Người đàn ông bất hạnh ấy tên đầy đủ là Lưu Văn Ninh (50 tuổi) - Hiệu trưởng Trường THCS Châu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Chắt chiu những ngày nghỉ ít ỏi cuối tuần hay lễ tết, ông chưa bao giờ chùn bước với niềm tin tìm lại được người mẹ dứt ruột sinh ra mình...
“Mẹ ơi! Mẹ ở nơi đâu?”
Ông Ninh nhắc lại nhiều lần rằng, hầu như chưa ngày nào ông không thốt lên câu hỏi ấy. Ông Ninh không còn nhớ nổi lần gần nhất là lần thứ bao nhiêu, ông vượt quãng đường xa xôi từ Thanh Hóa vào Quảng Bình với mong muốn tìm ra được người mẹ ruột mà ông chưa một lần gặp mặt.
Lẽ thường thì đến tuổi ngũ tuần, lại chịu cảnh cút côi và trải qua biết bao sóng gió, dâu bể cuộc đời, sẽ rất hiếm khi thấy đàn ông khóc. Nhưng trong suốt câu chuyện tìm mẹ của mình, ông Ninh liên tục quệt tay ngang mặt cố che đi những dòng nước mắt lăn xuống. “Chiến tranh đã im ắng gần nửa thế kỷ, nhưng nó gieo nỗi đau vào cuộc đời tôi như vĩnh viễn. Cũng bởi đạn bom tàn khốc mà mẹ con tôi đã phải chịu cảnh chia ly khi tôi mới 9 tháng tuổi, còn chưa nhớ mặt người”, ông Ninh xót xa kể.
Ông cho hay, những năm tháng tuổi thơ lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ nuôi, ông chưa một lần hoài nghi về gốc gác của mình. Nhưng rồi một ngày trưởng thành, ông đã không đứng vững khi bố mẹ (vợ chồng ông Lưu Văn Ngoan) phải vén bức màn bí mật - ông không phải do chính họ dứt ruột đẻ ra.
Ông nhớ lại: “Cảm giác kinh khủng lắm khi suốt mấy mươi năm tôi mới biết mình chỉ là đứa con nuôi. Bố mẹ nuôi kể lại rằng, cuối năm 1969, một nữ thanh niên xung phong (TNXP) đóng quân tại thôn Vũ Thành, xã Vũ Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), trao cho họ một bé trai chừng 9 tháng tuổi nhờ nuôi giúp và hứa một ngày sẽ quay trở lại đón con, đền đáp ân tình. Bởi chiến tranh đằng đẵng ai biết ngày chấm dứt, bởi con đường hành quân vệ quốc của một nữ TNXP – quá nhiều gian khổ và hiểm nguy, mẹ đã không thể mang tôi theo cùng. Nhưng rồi, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mẹ tôi không quay lại tìm giọt máu của mình…”.
Cuộc sống của ông bắt đầu đảo lộn bởi câu chuyện và những thắc mắc về nguồn cội của mình từ đó. Ông Ninh bộc bạch: “Những đêm trắng tôi không chợp mắt được bởi những câu hỏi: Mẹ tôi là ai? Còn sống hay là đã mất? Mẹ có nhớ đến đứa con tội nghiệp, chưa một ngày biết mặt mẹ này hay không? Những suy nghĩ ấy càng ngày càng thôi thúc tôi phải tìm được mẹ!”. Ý nghĩ tìm mẹ bắt đầu từ những ngày anh thanh niên trẻ Lưu Văn Ninh còn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Nhưng bởi sợ bố mẹ nuôi buồn lòng, ông chẳng dám công khai.
Năm 1988, ông lặng lẽ một mình đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa để tìm kiếm những thông tin chi tiết hơn của mẹ như tên tuổi, quê quán đầy đủ, về đơn vị TNXP năm xưa… Nhưng chẳng một tài liệu nào ghi chép lại.
Ông Ninh kể: “Khi xem được chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài truyền hình Việt Nam, tôi ấp ủ hy vọng và mơ tưởng đến về một ngày đoàn tụ cùng mẹ trên sóng truyền hình. Nhưng rồi, từ chương trình số 146 (lúc ông Ninh đăng ký tham gia - PV) đến nay đã tầm số 2250, tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ một tín hiệu nào, dù chỉ là nhỏ nhoi nhất”.
|
Ông Lưu Văn Ninh (bên phải) trong một lần đi tìm mẹ tại Quảng Bình. |
Da diết uớc mơ tìm về nguồn cội
Cho đến bây giờ, thông tin về người mẹ ruột của mình mà người con tội nghiệp Lưu Văn Ninh có được vẫn quá ít ỏi. Ông cho biết: “Mẹ tôi tên là Liên - một cựu nữ TNXP từng đóng quân tại thôn Vũ Thành, xã Vũ Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vào những năm cuối thập niên 1960. Mẹ là y tá của đơn vị TNXP, rất thân với 3 người bạn gái tên: An, Thuần và Chương. Bố mẹ nuôi tôi kể, mẹ là một phụ nữ đẹp và có thói quen hút thuốc lá”.
Chỉ chừng ấy thông tin nhưng người con lạc mẹ ấy quyết không bao giờ bỏ cuộc và vẫn nuôi hy vọng rằng giữa biển người mênh mông, ông sẽ tìm được người mẹ đẻ của mình sau nửa thế kỷ cách biệt. Ông bảo: “Ai cũng cần có mẹ mà, càng lớn thì người ta lại càng muốn tìm về nguồn cội”.
