30 năm chăm… vợ cả của chồng

(PLO) -Từ khi nên nghĩa vợ chồng với ông Chắn, bà Ngọ đã phải chăm sóc “chị cả”, tức vợ trước của chồng mình.
Bà Ngọ đang chăm sóc cho người vợ trước của chồng.

 Năm 2002, khi cả gia đình mới chân ướt chân ráo vào Đắk Nông lập nghiệp thì chồng bà Ngọ đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Nước mắt chưa khô vì tang chồng, bà Ngọ lại phải bươn chải khắp nơi, làm thuê làm mướn đủ nghề để gồng gánh, nuôi đàn con thơ và người “chị cả” tàn tật. 

Nuôi vợ cho…chồng

Khi nhắc đến tên bà Hoàng Thị Ngọ (51 tuổi, ngụ thôn 3, xã Đắk Đrông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), người dân địa phương không ai không khỏi cảm thương. Người phụ nữ này sống trong cảnh nghèo khổ, cơ cực nhưng lại để tiếng thơm thảo quanh vùng bởi tấm lòng nhân ái xưa nay hiếm. 

Tiếp PV báo PLVN trong một buổi chiều mưa dầm dề, bà Ngọ đưa ánh mắt xa xăm kể lại cuộc đời truân chuyên của mình. Theo lời nhân vật, quê gốc của bà ở tỉnh Cao Bằng. Hơn 30 năm trước, bà còn là một cô gái trẻ đẹp, khiến bao trai bản phải mê mẩn.

Không ít người trong số đó buông lời tán tỉnh, thề non hẹn biển để muốn kết tóc se duyên cùng nàng sơn nữ. Thế nhưng, không biết duyên số xui khiến thế nào, không ai lọt vào mắt xanh của cô gái trẻ. 

Trong thời xuân sắc mặn mòi ấy, nàng sơn nữ hay lui tới giúp gia đình anh hàng xóm tên Chắn có vợ bị tai biến, phải nằm liệt giường. Trong tình cảnh mẹ già, vợ ốm, con thơ, người đàn ông nọ cũng bày tỏ tình cảm với cô Ngọ.

Thương cho hoàn cảnh của anh hàng xóm, cô gái trẻ dần xiêu lòng. Khi biết chuyện “gái tơ thương trai có vợ”, cha mẹ họ hàng cô Ngọ phản ứng quyết liệt. Tuy nhiên, hai người vẫn quyết định vượt qua tất cả định kiến của gia đình, xã hội; đánh liều vi phạm luật pháp; để được ở bên nhau. 

Dù có vợ mới trẻ đẹp nhưng ông Chắn cũng không quên đi nghĩa vụ phải chăm sóc, nuôi dưỡng người vợ cũ bệnh tật. Về phần mình, bà Ngọ cũng chẳng nề hà chuyện cơm nước, vệ sinh cá nhân cho “chị cả”. 

Bà Ngọ kể: “Vợ trước của chồng tôi tên là Nông Thị Nhu, năm nay cũng đã gần 60 tuổi. Năm 1987, chị ấy sinh con gái đầu lòng được hai tháng thì bị tai biến rồi nằm liệt giường cho đến nay. Sau những lần qua chăm sóc cho chị, tôi cảm thấy rất thương nên đồng ý về làm vợ anh Chắn.

Chồng tôi là một người sống nặng nghĩa tình, tốt tính. Dù người vợ cả bệnh nặng, nằm liệt giường nhưng anh ấy vẫn luôn dành thời gian để chăm sóc, không hề than vãn tiếng nào. Chính cử chỉ đó làm tôi thêm yêu thương, trân trọng anh ấy”. 

Đến năm 1992, do cuộc sống ở quê khó khăn, ruộng đất ít nên cả gia đình quyết định vào Đắk Nông lập nghiệp. Khi đi, người chồng cũng không quên mang theo người vợ trước của mình để tiện bề chăm sóc. 

Khi đến vùng đất mới, cả gia đình 7 con người chỉ có vẻn vẹn 7 triệu đồng mang theo. Để có kế sinh nhai, ông Chắn dùng 5 triệu để mua vài sào ruộng tại địa bàn thôn 3, xã Đắk Đrông bây giờ. Với 2 triệu còn lại, cả nhà chỉ đủ mua ít gạo, sắm sửa vài vật phẩm thiết yếu khác. Thấy cuộc sống của gia đình này quá khó khăn, một người dân trên địa bàn đã cho họ vào nhà mình ở tạm một thời gian. 

