Bức ảnh Bác được gò từ tấm thép của máy bay địch bị bắn rơi |
Quên ăn, quên ngủ, quên cả người yêu vì gò tấm hình về Bác
Tại Bảo tàng Nghệ An hiện nay, tấm hình Chủ tịch Hồ Chí Minh được gò nổi trên mặt một tấm thép lớn đang được bảo quản và lưu giữ, theo nhân viên bảo tàng thì tấm hình do một thợ rèn Công ty Cơ khí Vinh làm sau khi Bác mất.
Bên trái bức hình bằng thép với dòng chữ “Nhà máy cơ khí Vinh, Nghệ An”, bên phải với dòng chữ “Nguyễn Công Phi công nhân thợ rèn”. Những ngày sinh nhật Bác đang đến gần, chúng tôi có dịp trở lại tìm người đã gò ra bức hình bằng thép đầy ý nghĩa này.
Tại Công ty Cơ khí Vinh, sau một hồi hỏi thăm về người thợ rèn với cái tên trên tấm hình thì được biết, ông Phi đã mất từ rất lâu, hiện những người thuộc thế hệ ông đều ở tuổi ngoại thất thập.
Tìm đến nhà ông Phi ở phường Hưng Dũng (TP Vinh), bà Nguyễn Thị Toàn (SN 1946, vợ ông Phi) vẫn còn rất minh mẫn và nhớ như in những ngày tháng ông Phi gò nên tấm hình về Bác Hồ. Bà Toàn cho biết, từ những năm 1965 – 1969, bà là công nhân của Xí nghiệp thương mại Nghệ An, ông Phi lúc đó là công nhân của Công ty Cơ khí Vinh. Hai ông bà quen và yêu nhau vào năm 1969, trong thời gian đơn vị của hai người được chuyển lên huyện Thanh Chương (Nghệ An) lao động sản xuất do chiến tranh ác liệt.
“Vào năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ mất, ông Phi mất ngủ nhiều đêm liền. Ông tâm sự muốn làm một việc gì đó về Bác để đời đời sau còn được nhắc đến mãi. Sau đó ông lặng lẽ xuống Bến Thủy lấy ba tấm thép lớn là vỏ một chiếc máy bay địch mới bị bắn rơi, mang về đơn vị rồi cứ thế gò đục làm nên tấm chân dung Bác Hồ.
Những ngày đầu mới bắt tay vào gò ảnh Bác, ông chưa biết bắt đầu từ đâu, bản thân ông cũng chỉ là một người thợ rèn mới được học nghề qua việc chỉ dạy của các thợ lành nghề trong công ty nên việc gò ảnh Bác rất khó khăn. Ban ngày làm việc ở công ty, những lúc nghỉ ngơi hoặc đêm về thì ông mới dành thời giờ miệt mài với công trình của mình. Thấy việc làm của ông Phi có ý nghĩa, một số thợ chính trong công ty đã tận tình giúp đỡ và động viên.
“Ông làm quên ăn, quên ngủ, thậm chí quên cả người yêu luôn”, bà Toàn cười nhớ lại. Nhiều lần sợ người yêu giận nên phải nhờ bạn đưa đi chơi hộ khi người yêu đến thăm, còn ông vẫn cứ với tấm thép, cây búa và dụng cụ gò hàn.
Bà Toàn nhớ lại những ngày ông Phi quên ăn, quên ngủ để gò thành tấm hình Bác Hồ |
Tấm hình gò chân dung Bác Hồ còn mãi với thời gian
Sau hơn 4 tháng cặm cụi làm việc, ông đã hoàn thành bức hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Ông Trịnh Văn Thành (SN 1950, người thợ hàn cùng công ty với ông Phi) nhớ lại, hồi đó nghe tin ông Phi đục xong ba tấm hình về Bác mà ai cũng bất ngờ. Bất ngờ thứ nhất là ông Phi chỉ là thợ vừa học vừa làm không được đào tạo qua trường lớp mà đường gò hết sức tinh xảo.
Bất ngờ thứ hai là bức chân dung được gò giống với những bức hình khác mà chưa ai có thể làm được cho đến thời điểm bấy giờ. Dù chỉ mới được gặp Bác trong một lần Bác về thăm nhà máy nhưng những đặc điểm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc sâu trong tim người thợ rèn Nguyễn Công Phi. Cùng với công lao to lớn của Người, với những câu chuyện về vị lãnh tụ của dân tộc nên bức hình của ông Phi được gò nên bức hình giống một bức hình chụp bằng máy ảnh hiện đại.
Sau khi hoàn thành ba tấm hình gò từ thép, ông Phi đem tặng lại cho công ty và được khen thưởng với công trình đầy ý nghĩa đó. Một phần thưởng lớn hơn 800 đồng được trao, ông Phi không mang về mà tặng lại để xây dựng nhà trẻ cho công ty. Năm 1970, ông Phi và bà Toàn cưới nhau, ông tiếp tục làm công nhân thợ hàn kiêm sáng chế ra đồ chơi cho các con và lũ trẻ trong khu. Hồi đó ông luôn sáng tạo ra nhiều đồ chơi làm từ sắt thép như gò ô tô ngày nghỉ hai cha con kéo nhau đi khắp thành phố ai cũng biết.
Ngoài ba bức hình làm bằng tấm thép, ông Phi còn được nhiều người biết đến với công trình Tượng đài Công nông binh tại chân cầu Bến Thủy và núi Quyết (phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An). Cùng với đó là những nghiên cứu, những công trình thực tiễn của ông trong quá trình công tác được công ty và Nhà nước ghi nhận tặng nhiều phần thưởng…
Năm 1979, với tài năng của mình trong kỹ thuật, ông được chuyển công tác sang Viện Thiết kế, đang làm thủ tục để sang Nga tiếp tục đào tạo thì bất ngờ ông mắc trọng bệnh. Ông qua đời khi ở tuổi 33, khi bao nhiêu công trình dang dở chưa thực hiện được, ông qua đời lúc đó mức lương của ông đã bậc 7, cao gần nhất nhì cơ quan.
Theo con trai đầu của ông Phi, hiện một tấm hình về Bác Hồ của thợ rèn Nguyễn Công Phi đang được cất giữ tại bảo tàng, một cái đang được cất giữ tại Bảo tàng Hà Nội và một cái ở Nga. Với sự khéo léo sẵn có cùng với trái tim luôn hướng về Bác, người thợ rèn Nguyễn Công Phi đã để lại cho đời một tác phẩm đầy ý nghĩa và còn trường tồn mãi với thế hệ mai sau.