5G và chiến lược 8G

(PLVN) - Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với ĐBSCL qua 8 chữ “8G”, để dễ vận dụng trong thực tiễn.
ĐBSCL hướng tới phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Chữ “G” đầu tiên là giao thông. Đó là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu. Giao thông với cả nước nói chung, ĐBSCL tiếp tục là “điểm nghẽn”, không thể không được đầu tư, với cả năm phương thức vận tải.

Chữ G thứ hai là giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Có thể nói giáo dục là chìa khóa vàng của phát triển bền vững. Đối với ĐBSCL, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Đây cũng là một “điểm nghẽn” nhiều năm qua của đất nước.

Chữ G thứ ba là sông nước. Với ĐBSCL sông nước không chỉ là giao thông thủy, mà từ lâu đã trở thành “văn hóa”. Chiến lược phát triển toàn vùng, không thể không phát huy lợi thế của các con sông lớn, nhất là sông Tiền và sông Hậu.  Phát triển giao thông thủy nội địa không chỉ là lợi thế của ĐBSCL mà còn là “gánh” cho đường bộ. Bởi đầu tư đường bộ ở ĐBSCL, suất đầu tư cao, do nền đất yếu, hệ thống cầu dày đặc. Thủ tướng đề nghị nghiên cứu khái niệm “kinh tế sông”. Đó là việc phải làm.

Chữ G thứ tư là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, Nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắn liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững. Đây là bài toán “đồng bộ” trong chỉ đạo, liên kết và tạo ra chuỗi giá trị. Chữ G thứ năm là giàu có. Muốn nhanh giàu, ĐBSCL không có cách nào khác phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế vùng và mỗi địa phương.

Chữ G thứ sáu là tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL. Chữ G thứ bảy là nội dung chính sách an sinh xã hội phải đặc biệt quan tâm, do ĐBSCL đang bị già hóa dân số. Chữ G thứ tám là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của phụ nữ.

Nhấn mạnh triết lý phát triển “thuận thiên”, nhưng Thủ tướng cho rằng, phải nhận thức đúng để có các giải pháp và hành động phù hợp, bảo đảm phát huy lợi thế, bảo đảm phát triển bền vững.

Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng đang đứng trước cơ hội to lớn của Cách mạng công nghệ lần thứ tư. Công nghệ 5G đang được triển khai ở Việt Nam được xem là nhân tố thay đổi “cuộc chơi”, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội... Làm tốt “8G” trong “thời đại 5G” ĐBSCL sẽ phát triển như mong đợi.