Nhà đông miệng ăn, lại mua phải đám ruộng xấu nên qua bao năm vất vả cày cuốc, vợ chồng bà Ngọ cũng chẳng dư được mấy đồng. Cuối cùng, hai vợ chồng bàn nhau, “mua góp” một mảnh đất nhỏ gần ruộng với giá gần 8 triệu đồng để dựng ngôi nhà tạm, làm nơi che mưa che nắng. 

Đến năm 2002, khi cuộc sống có phần thoải mái hơn thì chồng bà bắt đầu đổ bệnh lao phổi. Sống nơi đất khách quê người, tiền bạc chẳng có nên bà Ngọ phải bán bớt một ít ruộng để lấy kinh phí đưa chồng đi điều trị. Thế nhưng, ông Chắn không qua khỏi cơn bạo bệnh, bỏ lại bà Ngọ với cuộc sống đầy rẫy khó khăn. 

Bà Ngọ: “Tài sản quý giá nhất trong nhà tôi là tình thương” 

Nghị lực vượt khó

Sau khi lo xong tang lễ cho chồng, bà Ngọ phải tất tả ngược xuôi để làm việc, lo miếng cơm manh áo cho 5 miệng ăn còn lại trong gia đình. Ngày bà đi gặt lúa, hái đậu thuê, đêm đến lại đội đèn đi soi cua, mò ốc, hái rau…Nhờ chịu  khó, cần cù mà bà đã nuôi nấng cả 4 đứa con thơ khôn lớn, đồng thời chăm sóc cho “chị cả” của mình chu đáo. 

Điều khiến xóm giềng kính trọng, thương cảm bà Ngọ nhất chính là đức tính chịu thương chịu khó, hiền hậu, phúc đức của người phụ nữ này. Dù vất vả, cực nhọc, bận rộn tới đâu, bà cũng dành thời gian để giúp “chị cả” vệ sinh cá nhân và ăn uống. Tính đi tính lại, đã mấy chục năm trôi qua nhưng chẳng ai nghe bà Ngọ nói nặng lời với vợ trước của chồng một tiếng nào. 

Bà Chu Thị Nhình (SN 1947, hàng xóm) cho biết: “Tôi già hai thứ tóc, sống bên cạnh nhà của Ngọ hơn 20 năm nay nhưng chưa nghe Ngọ than thở gì về “bà cả”. Mỗi lần tôi hay xóm giềng sang chơi, thấy giường cô Nhu luôn sạch sẽ, thơm tho. Trên đời này, hiếm có ai như Ngọ, cô ấy nghèo nhưng đức tính tốt, tâm luôn hướng thiện”. 

Đến nay, con gái riêng của ông Chắn - bà Nhu (vợ cả) đã lập gia đình riêng. Tuy nhiên, bà Ngọ vẫn giữ “chị cả” lại để chăm sóc vì lý do: “Con gái về nhà chồng, không có gì đáng giá mà lại mang theo một người mẹ tật nguyền nữa thì tội lắm. Số kiếp tôi đã thế này, tôi nguyện chăm sóc cho chị Nhu đến cuối đời. Giờ tôi chỉ mong các con ai nấy đều yên bề gia thất, sống vui vẻ, đầy đủ là tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Khi trưởng thành, cả 3 con trai còn lại của bà Ngọ đều xuống TP HCM làm thuê. Bởi vậy, ngày qua ngày, trong căn nhà xập xệ, chỉ còn lại hai người phụ nữ rau cháo nuôi nhau. Nhìn căn nhà rộng chưa tới 20m2 ấy, khách chỉ vào vài bao thóc, mấy thúng ngô và chiếc xe đạp cũ, hỏi: “Hẳn đây là những thứ đáng giá nhất trong nhà cô?”.

Bà Ngọ lắc đầu, xua tay rồi cười bảo: “Không, không! Tài sản quý giá nhất trong nhà này là tình thương chứ. Đó là tình nghĩa vợ chồng, tình chị em và tình mẹ con”. 

Trao đổi với PLVN về trường hợp của bà Ngọ, ông Nông Văn Sinh, Trưởng thôn 3 xã Đắk Đrông thốt lên rằng: “Cô Ngọ là người phụ nữ tuyệt vời, tuyệt vời nhất trong những người mà tôi biết. Hoàn cảnh của cô ấy đặc biệt đáng thương, chồng chất khó khăn vì phải sống chung, chăm sóc cho người vợ trước của chồng đã tàn tật mà không một tiếng than vãn. Thế nhưng, bằng bản lĩnh, sự cần cù của mình, cô ấy đã vượt qua được tất cả. Cô ấy sống tốt đời đẹp đạo nên con cái ai cũng ngoan hiền, có hiếu”. 

Đọc thêm