30 năm Hải chiến Trường Sa - Ký ức nơi ấy vẫn vọng về

(PLO) - Đến thời điểm hiện tại, hoàn cảnh hy sinh của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên vùng biển Cô Lin- Len Đao-Gạc Ma đã và đang được cả thế giới biết đến qua những thước phim được công bố. Những thước phim xác thực nói lên ý chí, sự dũng cảm, kiên trung của những người tay không giữ đảo…
Mẹ Lan dù bệnh tật hiểm nghèo vẫn ngày ngày đạp xe đi làm thuê
Mẹ Lan dù bệnh tật hiểm nghèo vẫn ngày ngày đạp xe đi làm thuê

Sáng mãi “vòng tròn bất tử”

Ngày 14/3/2018, cũng tại Đà Nẵng, như nhiều năm qua, Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa (giai đoạn 1984- 1988) cũng đã tổ chức Lễ tưởng niệm 30 năm trận chiến bảo vệ Trường Sa (14/3/1988- 14/3/2018) và tri ân 64 liệt sĩ Gạc Ma. 

Các đại biểu cùng nhau dâng hương, kính cẩn nghiêng mình, mặc niệm tri ân 64 liệt sĩ chiến đấu anh dũng bảo vệ  đảo Gạc Ma, ôn lại lịch sử trận chiến hào hùng của hải quân Việt Nam đã công tác, chiến đấu ở Trường Sa. 

Trong bài diễn văn tưởng niệm, Đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên Chỉ huy trưởng Trung đoàn 83 nhắc lại, ngày 13/3/1988, tàu HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125 được lệnh từ đảo Đá Đông nhanh chóng cơ động đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6 giờ ngày 14/3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ 605 đến Len Đao lúc 5 giờ sáng 14/3 và cắm cờ Việt Nam trên đảo san hô này.

Khoảng 9 giờ ngày 13/3, tàu HQ 604 và tàu HQ 505 được lệnh từ đảo Đá Lớn về phía Gạc Ma và Cô Lin thực hiện nhiệm vụ đóng giữ các đảo. Sau khi hai tàu Việt Nam thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc từ đảo Huy Gô chạy về phía Gạc Ma, có lúc hai bên chỉ cách nhau 500m. 

Lúc 17 giờ ngày 13/3, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ 604, dùng loa gọi sang, bắt ta rời khỏi đảo. Ta kiên trì neo giữ đảo, liền bị các tàu hộ vệ và chiến hạm của Trung Quốc uy hiếp. Trước tình hình trên, tàu HQ 604 cùng lực lượng công binh đưa tàu áp sát chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma, tiếp đó Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo.

Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ hạm đội được trang bị pháo 100mm, yêu cầu phía Việt Nam rút khỏi đảo Gạc Ma. Ban chỉ huy tàu HQ 604 họp nhận định, Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp, bộ đội ta phải bình tĩnh xử lý, thực hiện theo phương án tác chiến đã đề ra, quyết tâm bảo vệ đảo.

Ngày 14/3, tàu HQ 604 thả neo tại đảo Gạc Ma, Lữ đoàn 146 phát hiện 4 chiếc tàu lớn của Trung Quốc tiến đến nổ súng đánh chiếm đảo Gạc Ma. 

Các chiến sĩ Hải quân Việt Nam chiến đấu kiên cường bám trụ bãi đá Gạc Ma. Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100mm vào tàu HQ 604 làm tàu hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho tàu xông về phía tàu Việt Nam, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy tàu sử dụng các loại súng tiểu liên AK47, trung liên RDP và B40, B41 đánh trả.

Cán bộ chiến sĩ ta vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ đảo, bảo vệ lá cờ Tổ quốc Việt Nam. Lúc này Trung Quốc tiếp tục nã pháo làm tàu HQ 604 của Việt Nam hư hỏng nhiều chỗ và chìm dần xuống biển. Đồng chí Vũ Phi Trừ thuyền trưởng, đồng chí Trần Đức Thông- Lữ đoàn phó- Lữ 146 cùng một số đồng chí ở trên tàu đã hy sinh cùng tàu ở khu vực đảo Gạc Ma.

Trên đảo có tổ 3 người gồm thiếu úy Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh dũng cảm chiến đấu bảo vệ đảo, bảo vệ lá cờ Tổ quốc.

Tại đảo Cô Lin, lúc 6 giờ, tàu HQ 505 đã cắm được hai lá cờ. Khi thấy tàu HQ 604 chìm, tàu 505 được lệnh nhổ neo lao lên bãi. Bị địch phát hiện, tàu HQ 505 bị tấn công và bốc cháy lúc 8 giờ 15. Thủy thủ tàu HQ 505 dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo Đá Cô Lin và đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ 604 bị chìm gần đó.

Tháng 8/2008, ngư dân đã đưa lên được 4 bộ hài cốt liệt sĩ từ xác tàu HQ 604, đồng nghĩa vẫn còn 60 hài cốt bộ đội đang nằm sâu dưới lòng biển. Bảy người trong số họ đến từ Hòa Cường, một phường nghèo lúc ấy của TP. Đà Nẵng.

