Đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu năm 2015 lên 23% so với năm 2014. Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức lương tối thiểu hiện nay, kể cả mức cao nhất ở vùng I là 2,7 triệu đồng/tháng thì ngay cả người lao động độc thân cũng không đủ chi tiêu chứ chưa nói đến việc phải nuôi con.
Trong khi đó, với lý giải trong bối cảnh kinh tế đang hết sức khó khăn như hiện nay, khả năng chi trả nếu điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm tới là rất yếu, ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động – VCCI cho rằng, mức lương tối thiểu tăng thêm 10% có thể làm tổng quỹ lương mà doanh nghiệp phải chi trả tăng thêm hơn 17%. Vì thế, ông Huy đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2015 hoặc nếu tăng thì mức tăng chỉ 10-12%.
Trong quý I và quý II vừa qua, Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khảo sát 1.500 công nhân tại 60 doanh nghiệp ở 12 tỉnh/ thành phố trên cả nước về vấn đề tiền lương, mức sống tối thiểu. Theo đó, tiền lương trung bình của người lao động, bao gồm cả các loại phụ cấp và làm thêm giờ hiện mới đạt hơn 3,7 triệu đồng/tháng, trong khi mức chi tiêu trung bình cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng của họ (có nuôi con) đã lên tới 4,1 triệu đồng/tháng.
Theo nhận định của các chuyên gia về lao động, hiện tại lương tối thiểu ở nước ta mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động. Nếu lương tối thiểu được điều chỉnh đều đặn hàng năm theo đúng lộ trình, với mức điều chỉnh mỗi năm tăng bình quân khoảng trên 15% thì cũng phải đến năm 2016, lương tối thiểu mới đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu cho đời sống tối thiểu của người lao động.