngoái đã nhất trí với mục tiêu giữ để nhiệt độ toàn cầu sẽ không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ trước Cách mạng Công nghiệp. Song, nhiều nhà khoa học cho hay trái đất hiện đã ở quá 1/2 mốc đó và không hề có dấu hiệu suy giảm. Kết quả là, tình trạng băng tan và nóng lên ở các đại dương sẽ dẫn tới tình trạng nước biển dâng trong những năm tới.
Hiện tượng mưa bão được dự báo sẽ tàn khốc hơn khi trái đất nóng lên, còn những đợt rét ngắn ngày sẽ trở nên hiếm hoi hơn. “Hiện tượng này sẽ còn tiếp diễn” – ông Gavin Schmidt, Giám đốc Viện Nghiên cứu không gian Goddard thuộc NASA cho hay. Cũng theo ông này, vì ảnh hưởng mạnh mẽ của El Nino từ đầu năm, 2016 dự kiến sẽ trở thành một năm nóng đột biến và thậm chí sẽ lập một kỷ lục khác về nhiệt độ toàn cầu.