Họ gia nhập quận đội năm 1987 thuộc đại đội 9 trung đoàn Hải quân công binh 83. 7 người con của Hòa Cường gồm Trương Quốc Hùng (SN 1967), Trần Tài (SN 1967) , Phan Văn Sự (SN 1968), Nguyễn Hữu Lộc (SN 1968), Phan Văn Lợi (SN 1969), Lê Văn Sanh (SN 1967), Nguyễn Phú Đoàn (SN 1968) đã kết thành vòng tròn sinh tử- những chiến sĩ cuối cùng bảo vệ đảo Gạc Ma 14/3/1988.

Ký ức về con chưa bao giờ nguôi ngoai

Cả ngày dù quần quật với công việc, những hễ ai nhắc đến Trường Sa, Hoàng Sa, những hồi ức về con trai cứ thế ùa về với mẹ Lê Thị Lan (SN 1946, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc). Mẹ kể, năm 19 tuổi, Lộc nhập ngũ, được phân công tác ở E83 (đóng tại Đà Nẵng). Tiếng là đi bộ đội nhưng gần nhà nên tuần nào Lộc cũng xin phép đơn vị về phụ mẹ cuốc đất làm vườn. Cũng có khi Lộc về nấu mẹ bữa ăn rồi đạp xe vào đơn vị.

Đầu năm 1988, Lộc cho gia đình biết, mình nhận nhiệm vụ vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để chuẩn bị ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Trước ngày con đi, mẹ có nói với Lộc “Cam Ranh chứ không phải như ở Đà Nẵng mô, hết trốn về được”. Nghe xong, Lộc đáp lại: “Rứa con đi luôn mẹ hỉ”. “Sau này ngẫm lại mới biết, lời đùa của con mà thật, như một điềm báo trước”, mẹ Lan bồi hồi. Trước khi lên đường, ở đơn vị tại Đà Nẵng, Lộc còn viết thư gửi lại, nội dung dặn mẹ yên tâm, Lộc chỉ xây dựng đảo thôi, không phải ra nơi chiến trận, mẹ đừng lo lắng mà sinh bệnh. 

Mẹ Lan kể tiếp, ngày anh Lộc vào Cam Ranh, mẹ mang tấm chăn bông lên tận đơn vị gửi cho con mang theo, nhưng Lộc nói ngoài đó nóng lắm không dùng, rồi đưa mẹ mang về. Từ ngày con đi đã hơn 1 tháng, nhưng mẹ cũng chưa nhận được tin tức gì, lạ lùng, đến khuya ngày 14/3, trong giấc mơ, mẹ lại thấy Lộc mình mẩy ướt sủng đi tìm mẹ đòi đưa chăn bông.

Mẹ Lan hỏi con: “vì răng lúc đi không lấy, giờ đòi mẹ”, Lộc chỉ đáp: “con nằm ở dưới nước lạnh quá”…Tỉnh giấc, mẹ Lan cảm giác đã có điều gì đó chẳng lành. Mấy ngày liền ra vào bồn chồn, đến ngày thứ 3, mẹ Lan nghe trên sóng phát thanh nói về trận hải chiến Cô Lin- Gạc Ma, cùng với đó, cô phát thanh viên xướng tên đứa con Nguyễn Hữu Lộc của mẹ đã hi sinh, mất tích.

“Không thể diễn tả cảm xúc lúc ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, hình như giọng nói của cô phát thanh viên vẫn văng vẳng bên tại mẹ. Uất ức, bức bối, đau đến buốt lòng, như thể có tảng đá đang đè trên ngực và cũng từ đó đeo bám mẹ mãi không thôi”, mẹ Lan nhớ lại.

Cũng giống như mẹ Lan, trong trí nhớ của người mẹ Hồ Thị Lai (SN 1933) vẫn nhớ như in cái ôm chặt của đứa con yêu quý Trương Quốc Hùng trước giây phút nhận nhiệm vụ ra Trường Sa. “Năm 1987, cháu Hùng vào lực lượng Hải quân vùng 3, thao luyện và tham gia sản xuất tại Hội An (Quảng Nam). Tết năm 1988, Hùng thông báo nhận nhiệm vụ Trường Sa làm công tác vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng đảo.

Đi được ít lâu nó còn biên thư cho biết đang công tác tốt, hoàn thành nhiệm vụ sẽ lại về thăm mẹ. Đùng một cái, ngày 14/3/1988 cả nhà lặng người khi nghe hung tin từ Trường Sa. Mấy chục năm rồi hễ nhắm mắt lại, mẹ cứ thấy nó ôm mẹ, cười rất tươi…”, giọng mẹ Lai tắc nghẹn. 

30 năm trời đằng đẵng, những lúc nhớ con, mẹ Lai lại mang chiếc áo sơ mi, kỷ vật duy nhất của con trai để còn sót ở nhà để ôm ấp. “Trước khi đi nó chỉ để lại mỗi cái áo này. Bao nhiêu năm nay, mẹ không giặt nó vì muốn lưu giữ hơi ấm của con. Nhiều lúc sợ thời gian mưa nắng làm bay mất hơi con mà cứ nhớ quay quắt những tháng ngày nó còn ở nhà với mẹ”.

Vừa nói, mẹ Lai vừa ghì chặt chiếc áo cũ sờn vào lòng như ôm đứa con xa lâu ngày trở về. Ngoài chiếc áo, tờ báo Quảng Nam- Đà Nẵng chạy hàng tít to đùng “Tội ác của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam tại quần đảo Trường Sa” cũng được mẹ gữ gìn cẩn thận.

Đọc thêm