Và chỉ tính riêng từ tháng 3 đến hết tháng 6/2016 kể từ khi Bộ Y tế quyết định tăng giá viện phí, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đã bội chi hơn 3000 tỷ đồng.
Chi phí KCB 6 tháng đầu năm tăng 8.545 tỷ đồng
BHXH Việt Nam vừa tổ chức hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, số đối tượng tham gia BHYT là 72,81 triệu người, tăng khoảng 2.8 triệu người, đạt tỷ lệ 100.9% so với kế hoạch giao và tỷ lệ bao phủ BHYT là 79%.
Có 13 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số như Lào Cai (98.5%), Điện Biên (97.8%), Thái Nguyên (97.4%), Hà Giang (97.3%). 16 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 79% đến dưới 90% dân số. 34 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ dưới 79% dân số. 36 tỉnh chưa hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT so với kế hoạch điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong số đối tượng tham gia đóng BHYT, nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 43% tổng số người tham gia. Nhưng nhóm người lao động và người sử dụng lao động mặc dù số đối tượng chỉ chiếm 16.95% số người tham gia nhưng là nhóm đóng góp số thu BHYT lớn nhất.
Đáng lưu ý là tổng quỹ KCB BHYT đạt 28.220 tỷ đồng, trong khi đó tổng chi KCB tại các tỉnh là 30.372 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 42% dự toán Chính phủ giao. Trong đó, chi phí theo loại hình KCB ngoại trú là 11.932 tỷ đồng (tăng 38%), nội trú là 18.150 tỷ đồng (tăng 41%), chi chăm sóc sức khỏe ban đầu là 290 tỷ đồng.
Còn chi phí KCB theo khu vực KCB ban đầu là 12.559 tỷ đồng (tăng 36.3% so với cùng kỳ năm 2015), chi phí KCB đa tuyến đến nội tỉnh là 10.108 tỷ đồng (tăng 50%), chi phí KCB đa tuyến đến ngoại tỉnh là 7.415 tỷ đồng (tăng 33%). Tổng số lượt KCB là 67.609.210 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Chi phí KCB trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng khá cao với tỷ lệ 40% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số tiền tăng thêm 8.545 tỷ đồng. Trong đó, nếu chia theo loại hình chi phí ngoại trú, nội trú thì thấy rõ chi phí gia tăng đột biến tại khu vực KCB nội trú với 41% và nếu chia theo khu vực chi phí thì chi phí tăng tại khu vực KCB đa tuyến đến nội tỉnh, tức là chi phí của bệnh nhân đi KCB ngoại nơi KCB ban đầu tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh là 50%”.
Nguyên nhân dẫn đến bội chi
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chi phí KCB BHYT 6 tháng đầu năm 8.545 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đó là do đối tượng tham gia BHYT tăng lên 12%, tương ứng với số tiền khoảng 2.941 tỷ đồng. Đó là do áp dụng giá dịch vụ y tế đồng hạng theo thông tư 37 khiến chi phí KCB BHYT tăng lên 3.173 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền tăng thêm còn do tác động của việc thông tuyến huyện khám, chữa bệnh với chi phí tăng thêm 1.399 tỷ đồng.
Còn lại, các nguyên nhân do tần suất KCB nội trú tăng cao hơn quy luật thông thường hàng năm, do đối tượng phát triển tăng mới có tỷ trọng thuộc nhóm hộ gia đình tham gia cao cũng khiến gia tăng chi phí KCB thêm 1.032 tỷ đồng.
Đánh giá về việc gia tăng chi phí KCB, ông Phạm Lương Sơn cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm đã có 37 tỉnh có số chi vượt quỹ KCB được giao. Một số tỉnh chưa bao giờ trong tình trạng bội chi nay đã trở thành đơn vị bội chi như Bắc Cạn, Lào Cai, Quảng Trị, Tuyên Quang. Trước tình trạng này và lộ trình tiếp tục thực hiện giá dịch vụ y tế đã bao gồm tiền lương trong 6 tháng cuối năm, BHXH Việt Nam xác định việc chỉ đạo kiểm soát chi phí đảm bảo thực hiện trong phạm vi dự toán Chính phủ giao là 72.700 tỷ đồng là nhiệm vụ trọng trách lớn”.
Cũng theo ông Sơn, biện pháp tiên quyết để giải quyết tình hình trên là đẩy mạnh chỉ đạo, làm việc trực tiếp với BHXH tỉnh, UBND các tỉnh để cùng bàn biện pháp thực hiện, tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo việc thực hiện tốt việc kế nối liên thông dữ liệu giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH để phục vụ việc giám định, thanh toán BHYT.
Cập nhật liên tục tình hình chi phí KCB và sử dụng quỹ để tìm hiểu nguyên nhân và có các giải pháp can thiệp kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tham gia BHYT hiểu đúng, đầy đủ về chính sách pháp luật của đảng, nhà nước về BHYT và những hành vi vi phạm pháp luật trong việc tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh BHYT để người bệnh BHYT biết và tránh vi phạm trong quá trình KCB.