3 bí quyết dạy con thành tỷ phú

Không phải phố Wall, không phải các tập đoàn lớn hay chính sách của Chính phủ. Chính bố mẹ là những người đảm bảo rằng con cái của họ khi lớn lên sẽ trở nên giàu có, dư dật hay không.
Tất nhiên, vẫn có những ngoại lệ như các gia đình bị khuyết tật hoặc có vấn đề về y học, nhưng nhìn chung, nghèo đói là hệ lụy trực tiếp của việc nuôi dạy tồi, BusinessInsider khẳng định. Nước Mỹ hiện có gần 46 triệu người nghèo, trong số này, gần 14% nằm trong độ tuổi 18-64. Nếu như nhóm tuổi này "nghèo đói" thì con cái của họ chắc chắn cũng thuộc diện "nghèo đói".
Một nhà nghiên cứu đã dành ra 5 năm để nghiên cứu thói quen sinh hoạt thường nhật của 233 người thuộc giới thượng lưu, với thu nhập thường niên từ 160.000 USD trở lên và tài sản rọng trị giá tối thiểu 3,2 triệu USD. Đồng thời, ông cũng so sánh chúng với thói quen sinh hoạt của 128 người "nghèo", với tổng tài sản dưới 5000 USD.
Dưới đây là những thói quen của một "phụ huynh tồi" và đe dọa đến năng lực tài chính của trẻ trong tương lai nhất, theo nhà nghiên cứu đó:
1. Không tập thành thói quen đọc sách cho con của bạn mỗi ngày
Một trong những thói quen phổ biến nhất trong giới thượng lưu và thành đạt chính là đọc sách mỗi ngày để tự học. 30 phút hoặc hơn một ngày là tất cả những gì cần làm. 88% những người giàu có thói quen này, trong khi 98% người nghèo xa lạ với việc đọc sách.
Ben Carson, một nhà tâm thần học nổi tiếng từng chia sẻ câu chuyện về "Cách nuôi dạy những thói quen làm giàu" mà ông học được từ chính người mẹ của mình. Tiến sĩ Carson từng sống ở một trong những khu ổ chuột ở Detroit và mẹ của ông, quá lo rằng con trai của mình sẽ trở thành một thành viên vĩnh viễn của xóm ổ chuột đó, đã quyết định ép cậu bé Carson phải đọc sách mỗi ngày để tự học. Để đảm bảo rằng cậu con trai nghịch ngợm của mình đọc sách hàng ngày, bà mẹ cũng yêu cầu Carson phải viết tóm tắt dài một trang giấy về những gì cậu đã đọc trong ngày hôm đó rồi đưa mẹ kiểm tra.
Lâu dần, Carson hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày lúc nào không hay. Cậu bé cũng có đủ sự tự tin để theo đuổi trình độ học vấn cao hơn và cuối cùng là thi đỗ vào trường Y, một giấc mơ có từ thuở nhỏ. Và ngay cả bây giờ, Tiến sĩ Carson vẫn duy trì thói quen đọc mỗi ngày.
Nhiều năm sau này, Carson mới biết rằng hóa ra mẹ ông bị mù chữ. Bà thật ra không đọc được những gì con trai viết trong tờ tóm tắt. Chỉ bằng trực giác của người mẹ, bà Carson biết rằng nếu như mình có thể hình thành nên thói quen đọc sách cho con trai mình, nó sẽ có thể vượt ra khỏi "giấc mơ con" để tìm đến Giấc mơ Mỹ đích thực.
Chính vì thế, nếu muốn đảm bảo cho con của bạn có một tương lai tươi sáng thì thói quen tưởng như đơn giản nhưng đầy sức mạnh này chính là chìa khóa.
2. Phớt lờ quy luật giao du
Người giàu hiểu rất rõ "Luật giao du" mà người nghèo không tài nào hiểu nổi. Những người giàu thường giao du với những người đồng đẳng với mình, hoặc các bậc học giả, trí thức... những người luôn cố cải thiện cuộc sống của mình theo hướng tốt đẹp hơn nữa.
Nhưng nếu như bạn đang sống ở một khu bình dân, nơi môi trường xung quanh không thể tìm đâu ra một bậc trí giả thì sao? Các câu lạc bộ, các nhóm hướng đạo sinh, các tổ chức giáo dục phi lợi nhuận... luôn mang đến một môi trường khuyến khích sự rèn luyện, trau dồi bản thân và tự giác cho trẻ. Hãy đăng ký cho con của bạn tham gia những nhóm này sớm nhất có thể. Tỷ phú Ross Perot, Tổng thống đời thứ 38 của nước Mỹ Gerald Ford, tỷ phú Michael Bloomberg và Neil Armstrong (người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng) đều từng là thành viên của tổ chức hướng đạo sinh Eagle Scouts.
3. Vi phạm quy tắc "1 tiếng đồng hồ"
Con của bạn có xem TV, lướt Net hoặc chơi game nhiều hơn 1 tiếng/ngày hay không? Nếu như bạn không biết câu trả lời thì chắc chắn, bạn chưa làm tròn nhiệm vụ "phụ huynh" của mình.
Những người giàu luôn tỏ ra nghiêm khắc trong việc giới hạn thời gian xem TV của con cái. Ngày nay, khi Internet và video game đã thay thế dần vị trí của TV thì các bậc phụ huynh cũng cần phải giới hạn cả thời gian mà trẻ tham gia vào những hoạt động này nữa. Thời gian còn lại, trẻ cần được dành cho việc học, đọc sách, tham gia hoạt động tình nguyện hay các tổ chức/ câu lạc bộ như Eagle Scouts.

Đọc thêm