27 năm, nước mắt vẫn không ngừng rơi

(PLO) - Tạm biệt mẹ, vợ, các anh lên đường làm nhiệm vụ với lời hứa sẽ về thăm nhà sớm. Nhưng chưa kịp nhẩm tính ngày con, chồng trở về thực hiện lời hứa, những người phụ nữ kiên trung nhận được "giấy báo tử" của họ. Để rồi hơn 27 năm qua nước mắt của họ vẫn không ngừng rơi mỗi khi nhắc đến những người con anh dũng đã hy sinh thân mình cho biển đảo quê hương.

Mẹ Đay bên di ảnh của Liệt sĩ Võ Đình Tuấn.
Mẹ Đay bên di ảnh của Liệt sĩ Võ Đình Tuấn.
Mong ngày con về với mẹ
Trước ngày đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma 1988 tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi tìm về nhà mẹ Phan Thị Đay (80 tuổi, ngụ thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa). Mẹ là mẹ của Liệt sĩ Võ Đình Tuấn hy sinh trong trận chiến đấu giữ đảo Gạc Ma, Trường Sa năm 1988. Đã 27 năm trôi qua nhưng nước mắt mẹ vẫn không ngừng rơi...
Kể về người con trai duy nhất là chiến sĩ hải quân năm nào, mẹ Đay nói trong nghẹn ngào: “Tuấn là đứa con rất hiếu thảo. Ngày còn nhỏ đi học xa, mẹ cho nó mấy trăm đồng uống nước, nó không dám uống, về trả lại tiền cho mẹ. Nhà khó khăn, nó thiệt thòi đủ thứ so với chúng bạn nhưng lúc nào cũng cười bảo được đi học là điều mẹ đã làm tốt nhất cho con rồi. Cứ nhắc đến thằng Tuấn là mẹ lại thương nó hơn bao giờ hết”.
Nhà mẹ Đay từ năm 1988 có một Bằng Tổ quốc Ghi công được treo trang trọng ngay giữa gian nhà tình nghĩa. Ngồi bên cạnh vợ, ông Võ Ta (85 tuổi), mắt cũng ngân ngấn nước: “Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của Tuấn (27/2 âm lịch), gia đình lại đi Cam Ranh, vào Đài tưởng niệm các chiến sĩ Việt - Nga để thắp hương vì thân xác của con vẫn nằm lại giữa biển khơi. Mỗi lần nhắc đến Tuấn là mẹ nó lại khóc vì buồn thương”. 
Cẩn thận lôi từ trong tủ đựng những kỉ vật của con trai, ông Ta cho chúng tôi xem tấm ảnh của người liệt sĩ anh dũng năm nào. Gương mặt liệt sĩ Tuấn bầu bĩnh, tóc hơi xoăn, đôi mắt sáng ngời như niềm tin bất diệt về ý chí của người lính Hải quân khi lên đường nhập ngũ. Trong số kỷ vật có cả tấm giấy Tuấn đăng ký thi đại học trước khi nhập ngũ. Nhìn kỉ vật này, mẹ Đay nói: “Lần cuối cùng về thăm nhà mà mẹ còn được gặp nó, Tuấn mua cho 2 em, đứa cái quần, đứa cái áo, mua cho má đôi dép. Nó bảo khi rảnh sẽ đi nhặt vỏ ốc đem bán, dành dụm tiền mua quà cho em. Nó hẹn năm sau sẽ về, mua đủ bộ quần áo cho 2 đứa em. Vậy mà…”.
“Hôm biết tin tỉnh Khánh Hòa cùng các ban ngành xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma 1988, cả đêm mẹ khóc. Cứ đến ngày giỗ của nó cùng đồng đội, mẹ sẽ ra đó thắp nén hương...”, mẹ Đay nói với chúng tôi khi vạt áo mẹ đã ướt đẫm nước mắt từ lúc nào.
Anh ấy là tấm gương cho các con noi theo
Trong căn nhà tình nghĩa mà chính quyền và cán bộ, chiến sĩ Hải quân vùng IV xây dựng trao tặng, chị Đỗ Thị Hà (SN 1967, vợ Liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, chiến sĩ hải quân trên tàu HQ-604 trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988) nước mắt cũng lăn dài khi 27 năm qua, những kỉ niệm về người chồng không lúc nào thôi khắc khoải. 
Ngồi lặng một mình lần giở những kỉ vật năm nào về chồng, chị Hà tâm sự: “Khi anh ấy lên đường làm nhiệm vụ, cháu Đinh Thị Mỹ Lệ còn chưa tròn 2 tuổi. Anh ấy còn hẹn ngày về đưa con đi chơi nhưng mãi mãi không thành bởi chỉ chưa đầy một tuần sau, tôi đã nhận được giấy báo tử của chồng hy sinh tại Gạc Ma...”. Nói đến đây, chị Hà khóc nức nở, nỗi đau dường như quá lớn. Thương con gái, bao năm qua chị ở vậy nuôi con khôn lớn và trưởng thành. Giờ đây, cô con gái Đinh Thị Mỹ Lệ đã trở thành một nhà báo, một cán bộ của Báo Lao Động công tác tại TP.Hồ Chí Minh.
Nói về con gái, chị Hà chia sẻ: “Con gái tôi rất tự hào vì cha nó đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lúc còn đi học, biết bố cháu anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma, các thầy cô không chỉ giúp đỡ cháu mà còn thường xuyên động viên hai mẹ con nên tôi cũng thấy được an ủi phần nào”. 
Thắp nén hương trước di ảnh chồng, chị Hà bùi ngùi xúc động: “Năm nào cũng có một số người từng là đồng đội với anh Doanh ghé thăm nhà. Tôi hỏi lúc ấy anh Doanh ở đâu thì họ nói vẫn còn trong hầm tàu. Cách đây ít năm, khi các ngư dân vớt được một số bộ hài cốt, bên Bộ Tư lệnh Hải quân cũng đã tổ chức xét nghiệm ADN . Tôi hy vọng có chồng mình trong số đó, nhưng rất tiếc không phải. Suốt 27 năm, một mình nuôi con, vất vả với những lo toan, tôi chỉ mong được tìm thấy hài cốt của chồng để hương khói mộ phần nhưng xem ra việc đó quá khó”. 
Khi chúng tôi được thông báo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ khởi công xây dựng Đài Tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma ở TP.Cam Ranh, Khánh Hòa, đôi mắt người phụ nữ tần tảo, thủy chung ánh lên niềm vui:  “Cách đây mấy tháng, con gái tôi từ TP.Hồ Chí Minh về thăm có đem theo tờ báo đăng tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang khảo sát địa điểm xây dựng Đài Tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, tôi xúc động không nói nên lời. Nếu khu tưởng niệm được hình thành, mẹ con tôi sẽ có chỗ thăm nom, hương khói cho chồng, cha. Giờ tôi thấy ấm áp hơn rất nhiều, nỗi buồn 27 năm qua như vơi bớt”.
Chia tay chị Hà ra về, chúng tôi vẫn còn ngoái nhìn lại khi thấy chị tần ngần tiễn khách ra tận cổng nhà. Trong sâu thẳm trái tim những người phụ nữ như chị Hà, lòng tin yêu, tự hào về người chồng đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc chính là động lực để chị vượt qua khó khăn, vươn lên nuôi con trưởng thành như hôm nay./.

Đọc thêm