Năm 2017, sau khi lo chu tất việc hậu sự cho ông bà và bố mẹ nuôi, ông Ninh lại vào Quảng Bình với hành trình tìm mẹ của mình. Không một người thân thích và chỉ với vài thông tin ít ỏi, nhưng trên suốt cuộc hành trình dài, người đàn ông này chưa một ngày đơn độc. Là Hiệu trưởng của Trường THCS Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, nên ông bắt đầu nhờ đến đầu mối là những người bạn đồng nghiệp công tác tại các Phòng Giáo dục của tỉnh Quảng Bình.
“Ngày đầu tiên bước xuống ngã ba Cam Liên của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), tôi được con trai của thầy giáo Võ Vĩnh Hào – Trưởng phòng Giáo dục huyện – đón về tận nhà. Và gần hai năm nay, với 5 lần trở lại Quảng Bình, những người bạn, người đồng nghiệp mới quen ở huyện Lệ Thủy đã đồng hành cùng tôi trên suốt những chặng đường gian truân tìm mẹ” - ông bồi hồi kể. Trân trọng và thấu hiểu khát khao tìm về nguồn cội của người con lưu lạc mẹ, những thầy giáo, cô giáo ở Lệ Thủy đã không quản ngại khó khăn cùng anh đi khắp các miền quê Quảng Bình. Hành trang của họ là những thông tin ít ỏi về người mẹ và niềm tin mãnh liệt về một ngày 2 mẹ con sẽ được trùng phùng.
Bất cứ thôn làng nào dù xa xôi đến mấy, có thông tin về những người phụ nữ tên Liên đã từng tham gia TNXP là họ lập tức tìm về. Nhưng rồi từ hy vọng lại đến thất vọng, cuộc hành trình tìm mẹ của người đàn ông tội nghiệp tóc đã ngả 2 màu muối tiêu vẫn cứ thế, kéo dài ra mãi. Ông Ninh cùng những người bạn đồng hành đã đi đến khắp các làng quê ở huyện Lệ Thủy, rồi Quảng Ninh, ra tận thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch...
Và có lẽ, chính sự mộc mạc, chân tình và cái khát khao tìm mẹ của ông Ninh quá cháy bỏng và mãnh liệt nên đi đến đâu, ông Ninh cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, dù không quen biết. Trong thời gian ông Ninh phải trở về Thanh Hóa để phụ trách công tác nhà trường, những người bạn - thầy giáo như: Ngô Mậu Tình, Đỗ Đức Thuần… của Phòng Giáo dục huyện Lệ Thủy vẫn tất tả ngược xuôi giúp ông tìm mẹ. Chính những điều đó dường như càng tiếp thêm sức mạnh cho ông Ninh, thêm niềm tin về một ngày được gặp lại mẹ sẽ không xa.
Theo dự đoán của ông Ninh, nếu tính tuổi thì bà Liên bây giờ khoảng tầm từ 71 đến 77 tuổi. “Tôi chỉ mong được một lần gặp mẹ, được phụng dưỡng bà những năm tháng cuối đời và sẽ chẳng bao giờ trách móc hay oán giận mẹ vì sao ngày ấy bỏ tôi lại mà không trở lại nhận con. Bởi chiến tranh loạn lạc mà, tôi còn sống trên đời này cũng là may mắn lắm rồi" – ông tâm niệm.
Tháng 7 vừa qua, người Hiệu trưởng Trường THCS Châu Lộc nơi xứ Thanh ấy lại hòa vào cùng dòng người trên khắp mọi miền Tổ quốc về với đất lửa miền Trung để tri ân những người đã ngã xuống cho chiến cuộc giữ nước của dân tộc. Không ít trong số họ là những người đi tìm hài cốt thân nhân mình - những người đã nằm lại nơi đây để giữ hòa yên quê hương hôm nay. Chưa ai khẳng định được, đâu sẽ là cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cuối cùng. Cũng như hành trình tìm mẹ của ông Lưu Văn Ninh vậy, không biết nổi, đâu là chuyến đi cuối cùng…
“Mẹ ơi! Mẹ ở nơi đâu... Dù con chưa một lần biết mặt mẹ nhưng tình cảm máu mủ thiêng liêng, ơn nghĩa sinh thành cao quý vẫn hiện hữu mãi. Cuộc sống vô thường, con giờ chỉ có mỗi cao ước là được tìm thấy ruột thịt, nguồn cội của mình mà thôi. Nếu mẹ không còn trên đời này nữa, nhưng đứa con tội nghiệp này vẫn mong được một lần nhìn thấy mẹ, dù chỉ qua di ảnh và xin nguyện phụng thờ mẹ cho tròn chữ hiếu. Mẹ ơi…” – nước mắt ông Ninh lăn dài xuống, giọng như nghẹn lại, xót xa, trĩu nặng rơi hòa vào trời chiều cuối hạ lồng lộng gió.
Người đàn ông tuổi ngũ tuần, tóc đã pha sương ấy vẫn còn một khoảng trống mênh mông trong lòng chưa được lấp đầy, nếu chưa có thêm thông tin về mẹ... Chuyển đến độc giả câu chuyện về ông Lưu Văn Ninh, chúng tôi mong muốn góp phần dù nhỏ nhoi, giúp ông đạt được ước nguyện… Biết đâu, phép màu sẽ xuất hiện trong cuộc sống này.
Ai biết được thông tin về người phụ nữ tên Liên, quê ở Quảng Bình, là cựu TNXP từng đóng quân tại thôn Vũ Thành, xã Vũ Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa vào những năm cuối thập niên 1960, hãy mang đến cho ông Ninh một cơ hội tìm thấy mẹ bằng cách liên hệ theo địa chỉ:
Lưu Văn Ninh - Trường THCS Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Điện thoại: 0949.110.867.